7 thói quen đơn giản này sẽ âm thầm cải thiện tài chính của bạn

BẢO ANH
20/08/2022 - 19:00
Những thói quen tài chính này ai cũng có thể thực hiện, giúp bạn nhanh chóng cải thiện sức khỏe tài chính tổng thể của mình.

Chúng ta đều biết tầm quan trọng của việc thiết lập các thói quen tài chính tốt và thực hành những thói quen này để đạt được các mục tiêu cuộc sống ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, một sai lầm phổ biến của nhiều người khi quyết định cải thiện cuộc sống tài chính của mình là trở nên tham vọng quá mức. Họ cố gắng làm theo quá nhiều thói quen tốt và đấu tranh để duy trì những thói quen tài chính này để rồi nhanh chóng thất bại và bỏ cuộc vì nó quá khác với mình trước đây. 

Giải pháp cho vòng luẩn quẩn này là gì? Tanya Peterson, phó chủ tịch thương hiệu của Freedom Financial Network, cho biết hãy bắt đầu với việc chỉ chọn 1 hoặc 2 thói quen. Dưới đây là 7 thói quen tài chính bạn có thể thiết lập và tuân theo mỗi ngày để dễ dàng cải thiện sức khỏe tài chính tổng thể của mình.

Thanh toán hóa đơn đúng hạn

Bạn có thể đã thực hành thói quen tài chính này một cách thường xuyên, đơn giản mà hiệu quả chính là thanh toán hóa đơn đúng hạn. Peterson cho biết bạn có thể làm điều này bằng cách thiết lập một hệ thống như sử dụng ứng dụng, lịch trực tuyến hoặc đơn giản là ghi chú dán trên bàn làm việc, nơi bạn thấy thường xuyên để thanh toán hóa đơn kịp thời.

Kiểm tra tài khoản hàng ngày

Bạn có bao nhiêu trong tiền trong tài khoản và sổ tiết kiệm? Valerie Moses, giám đốc quan hệ cấp cao tại Addition Financial, chia sẻ rằng hãy tập thói quen kiểm tra tài khoản của bạn mỗi ngày.

Bạn sẽ luôn biết mình có bao nhiêu tiền và có thể tránh bị thấu chi tài khoản. Đây cũng là một cách để bạn nhanh chóng phát hiện nếu có bất kỳ hành vi gian lận nào xảy ra. Giờ đây, bạn có thể theo dõi tình hình tài chính của mình thông qua các ứng dụng ngân hàng trực tuyến dễ dàng hơn bao giờ hết.

Gắn thói quen tài chính với thói quen thường ngày 

Chuyên gia kế hoạch tài chính Alvin Carlos cho biết, việc thực hành gắn một thói quen tài chính với một thói quen hiện có sẽ giúp bạn luôn tập trung vào thói quen tài chính của mình.

Ví dụ: Bạn có thể kiểm tra tài khoản của mình sau khi chạy bộ vào cuối tuần hoặc sau khi uống cà phê vào sáng thứ 7. Chuyên gia cũng khuyên rằng bạn nên thêm một sự kiện định kỳ vào lịch của mình để bản thân xem xét tài chính của mình mỗi tháng một lần.

Tự động tiết kiệm 10% từ mỗi lần nhận lương

Peterson nói rằng hãy tạo thói quen tiết kiệm ngay khi bạn có thể và bắt đầu bằng cách tiết kiệm 10% (nhiều hơn nếu có thể và ít hơn nếu thực sự cần) từ mỗi lần nhận lương.

“Hãy biến điều này thành thói quen bằng cách đặt chế độ tự động. Bạn sẽ không còn phải đưa ra quyết định về việc tiết kiệm mà máy móc sẽ giúp bạn làm điều đó. Nó sẽ hạn chế việc bạn nghĩ xem nên tiêu gì với những đồng tiền mình kiếm được", Peterson nói. 

Tạo và bám sát ngân sách

Nếu bạn chưa có ngân sách, đã đến lúc tạo ra một ngân sách cho mình. Nếu bạn đã có ngân sách phù hợp, hãy tiếp tục sử dụng nó. Moses nói rằng việc tạo ra và tuân thủ ngân sách là một trong những thói quen tài chính tốt nhất mà ai cũng có thể thực hiện.

“Việc có ngân sách sẽ giúp bạn định hướng nguồn tiền của mình đi đến đâu và giúp bạn kiếm được từ những đồng tiền đó”, Moses nói. 

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mỗi ngân sách sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu và mức độ ưu tiên riêng của hộ gia đình bạn. Không có phương pháp lập ngân sách nào là tốt nhất dành cho tất cả mọi người. Moses khuyên bạn nên đánh giá lại ngân sách của mình thường xuyên để xác định những gì hiệu quả và những gì không để nhanh chóng thực hiện những thay đổi cần thiết.

Tiết kiệm từ những điều đơn giản trong cuộc sống 

Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, Peterson khuyên bạn nên tìm những cách nhỏ để tiết kiệm tiền. Đừng bao giờ đánh giá thấp những khoản chi nhỏ nhưng có tính chất thường xuyên. Đó có thể là việc giặt quần áo ở chế độ nước lạnh thay vì nước nóng; sáng tạo bữa ăn bằng cách chỉ sử dụng những gì bạn có trong tủ lạnh thay vì chạy ra siêu thị, chợ mua sắm; tự chuẩn bị đồ uống ở nhà thay vì tốn tiền cho những ly cà phê, trà sữa. 

Peterson nói: “Có thể từng thay đổi nhỏ không giúp bạn tiết kiệm được nhiều nhưng chúng sẽ giúp bạn xây dựng và phát triển thói quen chi tiêu thông minh hơn. Những điều nhỏ sẽ tăng lên từng ngày và bạn sẽ nhanh chóng thấy mình đang ăn uống và sống lành mạnh hơn.”

Đặt mục tiêu tài chính

Thói quen tài chính muốn gắn bó lâu dài cần phải có mục đích. Khi bạn biết mình muốn bắt đầu sử dụng thói quen tài chính nào và bạn có thể thực hiện được, hãy dành thời gian để xác định xem những thói quen này sẽ cho phép bạn đạt được các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn như thế nào. Đó có thể là nghỉ hưu ở tuổi 50, thực hiện chuyến du lịch cùng đại gia đình, có thời gian theo đuổi sở thích hoặc đơn giản là mua một chiếc TV mới.

Moses cũng chia sẻ rằng việc ghi nhớ các mục tiêu tài chính sẽ giúp bạn tránh mua sắm bốc đồng và bám sát ngân sách của mình dễ dàng hơn. Các mục tiêu tài chính không chỉ cải thiện cuộc sống hàng ngày của bạn mà còn giúp bạn đạt được thành công trong tương lai.

“Một khi bạn tập trung vào những gì bạn muốn trong cuộc sống, việc tạo ra thói quen tiết kiệm và chi tiêu sẽ giúp bạn đạt được điều đó dễ dàng hơn nhiều,” Peterson nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm