pnvnonline@phunuvietnam.vn
75 năm Ngày truyền thống của Báo PNVN: Ngôi nhà ấm áp nghĩa tình
Bác Trương Quang Thứ - cộng tác viên lâu năm của báo Phụ nữ Việt Nam
1. Từ khi đang học phổ thông tôi đã rất thích đọc báo Phụ nữ Việt Nam bởi báo có nhiều chuyên mục đề cập đến các vấn đề cuộc sống văn hóa, lịch sử, chính trị, gia đình và xã hội. Vì vậy, tôi thường đến nhà người chị dâu họ là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã để mượn báo về đọc không sót số nào. Từ nhiều bài báo hay, tâm đắc, gần gũi với cuộc sống đời thường đã gợi ý cho tôi thử sức để viết những vấn đề tương tự hoặc mới mẻ hơn xảy ra xung quanh vùng quê mình.
Thế là bắt đầu từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi rời ghế nhà trường về tham gia công tác Đoàn thanh niên ở địa phương tôi đã viết một số bài cho chuyên mục "Nói chuyện phong cách", gương người tốt việc tốt, dành cho trang "Nữ Thanh niên". Bài gửi đi chưa được đăng ngay nhưng tôi đều nhận được thư hồi đáp của Ban Bạn đọc gửi lời cảm ơn và mời tôi tiếp tục cộng tác.
Nhờ sự động viên ấy, tôi đã cố gắng tích cực viết và mở rộng đề tài hơn. Rồi bài của mình được in đều đặn trên cả các trang: Giáo dục, Hôn nhân & Gia đình, Văn hóa Văn nghệ, Ý kiến Bạn đọc. Đặc biệt, tôi thường xuyên nhận được thư của tòa soạn trao đổi về chủ đề, phương hướng tuyên truyền cụ thể của Báo hằng tháng, hằng quý để cộng tác viên chủ động nắm bắt, bám sát những vấn đề cần phản ánh cho phù hợp, kịp thời.
Có nhiều bài được đăng và có thêm nhuận bút, tôi trích một phần kinh phí để đặt báo PNVN và các ấn phẩm đặc san, chuyên đề của Báo để tiện tham khảo, theo dõi và cho các chi đoàn Thanh niên, Phụ nữ, nhiều người cùng mượn đọc. Và dĩ nhiên với tư cách một tác giả, khi mình đã bày tỏ quan điểm tích cực tốt đẹp qua mỗi bài viết dù là thơ văn hoặc báo chí thì phải sống gương mẫu, chuẩn mực hơn cho mọi người soi vào.
Bởi báo chí, văn chương chính là tâm hồn, đạo đức cuộc sống của con người. Mỗi lần nhận tờ báo PNVN còn thơm mùi mực mới có bài in tên của mình trang trọng kèm tên các họa sỹ vẽ tranh minh họa như Hồ Đức, Nguyễn Thị Lành, Tạ Lựu…lòng tôi thật bồi hồi xúc động! Càng thấy mình yêu báo PNVN và viết có trách nhiệm hơn...
2. Tôi là tác giả ở tỉnh lẻ, nông thôn, sức khỏe yếu nên ít có dịp ra Hà Nội. Nhưng có lần năm 1994 tôi cùng vợ con về quê vợ ở Hà Bắc, ghé vào thăm báo PNVN ở ngôi nhà 47 Hàng Chuối. Nghe tin tôi là cộng tác viên ruột lần đầu đến thăm, các anh chị đang làm việc ở các phòng, ban liền kéo đến thăm hỏi tíu tít, quý tôi như người thân đi xa lâu ngày trở về ngôi nhà thân yêu của mình.
Chuyến hội ngộ thân tình đó, tôi được Báo PNVN tặng phong bì 100 ngàn đồng, gọi là "Chút quà nhỏ bồi dưỡng" như lời anh Trần Văn Thành - Phó Tổng biên tập - nói. Trị giá món quà tương đương nhuận bút 5 bài thơ hoặc một tạ gạo đang thời khó khăn lúc bấy giờ. Vợ chồng tôi rất trân quý món quà đó nên không dám chi tiêu vào việc ăn uống sinh hoạt mà về chợ Kế ở thị xã Bắc Giang mua ngay một chiếc nồi gang lớn để dùng làm kỷ niệm.
Đến nay chiếc nồi đó vẫn còn, gia đình tôi gọi tên là "chiếc nồi của Báo PNVN". Năm 1999, khi tôi xuất bản tập thơ đầu tay là "Tình Trăng" thì báo PNVN có một nghĩa cử cao đẹp mà trước đó chưa có tiền lệ là hỗ trợ cho tôi một phần kinh phí để việc in ấn được thuận lợi...
3. Mới đó đã đến dịp kỷ niệm 75 năm thành lập báo PNVN và năm mươi năm tôi cộng tác với hàng trăm bài báo, bài thơ mang những bút danh khác nhau. Giờ đây tuy tuổi cao sức yếu, nhưng tình yêu với báo PNVN và niềm đam mê viết bài cộng tác vẫn luôn ấm nóng, tươi trẻ chưa hề vơi khuyết.
Trong đội ngũ những người làm báo PNVN ngày ấy, giờ có người đã đi xa về miền mây trắng, có người nghỉ hưu, chuyển công tác…nhưng khi lần dở những trang báo cũ, tôi cảm thấy đằng sau bài báo lại hiện lên những tình cảm, gương mặt ngày xưa khiến tôi rưng rưng xúc động! Xin chúc báo PNVN ngày càng đổi mới, lớn mạnh và phát triển!