58 trường ĐH thiếu một nửa chỉ tiêu sau tuyển đợt 1

01/08/2017 - 16:36
Thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT cho thấy, đã có 170 trường tham gia xét tuyển bằng kết quả thi THPT tuyển được 100% chỉ tiêu trong đợt xét tuyển đầu tiên, chiếm 53%. Vẫn còn hàng chục trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Thống kê cho thấy, trong đợt 1, đã có 170 trường tuyển đạt và vượt 100% chỉ tiêu. Số này chiếm 53% tổng số trường xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia.

Số trường tuyển sinh đạt từ 70% đến dưới 100% chỉ tiêu là 64 trường, chiếm 20%.
Có 234 trường tuyển đợt 1 đạt mức 70% chỉ tiêu.
Số trường tuyển sinh đạt 50% - 70% chỉ tiêu là 30, chiếm 9%.

Đặc biệt, có 58 trường mới chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu.
Như vậy, các trường đang thiếu chỉ tiêu trong đợt 1 sẽ tiến hành xét tuyển bổ sung đợt 2 từ 13/8 tới.

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2017. Ảnh minh họa: D.H 

Đánh giá của Bộ GD&ĐT cho thấy, quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn nguyện vọng (NV); đặc biệt là sau khi có điểm thi thí sinh được điều chỉnh NV thể hiện sự nhân văn. Bởi khi ĐKXT lần đầu, thí sinh được thể hiện NV và định hướng lựa chọn ngành nghề ban đầu cho mình, nhưng do chưa biết điểm thi và tương quan điểm giữa những thí sinh cùng thi nên vẫn có rủi ro.

Do vậy, việc cho phép thí sinh điều chỉnh NV sau khi biết kết quả thi giúp thí sinh xác định chính xác hơn khả năng của mình, qua đó có thể trúng tuyển vào NV ưu tiên cao nhất.

Về lọc ảo, Bộ GD&ĐT khẳng định các phần mềm chuyên dụng đã phát huy hiệu quả, giúp thí sinh trúng tuyển vào NV ưu tiên cao nhất và giúp các trường tăng cường kiểm soát thí sinh ảo.

Bộ GD&ĐT nói về điểm cao vẫn trượt và chính sách cộng điểm ưu tiên

Trước băn khoăn của dư luận về việc điểm chuẩn nhiều trường tăng cao đột biến so với dự kiến và các tư vấn, đại diện Bộ GD&ĐT cũng chính thức đưa ra những nhận định ban đầu.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, quy chế tuyển sinh quy định thí sinh đăng ký không giới hạn NV, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một NV ưu tiên cao nhất nên việc các thí sinh đổ dồn vào cách ngành có tính cạnh tranh cao là điều có thể dự đoán được.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng lý giải về lý do nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt đợt 1 

Bên cạnh đó, các trường khối công an, quân đội thu hút nhiều thí sinh điểm cao trong các năm trước (cả trình độ ĐH và CĐ) thì năm nay giảm rất nhiều chỉ tiêu nên điểm trúng tuyển của hầu hết các trường thuộc khối này đều tăng cao hơn năm trước. Do đó, các thí sinh điểm cao các năm trước vào các trường này thì nay lại dồn vào một số trường “top đầu” khác.

“Ngoài ra, khá nhiều trường/ngành có phân biệt điểm môn chính nhân hệ số, xét tuyển theo thang điểm 40 nên nhìn vào hình thức, tạo ra cảm giác điểm trúng tuyển rất cao nhưng đó không phải là điểm thực của tổ hợp ba môn thi do có một môn được tính điểm hai lần trong điểm tổ hợp xét tuyển…” -  Vụ trưởng lý giải.

Bà Phụng nhấn mạnh, trước khi thực hiện đăng ký xét tuyển, thí sinh đã có đầy đủ dữ liệu để tham chiếu như phổ điểm, điểm chuẩn năm 2016, điểm sàn… từ đó đưa ra quyết định cuối cùng.

Liên quan đến chính sách cộng điểm ưu tiên có gây bất công cho thí sinh có thực lực, bà Phụng cho hay quan niệm về bất công hay công bằng cần được đánh giá tổng thể. Công bằng phải xét trên điều kiện thực hiện quy định và hướng tới kết quả bình đẳng thực chất. Nếu áp dụng nguyên tắc xét tuyển như nhau cho các thí sinh có điều kiện khác nhau thì đó không phải là biểu hiện của sự công bằng. 

“Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… và giữa các đối tượng thì chính sách ưu tiên còn cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội, xét trên diện rộng” - bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm