Sẵn sàng chi số tiền không nhỏ để khám sức khỏe trước hôn nhân
Tháng 1/2018, đôi bạn trẻ Lê Thị Ngọc (SN 1990) và Lê Quang Hòa (SN 1987) trú tại Phường 3, Q.Bình Thạnh, TPHCM, kết hôn. Trước ngày cưới khoảng 3 tháng, cặp đôi này chủ động đưa nhau đi làm các thủ tục liên quan đến việc đi khám sức khỏe trước hôn nhân.
Chị Ngọc cho biết: “Trước khi cưới, chúng tôi đã được cán bộ làm về dân số đến nhà tư vấn về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, đó là việc chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống tình dục vợ chồng; Phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau; Chuẩn bị để có một cuộc sống tình dục thoải mái và an toàn nhất; Phòng ngừa các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn về sau… Do đó, chúng tôi đã cùng nhau đến Bệnh viện Đa khoa quận Bình Thạnh, Viện Pasteur, Từ Dũ và Bệnh viện Bình Dân để làm các xét nghiệm toàn diện (siêu chụp, trích ngừa, lấy máu…). Rất may, qua kết quả đi khám, sức khỏe của chúng tôi bình thường nên rất yên tâm và hiện tôi đã mang thai được 6 tuần tuổi”.
Theo anh Hòa: “Chi phí cho việc khám sức khỏe sinh sản trước hôn nhân là khoảng hơn 2 triệu đồng, đây có thể gọi là mức chi không nhỏ nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận được và sẵn sàng chi trả vì sự quan trọng và cần thiết của nó”.
"Thanh niên đi khám sức khỏe - tư vấn trước hôn nhân ngày càng tăng"
Đó là chia sẻ của chị Đào Thị Hồng Hạnh - cán bộ chuyên trách dân số Phường 22, Q. Bình Thạnh. Chị Hạnh cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến cho giới trẻ tích cực khám sức khỏe - tư vấn trước hôn nhân là do trong thời gian qua, ngành dân số cũng như chính quyền địa phương đã chú trọng đẩy mạnh nhiều hoạt động. Trên địa bàn 7/7 khu phố, 78 tổ dân phố tại phường, ngoài các chương trình, chiến dịch truyền thông cộng đồng, truyền thông nhóm chúng tôi còn đẩy mạnh hoạt động tư vấn vãng gia - đến từng hộ gia đình có thanh niên để truyền thông cho các cặp đôi trước khi kết hôn với các nội dung về dân số, về “Tiền hôn nhân là gì? Vì sao phải quan tâm đến tư vấn sức khỏe trước hôn nhân? Mục đích của việc chăm sóc sức khỏe trước hôn nhân? Kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân bao gồm những gì và khi cần thì khám - kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân ở đâu?".
Ngoài ra, cũng theo chị Hạnh: "Ngành dân số địa phương cũng đã phối hợp với Tư pháp xã trong việc phấn đấu thực hiện chỉ tiêu 100% các cặp đôi khi đến đăng ký kết hôn thì sẽ được tư vấn trước hôn nhân. Khi có một cặp đôi đến UBND Phường làm thủ tục đăng ký, cán bộ hộ tịch sẽ báo cho cán bộ Dân số đến và vô phòng của Phó Chủ tịch UBND xã - cũng là Trưởng ban Dân số, tại đây, cán bộ Dân số hoặc chính Phó Chủ tịch xã là người phụ trách tư vấn cho các cặp đôi một số nội dung liên quan đến pháp luật về hôn nhân gia đình; Chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; Kiến thức và kĩ năng nuôi nấng và giáo dục con (bắt đầu từ thai nhi); Kĩ năng tổ chức đời sống gia đình (quản lí tài chính, phân công việc nhà, nề nếp sinh hoạt, nữ công gia chánh…); Bạo lực gia đình - nguyên nhân và cách ứng phó… Chúng tôi nhận thấy có nhiều bạn đã rất thích thú và nhiều bạn thừa nhận rằng đến giờ họ mới hiểu được về tầm quan trọng của việc được tư vấn trước hôn nhân".
Được biết, trước đó, Phường 22, Q.Bình Thạnh, luôn đạt đúng chỉ tiêu của thành phố đề ra là mỗi năm đạt từ 1-2 cặp đi khám trước hôn nhân. Tuy nhiên, gần đây, con số này đã tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2018, tại phường đã có 5 cặp đôi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân tổng thể (với các gói khám từ 1 đến hơn 2 triệu đồng) và tỷ lệ được tư vấn trước hôn nhân là 125 cặp.
Tại TPHCM, trong các đợt tư vấn, truyền thông tại cộng đồng và vãng gia của ngành Dân số, vị thành niên và thanh niên đã được cung cấp các địa chỉ khám sức khỏe sinh sản, khám - tư vấn trước hôn nhân tại các địa chỉ cụ thể: Bệnh viện Hùng Vương (Quận 5), Bệnh viện Từ Dũ (Quận 1), Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố (Quận 11), Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân (Quận 3); Bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng (khoa Sản) của 24 quận-huyện… Đồng thời, các cán bộ dân số cũng đưa ra những lời khuyên các cặp vợ chồng nên khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi cưới từ 3 đến 6 tháng, bởi đó là thời gian trung bình để có thể điều trị nếu phát hiện bệnh… |
Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM: “Trong mấy năm gần đây, các hoạt động liên quan đến tư vấn sức khỏe sinh sản - tư vấn trước hôn nhân cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn được ngành triển khai với 6 biện pháp:
- Đưa nội dung khám sức khỏe tiền hôn nhân thành một nghĩa vụ bắt buộc đối với các cặp nam, nữ khi tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn;
- Phối kết hợp với chính quyền, ngành Y tế, Tư pháp, Tuyên giáo, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… đẩy mạnh các chương trình truyền thông tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân;
- Thành lập các CLB, Mô hình điểm Tư vấn miễn phí Sức khỏe sinh sản - Tiền hôn nhân;
- Xây dựng clip truyền thông và phát hành rộng rãi tại siêu thị, nhà chờ xe bus, phòng chiếu phim;
- Xây dựng tờ rơi chuyên về hoạt động này với những nội dung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và cung cấp địa chỉ dịch vụ… cho các nam, nữ thanh niên
- Tư vấn SKSS cho các cặp đôi trước khi kết hôn, các học sinh, sinh viên các trường Đại học, các nữ thanh niên là công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp”.
* Clip chia sẻ của Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM về một số kinh nghiệm, hiệu quả truyền thông, vận động các cặp đôi đi tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân: