6 cách "thu phục" con tuổi teen

26/08/2017 - 06:55
Biết con trai lớp 8 đi chơi với bạn khi được nghỉ học thêm, anh Đoàn Văn Thái (Quang Trung, Hà Đông) giận dữ, chửi bới om sòm… TS giáo dục Vũ Thu Hương cho rằng, cách ứng xử này khá phổ biến, dễ khiến teen có hành động dại dột.
Nhiều cha mẹ có thói quen áp đặt con tuổi teen. Ảnh minh họa

Anh Thái quản lý con rất chặt chẽ. Anh không quản lý bằng việc đưa đón con đi học mà nhờ cô giáo và bạn bè ở trường giám sát. Thế nên, khi biết thông tin con trai đi chơi cả buổi chiều với bạn bè khi lớp học thêm nghỉ, anh đã nổi giận chửi con một trận. Anh cho rằng, đi chơi với bạn sẽ khiến con trai hư hỏng, đua đòi...

Cậu con trai nghe bố mắng chửi ức nghẹn. Việc đi chơi với bạn bè trong lớp cũng bị cấm thì cậu có thể được làm gì? Ngoài việc học, cậu cũng cần có những người bạn, cũng phải vui chơi. Cậu ấm ức và có vẻ sợ sệt những lời mắng chửi của bố, thế nhưng, cậu cảm thấy không tôn trọng bố.

Cậu không bao giờ nói chuyện cũng như kể cho bố nghe những gì xảy ra xung quanh mình. Cậu cảm thấy bố không hiểu mình. Việc bố làm được duy nhất cho cậu là “nuôi con ăn và bắt con học”.

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương, cách ứng xử với con tuổi teen như anh Thái khá phổ biến. Ở tuổi mới lớn, khi cơ thể đang trưởng thành nên các teen dễ có những bức xúc, ức chế. Việc cha mẹ không tôn trọng sẽ rất có thể gây cho teen những hành động dại dột. Cha mẹ cần lưu ý 6 điểm sau để ứng xử với con tuổi teen:

1- Tuyệt đối không áp đặt. Nếu cha mẹ áp đặt con ở tuổi này thì sẽ gặp những phản ứng rất dữ dội của con. Thay vì áp đặt, cha mẹ cần nghĩ mưu kế. Các mưu kế bao giờ cũng có ích hơn là sự quyết liệt của “hệ thống luật pháp gia đình”.

2- Không đánh con lúc tức giận. Không đánh con là khẩu hiệu mà mọi cha mẹ cần nhớ dù có lúc điên muốn chết. Tuổi teen là tuổi dư thừa hoocmon nên dám làm những điều mà người lớn không dám. Vì thế, cha mẹ cần kiềm chế trước teen.

Cha mẹ cần kiềm chế trước teen. Ảnh minh họa

3- Luôn đọc và ghi nhớ các mục tiêu giáo dục dành cho học sinh cấp THCS và THPT và cố gắng để đạt được các mục tiêu đó. Nếu các cha mẹ lơ là, chỉ quan tâm đến kết quả học tập, các cha mẹ chắc chắn sẽ tạo ra những “sản phẩm” có chút vấn đề như: Lên đại học rồi, đòi hỏi thì nhiều nhưng chăm sóc gia đình hay làm việc gì đó cho bố mẹ là “ngại lắm, chẳng làm đâu” hoặc có dấu hiệu lệch lạc giới, hay đột ngột biến mất đi chơi hay vác bụng bầu tướng về ăn vạ bố mẹ. 

Lưu ý này vô cùng quan trọng vì nhiều cha mẹ áp đặt suy nghĩ cứ giỏi là ngoan, con mình học tốt là nó ngoan lắm rồi. Vì thế, họ quên mất những mục tiêu giáo dục ngoài kiến thức và nhiều sự cố đau lòng xảy ra.

4- Đừng nóng ruột mà bỏ cuộc mặc dù những đứa con tuổi teen thử thách lòng kiên nhẫn của bố mẹ rất lớn. Cha mẹ hãy cố gắng kiên nhẫn hơn nữa và kiên trì theo đuổi mục tiêu đã định trước.

Đừng giảng lý thuyết mà hãy cho con va vấp. Bởi “va thì sẽ vấp” và sẽ bật ra những kinh nghiệm xương máu. Từ đó, mọi thứ dần dần đi vào ổn định. Nói ra rả với con nhưng đọng lại trong đầu chúng rất ít, thậm chí có tác dụng ngược.

5- Teen vẫn cần tình yêu của cha mẹ, thậm chí còn cần nhiều hơn các em nhỏ. Teen vẫn yếu đuối trước sự quan tâm thật lòng và những “lời tỏ tình” ngọt xớt của cha mẹ. Vì thế, một trong những chiêu thức làm mềm tính teen chính là tỏ tình. Cha mẹ đừng quên chiêu này rất hiệu quả.

6- Đừng nói xấu teen. Nếu muốn nói xấu thì cố gắng tìm cách nói xấu kín đáo hết mức có thể. Bởi, nếu teen nghe được lời nói xấu từ cha mẹ (có thể thông qua ai đó) thì sự tức giận sẽ bùng lên và chắc chắn sẽ tìm cách “trả thù”. Do vậy, mối quan hệ của cha mẹ và teen sẽ xấu đi nhanh chóng.

Theo TS. Vũ Thu Hương, dạy teen đã khó, chỉnh sửa lỗi sai của teen còn khó hơn. Điều đó đòi hỏi cha mẹ sự kiên nhẫn, khả năng kiềm chế, các chiêu trò và hơn hết là tình yêu tha thiết dành cho teen.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm