pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 thực phẩm có thể phục hồi gan, đẩy lùi gan nhiễm mỡ
Ảnh minh họa
Bác sĩ He Yilin, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, bệnh gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ mỡ hay chất béo (lipid) trong tế bào gan. Khi gan nhiễm mỡ đơn thuần mà không có viêm thì không tiến triển thành viêm gan mạn và xơ gan. Gan nhiễm mỡ mà gây viêm tại gan được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ (Fatty liver disease).
Những thói quen ăn uống gây bệnh gan nhiễm mỡ
Có nhiều nguyên nhân hình thành gan nhiễm mỡ, bao gồm cả lối sống và bệnh lý, trong đó phổ biến nhất là gan nhiễm mỡ do thừa cân, hội chứng chuyển hóa và chế độ ăn uống. Bác sĩ He Yilin nhấn mạnh thêm rằng, người béo không nhất thiết bị gan nhiễm mỡ, người gầy cũng rất dễ bị gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, thừa cân hay béo phì, nhất là vòng eo quá khổ cũng là một trong những yếu tố nguy cơ cao của gan nhiễm mỡ cùng với cao huyết áp, lượng đường trong máu cao…
Uống nhiều bia rượu không phải là thói xấu khi ăn uống duy nhất hại gan, gây gan nhiễm mỡ (Ảnh minh họa)
Hiện nay, thói quen xấu khi ăn uống được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh gan nhiễm mỡ. Thường gặp nhất là:
- Uống rượu bia nhiều: Rượu bia là một trong những nguyên nhân phổ biến gây gan nhiễm mỡ. Các nghiên cứu cho thấy có tới 90% người uống rượu nhiều (đàn ông >80g/ngày trong 5 - 10 năm, còn phụ nữ là 40g/ngày) đều gây ra gan nhiễm mỡ và lâu dài sẽ dẫn đến xơ gan.
- Hấp thụ quá nhiều đường fructose: Fructose được thêm vào thực phẩm chế biến sẵn, nước sốt... để tăng hương vị, cũng như các loại trái cây có hàm lượng đường cao. Con đường trao đổi chất của đường fructose khác với các loại đường khác, và nó sẽ trực tiếp được lưu trữ thành chất béo thông qua gan.
- Tiêu thụ quá nhiều nội tạng động vật, món nhiều dầu mỡ: Điều này làm tăng áp lực cho gan, làm chậm quá trình xử lý và chuyển hóa chất béo. Lâu ngày, một lượng mỡ lớn tích, gây bệnh gan nhiễm mỡ. Hệ quả là gan có thể bị viêm, tế bào bị tổn thương dẫn đến xơ gan, thậm chí suy gan.
- Nạp quá nhiều đường tinh luyện: Đường tinh luyện sẽ hình thành glycogen trong cơ thể và dự trữ ở gan và cơ. Từ đó làm khả năng dự trữ glycogen bị hạn chế, lượng đường dư thừa sẽ chuyển hóa thành hành triglycerid, hình thành mỡ tích tụ ở gan.
- Ăn thực phẩm đóng hộp quá thường xuyên: Thức ăn nhanh và thực phẩm đóng gói sẵn thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa, đường, muối… khiến gan hoạt động nhiều hơn. Quá trình này diễn ra lâu ngày sẽ gây bệnh gan nhiễm mỡ.
5 thực phẩm tốt nhất để đẩy lùi bệnh gan nhiễm mỡ
Theo bác sĩ He Yilin, ít người để tâm tới các dấu hiệu ban đầu của bệnh gan nhiễm mỡ. Đa số bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn nặng với triệu chứng rất khó chịu hoặc nhận thấy điều bất thường khi siêu âm ổ bụng, khám sức khỏe tổng thể.
Gan nhiễm mỡ nếu không được điều trị có thể dẫn đến “bộ ba bệnh gan” nguy hiểm bao gồm viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Bác sĩ He Yilin cũng nhấn mạnh, khi phát hiện ra gan nhiễm mỡ thì không có loại thuốc đặc hiệu nào có thể chữa khỏi, chỉ có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt để đẩy lùi bệnh.
Ví dụ như ngủ đủ giấc, tập thể dục, điều chỉnh tâm trạng và quan trọng nhất là tránh xa những thói quen ăn uống có hại cho gan đã kể ở trên. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể thường xuyên bổ sung thêm các loại thực phẩm giúp gan giải độc và chuyển hóa như:
- Các loại rau họ cải: Bông cải xanh, súp lơ trắng, củ cải trắng và các loại rau khác có chứa sulforaphane, có thể giúp giải độc gan. Chúng cũng giàu chất xơ và vitamin giúp tăng cường trao đổi chất, giảm mỡ gan nói riêng và mỡ nội tạng nói chung.
- Tỏi: Tỏi giàu lưu huỳnh và các chất giúp giảm trọng lượng cơ thể và chất béo ở người bệnh gan nhiễm mỡ. Chất allicin trong tỏi có thể nâng cao khả năng giải độc của gan. Nghiên cứu năm 2020 trên những bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ không do rượu dùng 800 mg bột tỏi mỗi ngày trong 15 tuần đã giảm mỡ gan và cải thiện mức độ enzyme.
- Thực phẩm giàu axit béo OMEGA-3: Axit béo OMEGA-3 là axit amin thiết yếu đối với cơ thể con người, có tác dụng làm giảm phản ứng viêm nhiễm của cơ thể, bạn có thể lựa chọn các loại thực phẩm như quả bơ, quả óc chó, cá hồi, cá thu… trong chế độ ăn uống của mình.
- Nghệ: Liều cao của curcumin - thành phần hoạt tính trong nghệ có thể làm giảm các dấu hiệu tổn thương gan ở những người bị gan nhiễm mỡ không do rượu. Bổ sung nghệ làm giảm nồng độ alanin aminotransferase huyết thanh (ALT) và aspartate aminotransferase (AST) - hai loại enzym cao bất thường ở những người bị bệnh gan nhiễm mỡ.
- Đậu nành và các loại đậu: Nhóm thực phẩm này giúp hạn chế nguy cơ bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Tiêu thụ các loại đậu thậm chí có thể giúp giảm lượng đường trong máu và chất béo trung tính (triglyceride) ở người béo phì, giảm mức độ ảnh hưởng của gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, bác sĩ He Yilin cũng nhắc nhở rằng bệnh nhân gan nhiễm mỡ nên chú trọng bổ sung nước nhiều hơn bình thường. Bởi vì quá trình trao đổi chất của toàn bộ cơ thể đều cần nước, vì vậy uống đủ nước cũng rất có ích cho quá trình trao đổi chất ở gan, thải độc và giảm mỡ gan.