6 nguyên tắc rèn con ứng xử văn minh, đúng mực

24/06/2018 - 16:47
Trẻ như cây non mới mọc, được uốn nắn ngay từ nhỏ sẽ tạo nền nếp, định hình tính cách, giúp trẻ có những ứng xử văn minh, đúng mực trong tương lai.
1.jpg
Tùy theo quan niệm mà mỗi phụ huỵnh có cách dạy con riêng. Ảnh minh họa.

 

Chị Vinh và chị Đào đều là hàng xóm của gia đình tôi. Chị Vinh có lối sống khá hiện đại. Quan điểm của chị là để cho con được tự do lựa chọn làm những gì con thích, cha mẹ không ép buộc, không khắt khe.

Theo chị Vinh, đó là cách để con hình thành cá tính riêng, là phương pháp để “tạo ra thế hệ F2 hiện đại, biết làm chủ bản thân, độc lập trong suy nghĩ và cuộc sống”. Con trai chị Vinh năm tới vào lớp 7, cháu thông minh, bạo dạn nhưng ít giao tiếp với hàng xóm, không thân thiện với bạn bè, các em nhỏ. Gặp hàng xóm cháu không bao giờ chào hỏi, còn giương mắt nhìn. Nếu có ai góp ý về cháu thì chị Vinh lại bảo, "tính thằng bé thế, nó cá tính lắm, cháu không thích thì không ép được".

Còn chị Đào là giáo viên dạy Văn nên khá kỹ tính. Chị rèn con từng ly từng tí trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều người nhận xét chị không hiện đại, khó tính, cực đoan. Trước ý kiến trái chiều, chị chỉ cười: “Cuộc sống càng hiện đại, con cần phải giữ nền nếp. Ở thời nào thì con cũng phải rèn luyện và trau dồi đạo đức, phép tắc”. Con chị Đào sắp vào lớp 6 nhưng cháu khá chững chạc, tự tin trong giao tiếp, luôn tỏ ra lễ phép, biết quan tâm đến người xung quanh.

Dưới đây là 6 gợi ý của chị Đào về cách “nắn” con của mình.

Chào hỏi lịch sự

Trẻ có thể học cách chào hỏi ngay khi mới biết nói. Vào lúc này, phụ huynh đã có thể dạy trẻ cách chào hỏi khi gặp gỡ, tạm biệt khi chia tay. Khi trẻ đã lớn hơn, khoảng 3, 4 tuổi trở lên, phụ huynh nên bắt đầu dạy trẻ chi tiết hơn về cách chào hỏi. Ví dụ như khi chào nên nhìn thẳng vào mặt người mình chào, nếu chào người lớn thì con nên khoanh tay. Khi chào ai đó, cần phải nêu cụ thể tên người đo như “Cháu chào chú Tiến ạ”, hay “Con chào cô Hương ạ”…

Dần dần, theo độ tuổi trẻ lớn lên, phụ huynh có thể dạy trẻ cách làm quen, trò chuyện với người xung quanh, phép lịch sự khi đi dự tiệc/sinh nhật, cách bắt tay, cách lâng ly chúc mừng.

2_55222.jpg
Để hình thành nhân cách khi lớn lên, trẻ cần được chỉ bảo, uốn nắn ngay khi còn bé. Ảnh minh họa

 

Nói lời văn minh

Những cách nói kiểu như “làm ơn”, “xin vui lòng”, “cảm ơn”, “xin lỗi”, “tôi/cháu có thể…”, “xin mời”, “vâng”, “dạ”… là những từ ngữ rất quan trọng trong giao tiếp. Để trẻ hiểu được như vậy, trước hết, chính phụ huynh phải là tấm gương sử dụng đúng lúc, đúng chỗ những từ ngữ này trong cuộc sống hằng ngày.

Biết tôn trọng người khác

Cha mẹ hãy dạy bắt đầu bằng bài học tôn trọng người lớn xung quanh trẻ, bạn bè và cả chính bản thân trẻ. Phụ huynh nên tôn trọng trẻ, trẻ sẽ biết rằng cảm giác được tôn trọng như thế nào và bắt đầu hiểu tầm quan trọng của việc tôn trọng người khác. Trẻ biết tôn trọng người khác sẽ quan tâm đến mọi người, có tinh thần trách nhiệm và trẻ sẽ hòa thuận với bạn bè cùng lứa.

tu-tin-giao-tiep-3.jpg
Khi tôn trọng ban bè, trẻ sẽ nhận lại được sự thân thiện và tôn trọng của người khác. Ảnh minh họa

 

Ứng xử lịch thiệp, văn hóa

Trong gia đình, hãy uốn nắn trẻ cách xưng hô, mời, gọi đảm bảo sự kính trọng, lễ phép, thương yêu, quan tâm đến mọi người trong gia đình, kính trên nhường dưới. Đối với người xung quanh và ngoài xã hội cần giữ phép lịch sự, lễ phép, ân cần giúp đỡ, chia sẻ, hướng thiện.

Hãy dạy cho con kỹ năng và thành lập thói quen khi con trả lời ai đó, đặc biệt là trả lời điện thoại. Tuyệt đối đừng để trẻ nói trống không và đối đáp kiểu “nhát gừng”. Thay những từ cộc lốc “có”, “không”, “không biết”, “không có nhà”, “đi dâu rồi”… bằng những câu đủ chủ - vị ngữ như: “Xin lỗi cô/chú, cháu có thể biết ai ở đầu dây bên kia không ạ?”; hoặc: “Dạ, cháu rất tiếc! Hiện bô/mẹ cháu không có ở nhà. Cô/chú có thể để lại lời nhắn qua cháu được không ạ?”…

day_tre_giao_tiep_dien_thoai.jpg
Dạy cho con kỹ năng và thành lập thói quen khi nghe điện thoại là một việc rất quan trọng trong giao tiếp đối với trẻ. Ảnh minh họa

 

Không gõ bát đĩa, ăn trông nồi, ngồi trông hướng

Đây không chỉ là thói quen xấu mà còn là một trong những hành vi khiếm nhã bên bàn ăn, nhất là khi gia đình bạn có khách. Thay vì để con tự tiện thích làm gì thì làm trong bữa ăn, cha mẹ hãy uốn nắn con tư thế ngồi ăn nghiêm chỉnh, lịch sự, không la hét, vòi vĩnh, thích gì gắp nấy, vừa ăn vừa làm rơi vãi thức ăn… Những điều cơ bản này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen và phong thái đĩnh đạc, đàng hoàng từ bé.

Không sinh sự, đánh nhau

Đây có thể là nhiệm vụ không dễ dàng gì cho các bậc cha mẹ bởi không phải lúc nào bạn cũng có thể ở bên cạnh, quản lý và giúp con kiểm soát cơn giận dữ. Nhưng việc giáo dục con là điều cần thiết và hãy dạy con bất cứ lúc nào cho đến khi con nhận thức rõ ràng được điều đó. Hãy nói với con rằng việc đánh bạn sẽ biến con thành người thua cuộc, đấy là hành vi xấu. Đây cũng là cách thức bố mẹ tiến tới định hình tính cách cũng như giúp trẻ có thể tự kiềm chế được mình trong tương lai. 

Trẻ nhỏ thường hay bắt chước những gì người lớn làm nên nếu cha mẹ hoặc người lớn trong gia đình không để ý đến việc mình làm thì vô tình sẽ làm trẻ học theo thói quen xấu. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng đừng quên dành thời gian để hướng dẫn trẻ những kỹ năng, phép tắc cơ bản khi đến chơi nhà người khác để giúp trẻ hình thành thói quen ứng xử văn minh.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm