8 cấm kỵ với bệnh nhân cao huyết áp trong mùa lạnh, cần chú ý kẻo dễ đột quỵ

Châu Anh (Tổng hợp)
13/12/2024 - 11:43
8 cấm kỵ với bệnh nhân cao huyết áp trong mùa lạnh, cần chú ý kẻo dễ đột quỵ
Vào mùa lạnh, bệnh nhân cao huyết áp có nhiều nguy cơ gặp các rủi ro sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim,... đe dọa tới tính mạng nếu không được kiểm soát đúng cách.

Khi nhiệt độ ngày một giảm thấp hơn, cơ thể con người sẽ có phản ứng lại để giữ ấm. Một trong những phản ứng thường gặp chính là sự co lại của các mạch máu và động mạch để ngăn ngừa mất nhiệt và tăng lưu lượng máu về các cơ quan quan trọng cần nhiều năng lượng hơn như tim, não, phổi, tim,... Theo đó, vào mùa lạnh, huyết áp người bình thường tăng trung bình từ 5 - 10mmHg và con số này sẽ dao động lớn hơn với người bệnh bị cao huyết áp, xơ vữa động mạch,...

Tăng huyết áp được chẩn đoán là khi đo huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Tại Việt Nam, tăng huyết áp chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc. Và, theo thống kê thì chỉ có khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc.

8 cấm kỵ với bệnh nhân cao huyết áp

Do rủi ro sức khỏe cao (suy tim, suy thận, đột quỵ, phình động mạch, biến chứng não, rối loạn chuyển hóa, xuất huyết võng mạc,...) mà bệnh nhân cao huyết áp cần chú ý tới những điểm cần tránh để bảo vệ sức khỏe cũng như ngăn ngừa các cơn tăng huyết áp đột ngột gây nguy hiểm khi thời tiết trở lạnh như sau:

1. Chỉ uống thuốc huyết áp mà không theo dõi huyết áp hàng ngày

Huyết áp của chúng ta luôn dao động phụ thuộc vào nhịp tim, vận động thể lực, thời tiết, trạng thái cảm xúc khác nhau,... Do vậy đo huyết áp tại nhà rất quan trọng với người bị cao huyết áp, tương tự như thuốc ổn định huyết áp.

8 cấm kỵ với bệnh nhân cao huyết áp, mùa lạnh càng đặc biệt cần chú ý kẻo dễ đột quỵ- Ảnh 1.

Đo huyết áp tại nhà rất quan trọng với người bị cao huyết áp, tương tự như thuốc ổn định huyết áp (Ảnh: ST)

Bệnh nhân cao huyết áp luôn được bác sĩ nhắc nhở nên tự theo dõi huyết áp hàng ngày tại nhà vào các thời điểm khác nhau và ghi lại để làm cơ sở khi tái khám, hỗ trợ bác sĩ điều chỉnh đơn thuốc nếu cần thiết. Nếu thấy cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân cao huyết áp đo 2 - 3 lần/ngày hoặc đo huyết áp nhiều lần hơn nữa.

Tuy nhiên nếu chỉ chăm chỉ uống thuốc mà không theo dõi sự biến động của huyết áp sẽ gây khó khăn cho việc quản lý bệnh, nhất là với người thường xuyên có chỉ số huyết áp biến động lớn. Tương tự nếu tự ý ngừng thuốc điều trị huyết áp cao hoặc uống thuốc ngắt quãng không theo đúng chỉ định của bác sĩ cũng rất nguy hiểm, khiến người bệnh khó "trở tay kịp" khi xảy ra cơn tăng huyết áp khẩn cấp.

8 cấm kỵ với bệnh nhân cao huyết áp, mùa lạnh càng đặc biệt cần chú ý kẻo dễ đột quỵ- Ảnh 2.

Ảnh: Kim Phụng

2. Tập thể dục quá sớm

Đêm muộn và sáng sớm là thời điểm nhiệt độ bên ngoài xuống thấp nhất, nếu người bị cao huyết áp tập thể dục vào thời điểm này dễ khiến mạch máu co lại đột ngột khiến huyết áp tăng vọt, tăng áp lực lên tim và mạch máu rất nguy hiểm. Ngoài ra, việc hít thở không khí lạnh có thể gây kích thích cho hệ hô hấp, gây co thắt đường hô hấp, và ảnh hưởng xấu đến tim.

Nếu muốn tập thể dục, tốt nhất người bệnh nên lựa chọn thời gian tập từ 9 - 10 giờ sáng hoặc tập thể dục trong nhà. Khi tập thể dục ngoài trời nên mặc quần áo giữ ấm các vùng quan trọng trên cơ thể như giữ ấm phần đầu, cổ, bàn chân, tay và nên mang khẩu trang để che mũi miệng, tránh tiếp xúc với gió lạnh. Trước khi tập thể dục cũng cần khởi động kỹ để làm ấm người, tránh bị chấn thương.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi ngủ dậy, người bệnh cao huyết áp không nên mở cửa sổ, cửa chính ngay. Bởi cơ thể dễ tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh, kém đáp ứng dẫn tới khí huyết lưu thông kém làm huyết áp tăng cao và nguy cơ đột quỵ hay nhồi máu cơ tim buổi sáng sớm.

3. Không tập thể dục

Nhiều bệnh nhân cao huyết áp lựa chọn không tập thể dục khi thời tiết chuyển lạnh để an toàn. Tuy nhiên, vận động thể chất lại là một yếu tố góp phần duy trì huyết áp ổn định, tăng cường chức năng tim phổi và tăng tính bền của thành mạch máu cũng như hỗ trợ giảm các rủi ro có thể gây tăng huyết áp như béo phì, căng thẳng, ngủ kém,...

Không tập thể dục lâu dài khiến cơ thể tích tụ nhiều chất béo dư thừa, làm tăng gánh nặng cho sức đề kháng của tim và mạch máu khiến bệnh huyết áp khó kiểm soát hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cứ giảm được 1 kg cân nặng thì huyết áp sẽ giảm đi 1 mmHg.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo mọi người nên thực hiện 150 phút tập cường độ vừa phải hàng tuần hoặc 75 phút tập cường độ cao mỗi tuần. Tuy nhiên, những con số này có thể thay đổi tùy theo thể trạng từng người. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có lời khuyên phù hợp.

8 cấm kỵ với bệnh nhân cao huyết áp, mùa lạnh càng đặc biệt cần chú ý kẻo dễ đột quỵ- Ảnh 3.

Không tập thể dục lâu dài khiến cơ thể tích tụ nhiều chất béo dư thừa (Ảnh: ST)

4. Chế độ ăn có nhiều muối và chất béo kém lành mạnh

Vào mùa đông, cơ thể chúng ta cần nhiều năng lượng hơn để có thể giữ ấm và duy trì các chức năng bình thường. Chính vì vậy nhiều người có xu hướng lấy năng lượng từ các thực phẩm giàu chất béo kém lành mạnh như đồ chiên rán hay nhiều muối hơn để ngon miệng hơn.

Nhưng ăn nhiều muối và chất béo kém lành mạnh luôn được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo là làm tăng rủi ro sức khỏe với bệnh nhân cao huyết áp bao gồm béo phì, tăng cholesterol xấu (LDL) dẫn tới xơ vữa động mạch, lưu thông máu kém và tăng nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, quá nhiều muối khiến thận phải làm việc nhiều hơn để lọc lượng muối và chất béo dư thừa, có thể gây tổn thương thận theo thời gian và ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể, bao gồm khả năng cân bằng chất lỏng trong cơ thể.

Nếu bị cao huyết áp, hãy thử thay thế muối bằng các nguyên liệu tự nhiên như tiêu, tỏi, nước cốt chanh hoặc vỏ chanh, thì là, bột hành tây (hoặc hành tây khô), men dinh dưỡng, giấm balsamic, dầu truffle, hương thảo, gừng, quế, cây xô thơm (tươi và khô), cây ngải thơm, rau kinh giới khô, ớt cayenne, húng quế, nghệ, giấm táo, rau mùi, mùi tây,... để tăng hương vị cho món ăn thay vì vị mặn của muối natri.

Chất béo kém lành mạnh như chất béo trans, chất béo bão hòa nên được thay thế bằng các chất béo không bão hòa từ dầu ô liu để tốt hơn cho sức khỏe. Đồng thời hạn chế các thực phẩm chiên rán ở nhiệt độ cao.

8 cấm kỵ với bệnh nhân cao huyết áp, mùa lạnh càng đặc biệt cần chú ý kẻo dễ đột quỵ- Ảnh 4.

Nếu bị cao huyết áp, hãy thử thay thế muối bằng các nguyên liệu tự nhiên (Ảnh: ST)

5. Tắm nước lạnh đêm muộn

Không chỉ với không khí lạnh, mạch máu có thể bị co lại đột ngột dẫn tới tăng huyết áp, thậm chí đột quỵ nếu tắm nước lạnh vào đêm muộn, đặc biệt là trong trường hợp huyết áp đã cao sẵn. Bên cạnh đó, nước lạnh có thể khiến nhịp tim tăng lên để cố gắng điều chỉnh thân nhiệt, giữ ấm cơ thể làm tăng gánh nặng cho tim.

Tốt nhất, vào mùa lạnh, người bệnh cao huyết áp nên tắm sớm với nước vừa đủ ấm để không gây ra sự chênh lệch nhiệt độ nghiêm trọng; nước tắm quá nóng không chỉ gây bỏng mà cũng khiến huyết áp tăng. Phòng tắm nên kín gió, nếu sử dụng thiết bị sưởi trong phòng tắm thì cần đảm bảo an toàn, tránh bị tránh nổ.

