7 'không' để trở thành mẹ chồng tâm lý

16/08/2018 - 20:28
Để trở thành mẹ chồng tâm lý, cũng như tạo được không khí thuận hòa trong gia đình, người mẹ chỉ cần áp dụng những điều sau với nàng dâu.
1. Không khắt khe
Không ai hoàn hảo và nàng dâu cũng vậy. Nhất là với những nàng dâu mới về nhà chồng thì việc mắc lỗi trong cách ứng xử, đối nhân xử thế là chuyện không thể tránh khỏi. Khi nàng dâu làm sai điều gì, mẹ chồng nên nhắc nhở và hướng dẫn trực tiếp. Mẹ chồng không nên mắng mỏ, phán xét nàng dâu, càng không nên trách móc nàng dâu một cách gián tiếp qua con trai mình. Chỉ những lời nhắc, bảo ban mang tính xây dựng, tích cực của mẹ chồng mới có thể giúp nàng dâu biết cách sửa đổi tốt hơn.
 
2. Không kể xấu
Một điều mà nhiều mẹ chồng thường mắc phải là kể xấu nàng dâu. Nếu không vừa ý với nàng dâu chuyện gì, mẹ chồng nên góp ý trực tiếp thay vì kể lể với người trong nhà, nhất là người ngoài. Bởi điều này chỉ càng làm tăng thêm những hiểu lầm, mâu thuẫn và căng thẳng. Sự trao đổi thẳng thắn, nhẹ nhàng trực tiếp của mẹ chồng khi không vừa lòng với nàng dâu sẽ khiến nàng dâu thêm tôn trọng, biết lắng nghe và sửa đổi.
 
3. Không xâm phạm, can thiệp quá sâu vào đời sống con cái
Người mẹ nào cũng lo lắng cho con cái nhưng khi con cái đã trưởng thành, lớn khôn, nhất là đã có gia đình riêng thì người mẹ nên tôn trọng quyết định và lựa chọn của con. Thay vì việc gì cũng muốn can thiệp, mẹ chồng nên để nàng dâu cùng con trai mình được tự do, quyết định theo ý riêng. Có thể người mẹ vẫn mang tâm lý muốn có được ảnh hưởng đặc biệt với con. Thế nhưng khi con trai đã kết hôn, người mẹ cần lùi lại một chút, nhường không gian riêng tư cho con trai và con dâu.
Ảnh minh họa

 

4. Không áp đặt
Mẹ chồng có thể muốn dạy bảo nàng dâu nhiều điều trong cuộc sống từ kinh nghiệm của bản thân nhưng không nên ép buộc nàng dâu phải áp dụng và làm theo ý mình. Mẹ chồng nên để nàng dâu tìm đến những lời khuyên, tư vấn của mình khi thực sự cần như một kênh tham khảo thay vì xem đó là sự áp đặt mà họ muốn né tránh.
 
5. Không so sánh
Mẹ chồng không nên chê bai nàng dâu với việc chỉ toàn nhìn vào những nhược điểm. Mẹ chồng càng không nên mang những nhược điểm đó để so sánh với những ưu điểm của các nàng dâu “nhà người ta”. Chỉ khi mẹ chồng nhìn vào những nhược điểm của nàng dâu bằng cái nhìn bớt khắt khe và một tấm lòng bao dung hơn, thì nàng dâu mới có thể sửa đổi và tiến bộ hơn.
 
6. Không quá bao bọc
Giúp đỡ con cái không có nghĩa người mẹ cố gắng làm mọi thứ với tâm lý muốn bao bọc. Người mẹ có thể hỗ trợ chăm nom các cháu, nấu ăn, dọn dẹp cho các con khi chúng bận rộn và rất cần giúp đỡ. Nhưng nếu người mẹ luôn quyết định, chăm chút cho con trai, cho các cháu thay con dâu là điều không cần thiết. Bởi người mẹ không thể quyết định, chăm chút, bao bọc con trai cả đời được mà nên tôn trọng, tin tưởng vào nàng dâu của mình.
 
7. Không cố chấp
Mẹ chồng cần chấp nhận rằng không có hai gia đình giống nhau hoàn toàn. Vì thế việc con dâu và con trai sẽ tạo dựng những thói quen riêng và nuôi dưỡng con cái của chúng theo một cách khác là điều hoàn toàn bình thường. Mẹ chồng cũng nên chấp nhận những lối sống, suy nghĩ mới mẻ ở nàng dâu bằng tinh thần cởi mở thay vì cấm đoán hoặc muốn thay đổi bằng mọi cách. Không khí gia đình có thể hòa thuận, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trở nên tốt hơn chỉ khi cả hai cùng nỗ lực xây dựng bằng tinh thần tích cực, cởi mở.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm