pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 tuyệt chiêu giúp con mê ăn rau
Khi con bước vào độ tuổi ăn dặm, nhiều mẹ bắt đầu xây dựng thực đơn ăn uống đủ chất và dinh dưỡng cho bé yêu của mình. Tuy nhiên, một số bé rất ghét hoặc luôn nói không với món rau, về lâu về dài con không ăn hoặc chỉ nếm 1 chút cho có gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của bé. Điều này khiến nhiều bà mẹ đau đầu, không biết làm sao để con thích ăn những món liên quan tới rau củ.
Chị Thái Thu Trang (sinh năm 1991, sống tại Hà Nội) được mọi người vô cùng ngưỡng mộ khi khoe những hình ảnh của em bé Pi (18 tháng tuổi) ăn rau nhoay nhoáy, mẹ đưa miếng nào là cậu bé ăn hết sạch cực kỳ ngon miệng và hào hứng. Từ lúc bắt đầu ăn dặm cho đến nay, bé Pi trộm vía ăn uống rất tự giác, đến giờ ăn, bé tự biết đi rửa tay và trèo vào ghế ngồi. Bữa ăn chỉ diễn ra trong 30 phút đồng hồ và đặc biệt cậu bé có niềm đam mê mãnh liệt với rau củ.
Bé trai thích ăn rau
Để con ăn rau ngon như thế, bà mẹ trẻ đã đưa ra 6 tuyệt chiêu mà chị áp dụng cho con trai mình từ trước tới nay:
1. Để con cùng tham gia vào chuẩn bị bữa ăn
Ngay từ khi con bắt đầu biết đi, hãy cho con tham gia vào việc tiếp xúc với các loại rau củ. Khi sơ chế rau củ, mẹ cho bé đứng bên cạnh để quan sát. Giới thiệu và cho bé cùng tham gia nha, bé sẽ rất hứng thú với đồ ăn mà được cùng mẹ chế biến từ A-Z.
2. Đa dạng chế biến rau củ
Rau củ ngoài hấp, luộc có thể nấu canh, chiên tempura, hầm cùng thịt cá. Tùy theo khẩu vị của con, mẹ chế biến phù hợp để con hứng thú với các loại rau củ. Nhà mình bạn lớn tên là Nem thích đồ chiên giòn và bánh trái. Để bạn yêu thích ăn rau, mình hay xen kẽ nấu tempura rau củ vào thực đơn, thi thoảng xay rau trộn cùng bột làm bánh. Có 1 số loại rau có thể làm thành bim bim giòn tan như cải kale, củ sen..., bé nào cũng mê mẩn. Trong khi đó bạn Pi bé hơn thì thích các loại canh và salad nên mình thường nấu canh (canh rau muống, mồng tơi nấu tôm, canh bí xanh nấu sườn...). Sáng tạo các loại sốt salad rau củ để đa dạng thực đơn cho các con.
Bé Pi và những bữa cơm do mẹ nấu.
3. Đọc sách, nghe nhạc về việc ăn rau củ
Mẹ cùng bé ngồi xem các bài hát khuyến khích việc ăn rau. Vừa xem mẹ vừa nhắc lại để con nhớ sâu hơn. Mẹ có thể tìm trên youtube tại các kênh: Super simple song, Cocomelon, Jojo tiếng Việt... đều có các bài hát khuyên con nên ăn rau và tác dụng của rau củ đối với sức khoẻ. Các bài hát khá thực tế, bạn nhỏ trong TV cũng ghét ăn rau nhưng sau khi nghe lời khuyên là đã chịu ăn ngay.
Song song với đó, mẹ chọn mua sách về việc khuyến khích ăn rau củ. Mẹ dành ra 15 phút mỗi tối trước khi đi ngủ để đọc truyện cho con. Thời điểm này khi được mẹ thủ thỉ, con sẽ dễ tiếp thu và ghi nhớ sâu hơn.
4. Hãy để con thử trải nghiệm hậu quả
Khi con không chịu ăn rau, mẹ hãy cảnh báo con về hậu quả. Cảm giác táo bón không dễ chịu gì, tuy nhiên hãy để con trải nghiệm những hậu quả do sự lựa chọn của bé. Điều mẹ có thể làm lúc này là xác định tìm cách hỗ trợ khi con bị như vậy nha.
Bữa nào của em bé Pi cũng có đầy đủ đạm - tinh bột - rau củ, trong đó rau củ chiếm 50%.
5. Khen thưởng
Luôn tạo ra các giải thưởng hấp dẫn khi muốn con hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Nếu 1 bữa và trong tuần con đạt chỉ tiêu ăn rau củ, ba mẹ hãy dành tặng con phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của con nha.
6. Ba mẹ luôn là tấm gương
Con trẻ chính là bản sao từ ba mẹ. Nếu ba hoặc mẹ lười ăn rau củ, thì đừng mong có thể thay đổi con mình. Hãy cho con hiểu rằng, việc ăn rau củ khiến bố mẹ thấy vui vẻ và ngon miệng như thế nào.
Món nào cũng ngon và hấp dẫn với rất nhiều rau.
Chia sẻ thêm về việc ăn rau của các bé nhà mình, đặc biệt là cậu bé Pi, chị Trang cho biết: ''Khẩu phần hàng ngày của các con sẽ là 50% rau củ quả - 25% đạm - 25% tinh bột. Những bí quyết mình chia sẻ có thể áp dụng từ khi con 10 tháng. Trường hợp con không hợp tác, mẹ cần kiên trì thêm, mưa dầm thấm lâu.
Quan điểm của mình là không có em bé không hợp tác, chỉ là ba mẹ có biết tiếp cận đúng theo kênh nhận thức của con không mà thôi. Ví dụ: bạn Nem là chị của bạn Pi, bạn ấy tiếp cận thông tin qua kênh nghe kém. Tức là bố mẹ nói tai phải là qua tai trái và không để vào đầu đâu. Nhưng kênh đọc và quan sát của bạn rất tốt. Mình muốn dạy bạn điều gì sẽ mua sách, cho bạn xem các video clip, hoặc vẽ tranh cùng bạn, cùng bạn làm các tranh giấy... Qua đó để bạn tiếp thu với những kiến thức mình muốn truyền tải.
Bạn Pi thì khác. Kênh nghe và quan sát của bạn tốt. Kênh đọc lại không tốt. Mình sẽ hay nói, hát, đọc thơ, cho bạn xem clip. Và trực quan làm các việc hướng dẫn cầm tay chỉ việc cho bạn. Bạn sẽ tiếp thu rất nhanh''.
Có thể thấy mỗi bé sẽ có một khả năng và tiếp thu kiến thức không giống nhau, bố mẹ nên quan sát để tìm ra phương pháp hỗ trợ con một cách tốt nhất nhé.