6. Thức khuya, thiếu ngủ

Quá lạnh có thể khiến người bệnh cao huyết áp khó khăn hơn trong việc ngủ đủ giấc, đặc biệt là vào ban đêm. Giấc ngủ chất lượng rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và đặc biệt quan trọng đối với hệ tim mạch và hệ tuần hoàn. Nguyên nhân được giải thích là do huyết áp giảm xuống khi bạn ngủ. Ngược lại, ngủ ít hơn 6 giờ, nhất là thiếu ngủ kéo dài dễ gây căng thẳng, từ đó thúc đẩy cơn tăng huyết áp và kiểm soát bệnh kém hơn.

Một nghiên cứu do Trường Y tế Công cộng Harvard thực hiện cho thấy chỉ cần bệnh nhân cao huyết áp đi ngủ sớm hơn bình thường một giờ thì huyết áp của họ sẽ giảm 10mmHg vào ngày hôm sau, đây là một tác dụng kiểm soát rất đáng kể. Vì vậy, nếu bạn bị huyết áp cao, cách tốt nhất là: đi ngủ sớm.

8 cấm kỵ với bệnh nhân cao huyết áp, mùa lạnh càng đặc biệt cần chú ý kẻo dễ đột quỵ- Ảnh 5.

Một số loại trà giúp dễ ngủ hơn, người bệnh cao huyết áp nên tham khảo bác sĩ trước khi uống. Ảnh: Kim Phụng 

Để có giấc ngủ chất lượng vào mùa đông, hãy cố gắng giữ phòng ngủ đủ ấm, đủ tối, thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày,... để ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Trong trường hợp các biện pháp vệ sinh giấc ngủ vẫn không cải thiện được chất lượng giấc ngủ của người bệnh, tốt nhất nên kiểm tra với bác sĩ để được hỗ trợ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc ngủ về uống.

7. Uống rượu

Một nồi lẩu nóng nghi ngút khói với một chén rượu ấm tưởng như là "đôi bạn rất hợp cạ" nhưng với người khỏe mạnh, thỉnh thoảng uống một chút rượu sẽ không gây hại sức khỏe còn người bệnh cao huyết áp lại khác.

Uống rượu thường xuyên có thể gây tăng huyết áp tạm thời và uống rượu lâu dài dẫn tới tăng huyết áp mãn tính đồng thời có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc điều trị huyết áp, thậm chí tăng nguy cơ gây ra các phản ứng phụ không mong muốn. Ngoài ra, rượu có thể làm tăng nguy cơ rung nhĩ và các vấn đề nhịp tim khác, làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch.

8. Bỏ qua các triệu chứng

Một cấm kỵ quan trọng khi mắc bệnh cao huyết áp chính là không được bỏ qua các triệu chứng dù nhỏ. Cơn tăng huyết áp được chia thành hai loại chính là tăng huyết áp khẩn trương (Hypertensive Urgency) và tăng huyết áp cấp cứu/khẩn cấp (Hypertensive Emergency).

8 cấm kỵ với bệnh nhân cao huyết áp, mùa lạnh càng đặc biệt cần chú ý kẻo dễ đột quỵ- Ảnh 6.

Không được bỏ qua các triệu chứng dù nhỏ khi bị cao huyết áp (Ảnh: ST)

- Cơn tăng huyết áp khẩn trương (Hypertensive Urgency): Trong trường hợp này, huyết áp tăng cao trên 180/120 mm Hg nhưng không gây ra tổn thương cấp tính cho các cơ quan quan trọng như tim, não, thận, và mạch máu lớn. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng cụ thể, nhưng một số người có thể bị đau đầu, choáng váng, đánh trống ngực hoặc bồn chồn. Người bệnh thường được điều trị tại nhà với sự điều chỉnh của thuốc hạ huyết áp.

- Cơn tăng huyết áp khẩn cấp (Hypertensive Emergency): Đây là tình trạng cấp cứu y tế khi huyết áp cao gây ra tổn thương cơ quan đích cấp tính. Biến chứng có thể bao gồm suy tim cấp tính, đột quỵ, suy thận cấp, tổn thương võng mạc và hội chứng aortic dissection (phình tách động mạch chủ ủ) thậm chí là đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân có thể trải qua triệu chứng như đau ngực dữ dội, khó thở, thở hụt hơi, buồn nôn và nôn mửa, co giật, mê man, đau đầu, mất thị lực hoặc các dấu hiệu của suy tạng. Điều trị khẩn cấp thường yêu cầu nhập viện và sử dụng thuốc hạ huyết áp qua đường tĩnh mạch.

Như vậy có thể thấy, cơn tăng huyết áp có thể có triệu chứng hoặc không. Khi tự kiểm tra huyết áp của mình có thể thấy chỉ số đo 180 mm Hg/120 mm Hg hoặc cao hơn. Nếu không có triệu chứng nào khác xuất hiện, Hội Tim Mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị chờ 5 phút và đo lại. Nếu chỉ số vẫn cao, thì bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được hướng dẫn.

Nhìn chung, bệnh nhân cao huyết áp phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe hơn trong mùa lạnh. Tuy nhiên nếu xây dựng được lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, điều trị thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và thăm khám khi có các biểu hiện bất thường sẽ giúp người bệnh cao huyết áp ngăn chặn được rất nhiều rủi ro có thể đe dọa tới tính mạng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm