7 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường

Vân Anh
02/07/2024 - 11:46
7 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường

Một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường là khát nước quá mức, được y học gọi là chứng khát nhiều.

Bệnh tiểu đường là một tình trạng mãn tính khiến lượng glucose (hoặc đường) trong cơ thể tăng cao. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến bệnh tim, đột quỵ, tổn thương thần kinh và thận, giảm thị lực...

Ngay cả khi bạn bị tăng lượng đường trong máu nhẹ, các cơ quan trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng. Dưới đây là 7 dấu hiệu xuất hiện vào buổi sáng có thể cảnh báo bệnh lý này.

1. Khát nước quá mức

Một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường là khát nước quá mức, được y học gọi là chứng khát nhiều.

Khi bạn mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không thể sử dụng đường từ thực phẩm một cách hiệu quả. Điều này khiến đường tích tụ trong máu của bạn. Lượng đường trong máu cao buộc thận phải hoạt động quá mức để loại bỏ lượng đường dư thừa. Thận cần tạo ra nhiều nước tiểu hơn để giúp thải đường ra khỏi cơ thể. 

Bạn có thể sẽ phải đi tiểu nhiều hơn và lượng nước tiểu nhiều hơn. Nước thậm chí còn được rút ra khỏi mô của bạn để giúp loại bỏ lượng đường dư thừa. Vì mất nhiều nước nên bạn có thể cảm thấy rất khát.

2. Đi tiểu thường xuyên

Như đã đề cập, do thận phải làm việc nhiều để loại bỏ đường ra khỏi máu nên lúc này bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn. Những người bị tiểu đường đi tiểu thường xuyên hơn vào buổi sáng và ban đêm. 

Tuy nhiên, đi tiểu thường xuyên cũng có thể do một số bệnh lý tiềm ẩn khác như thai kỳ, bàng quang hoạt động quá mức, sự lo lắng, nhiễm trùng đường tiết niệu. Do vậy, để đánh giá đi tiểu thường xuyên có phải do bệnh tiểu đường không, chúng ta cần xem xét thêm các triệu chứng khác.

3. Mệt mỏi vào buổi sáng

Bệnh tiểu đường và mệt mỏi có mối quan hệ hai chiều. Có nhiều lý do cho việc bệnh tiểu đường dẫn đến mệt mỏi. Nguyên nhân hàng đầu là sự dao động lượng đường trong máu. Khi lượng đường trong máu quá cao, cơ thể không xử lý được glucose thành năng lượng; do đó, tình trạng mệt mỏi hoặc kiệt sức có thể xảy ra. 

Hơn nữa, những người bị tiểu đường thường đi tiểu nhiều trong đêm. Điều này khiến cơ thể mất nước và gián đoạn giấc ngủ. Những yếu tố này đều khiến cơ thể mệt mỏi và mất năng lượng.

4. Đau đầu

Đau đầu vào buổi sáng có thể cảnh báo bệnh tiểu đường. Điều này xảy ra có thể do mất cân bằng nội tiết tố, lượng đường trong máu và phản ứng của cơ thể với insulin.

Những người mắc bệnh tiểu đường có thể bị đau đầu do:

- Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao).

- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).

- Tăng huyết áp (huyết áp cao).

- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA).

5. Khô miệng

Khô miệng vào buổi sáng là tình trạng thiếu nước bọt trong miệng. Đây có thể là triệu chứng dễ nhìn thấy của bệnh tiểu đường. Người bị tiểu đường thường bị khô miệng là do lượng đường trong máu cao cũng như tình trạng mất nước do thường xuyên đi tiểu.

6. Cơn đói gia tăng

Cảm giác đói tăng lên là phản ứng bình thường của cơ thể đối với các tình huống như nhịn ăn hoặc tập thể dục với cường độ cao. Nhưng cơn đói dữ dội, vô độ như chứng ăn nhiều thường là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe cần được điều trị y tế, chẳng hạn như bệnh tiểu đường. 

Cơn đói gia tăng này, được gọi là chứng ăn nhiều, xảy ra do các tế bào của cơ thể không nhận đủ glucose do kháng insulin hoặc thiếu insulin. Do đó, não báo hiệu cơ thể ăn nhiều hơn để cố gắng cung cấp năng lượng cần thiết.

7. Ngứa ran hoặc tê tứ chi

Cảm giác ngứa ran hoặc tê ở tay, chân vào buổi sáng có thể là dấu hiệu sớm của bệnh thần kinh tiểu đường, một tình trạng do lượng đường trong máu cao kéo dài làm tổn thương dây thần kinh. 

Triệu chứng này có thể dễ nhận thấy hơn khi thức dậy do áp lực kéo dài lên một số dây thần kinh trong khi ngủ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm