pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 điều phụ huynh cần nhớ khi nói chuyện với giáo viên của con
Ảnh minh họa
Khi trẻ đến trường, cha mẹ cần thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để nắm được tình hình học tập, các hoạt động của trẻ. Mối quan hệ giữa cha mẹ với giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng và cần thiết, hướng đến mục đích giáo dục trẻ. Đặc biệt, khi cha mẹ dành thời gian trao đổi với giáo viên, trẻ sẽ cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm từ cả 2 phía.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh gặp trở ngại khi giao tiếp với giáo viên của con, thậm chí có thể dẫn đến cãi vã. Điều này khiến bầu không khí trở nên căng thẳng, không tốt cho trẻ nhỏ. Vậy cha mẹ cần làm gì để việc trao đổi với giáo viên chủ nhiệm trở nên dễ dàng, cởi mở? Hãy tham khảo ngay những lưu ý dưới đây.
Quan tâm đến thái độ, giao tiếp bình đẳng: Một số phụ huynh khi giao tiếp với giáo viên có thái độ độc đoán. Tuy nhiên, giáo viên là người không phải đáp ứng yêu cầu vô lý của ai cả. Vì vậy, khi trao đổi với giáo viên, phụ huynh cần thể hiện thái độ tôn trọng, bình đẳng, thay vì phàn nàn hoặc tỏ ra trịnh thượng.
Chú ý đến thời gian nghỉ ngơi của giáo viên: Giáo viên cũng có thời gian di chuyển, nghỉ ngơi, không thể túc trực 24/24 để giải quyết công việc. Vì vậy, nếu không có chuyện gấp, phụ huynh không nên gọi điện, nhắn tin vào những khung giờ nghỉ ngơi. Điều này làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần của giáo viên trong ngày hôm đó.
Chú ý chỉ ra trọng tâm vấn đề: Ngoài giờ giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm có nhiều việc cần giải quyết. Vì vậy khi trao đổi, phụ huynh chú ý chỉ ra trọng tâm vấn đề, tránh trình bày lan man, dài dòng. Hãy cố gắng giao tiếp hiệu quả để không làm mất nhiều thời gian của giáo viên và giúp vấn đề được giải quyết nhanh chóng.
Chú ý đến không gian giao tiếp: Một số vấn đề không thích hợp để giải quyết công khai. Vì thế, phụ huynh nên tìm không gian riêng tư để trao đổi với giáo viên. Phụ huynh có thể hẹn gặp trực tiếp hoặc trao đổi bằng cách gọi điện, nhắn tin riêng để đảm bảo tế nhị, riêng tư.
Quan tâm đến lời kể của giáo viên: Giáo viên là người theo sát hoạt động của trẻ ở trường nên sẽ nắm được tình hình cụ thể. Vì vậy, khi trao đổi, cha mẹ cần bình tĩnh, kiên nhẫn lắng nghe trước, sau đó mới đặt ra các câu hỏi.
Chú ý cho giáo viên thời gian xử lý vấn đề: Trước một số vấn đề phức tạp cần xác minh, phụ huynh cần cho giáo viên có thời gian tìm hiểu và xử lý vấn đề, thay vì nói: "Thầy/cô cần giải quyết ngay lập tức". Suy cho cùng, giáo viên cũng là người bình thường, không thể giải quyết ngay lập tức những yêu cầu của phụ huynh.
Chú ý hợp tác dưới sự sắp xếp công việc của giáo viên: Cha mẹ cần hợp tác với giáo viên để giải quyết các vấn đề của trẻ. Giáo viên chủ nhiệm là người theo sát việc học của trẻ nên sẽ nắm được tình hình cụ thể, biết rõ những phương pháp giáo dục khoa học. Hơn nữa, giáo viên có chuyên môn sư phạm nên việc sắp xếp công việc sẽ đem lại hiệu quả cao. Vì thế, cha mẹ hãy lắng nghe, hợp tác với giáo viên nhằm giúp con phát triển tốt nhất.
Đây là những nguyên tắc cơ bản trong quá trình phụ huynh giao tiếp với giáo viên. Trong mọi tình huống xảy ra, phụ huynh nên bình tĩnh trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất. Tránh giận quá mất khôn dẫn đến có hành động và cử chỉ thiếu tôn trọng.