pnvnonline@phunuvietnam.vn
8 điều để tỉnh táo hơn trong thời tiết mùa thu
Việc phụ thuộc vào caffein để tỉnh táo không còn là điều mới mẻ ở dân văn phòng vào mỗi buổi sáng hay đầu giờ chiều. Tuy nhiên tiêu thụ quá nhiều đồ uống chứa caffein có thể khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, chưa kể đến tình trạng nghiện caffein khiến bạn cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn nếu không uống.
Ngoài việc xem xét lại chế độ sinh hoạt bao gồm thời gian ngủ - thức, mức độ vận động thì những biện pháp dưới đây có thể giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn mà không cần tới caffein. Nếu tình trạng mệt mỏi và khó tập trung kéo dài kèm theo buồn ngủ mãn tính thì bạn nên thăm khám bác sĩ sớm để có thể nhận được điều trị phù hợp.
1. Một cốc nước
Trước khi uống một cốc cà phê với đầy caffein thì bạn có thể thỏa mãn cơn "khát" đó bằng một cốc nước. Bạn nên uống nước cả ngày, đặc biệt là bạn nên uống khi vừa thức dậy do cơ thể mất nước trong khi bạn ngủ. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn.
2. Tập thể dục
Có thể bạn đang nghĩ rằng làm sao mình có thể tập thể dục trong khi gần như không thể rời xa giường, gối hay bàn làm việc? Nhưng điều mà các nhà khoa học muốn nhấn mạnh ở đây đó không phải là cường độ hoạt động phải mạnh mẽ mà bạn có thể vận động nhẹ nhàng, mục đích là để máu lưu thông tới toàn bộ cơ thể - đánh thức cơ bắp của bạn - để tỉnh táo hơn, kể cả đó chỉ là 5 phút vận động.
Đi dạo, chạy ngắn, squat,.. đều có thể giúp bạn chống lại sự mệt mỏi vào buổi sáng hay buổi chiều. Nếu bạn muốn cải thiện năng lượng của mình trong thời gian dài thì bạn nên vận động ít nhất 150 phút mỗi tuần.
3. Bổ sung chất dinh dưỡng
Thay vì tiêu thụ caffein và đường tinh luyện - những thứ chỉ mang lại cho bạn nguồn năng lượng ngắn ngủi thì một cách tiếp cận lành mạnh hơn là nguồn đường tự nhiên từ trái cây tươi. Điều này có nghĩa là bạn có thể bỏ qua những ly cafe sữa ngọt ngào đó bằng một quả táo, vài quả việt quất hay chuối để lấy lại năng lượng nhanh chóng và "lâu dài" hơn. Và mặc dù tất cả thực phẩm đều cung cấp năng lượng nhưng càng giàu chất dinh dưỡng thì càng tốt.
Đừng quên bữa sáng là bữa ăn quan trọng khi bắt đầu ngày mới, bổ sung một số thực phẩm giàu protein và chất xơ sẽ giúp bạn tăng thêm năng lượng để tỉnh táo và giảm mệt mỏi.
4. Cải thiện thói quen ngủ
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi vào mọi buổi sáng hay buổi chiều thì rất có thể có điều gì đó không ổn về cách mà bạn ngủ. Bạn có thể bị mất ngủ nếu bạn cần hơn 30 phút vài đêm hoặc mỗi tuần (đặc biệt nếu điều này kéo dài trên 3 tháng). Ngoài việc liên hệ với bác sĩ để có tư vấn giúp điều chỉnh giấc ngủ thì bạn cần:
- Tránh uống rượu và ăn các món "nặng" trong 2 giờ trước khi đi ngủ
- Nên ngủ trong phòng tối, mát mẻ
- Tránh sử dụng màn hình điện tử một giờ trước khi đi ngủ
- Tạo thói quên ngủ - thức đúng giờ trong mọi ngày
- Ngủ trong 7 - 9 giờ mỗi đêm.
5. Ngủ trưa
Nếu có thể bạn nên chợp mắt từ 10 - 15 phút mỗi trưa để khởi động lại nguồn năng lượng mới cho buổi chiều. Tuy nhiên hãy chắc chắn rằng bạn không ngủ dài hơn 30 phút và ngủ sau 3 giờ chiều bởi bạn có thể làm ảnh hưởng tới nhịp sinh học ngủ - thức của cơ thể thậm chí là tăng cảm giác uể oải, mệt mỏi khi thức dậy.
6. Xem lại cài đặt báo thức
Nếu bạn luôn cảm thấy "giật mình và bừng tỉnh" sau báo thức thì có thể xem xét tới đặt lại chuông báo thức nhẹ nhàng và đánh thức bạn một cách dần dần. Ngoài ra việc đặt báo thức liên tục chỉ cách nhau một thời gian ngắn 5 phút, 10 phút với tiếng chuông to cũng không phải là một lựa chọn ưu tiên để bạn rời giường mỗi buổi sáng.
7. Đừng quên quản lý căng thẳng
Ngay cả những căng thẳng ở mức độ nhẹ trong nhiều ngày liên tục cũng có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi. Vì thế bạn hãy thử quản lý mức độ căng thẳng của mình bằng cách tập yoga, thể dục, massage hay các thói quen tự chăm sóc sức khỏe khác để giải tỏa những áp lực mà bạn gặp phải trong cuộc sống hay các mối quan hệ.
Những hoạt động giúp cải thiện tâm trạng của bạn đặc biệt quan trọng vì trầm cảm đôi khi dễ bị nhầm lẫn với mệt mỏi hay thiếu tỉnh táo. Khi bạn không tự chăm sóc bản thân tốt thì sự mệt mỏi và căng thẳng mãn tính về lâu dài sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
8. Tắm nắng
Cơ thể bạn có một đồng hồ sinh học 24 giờ hay còn gọi là nhịp sinh học có tác dụng kiểm soát chu kì thức - ngủ của bạn, bao gồm cả thời điểm mà não bạn giải phóng một số hormone nhất định và cách các cơ quan trong cơ thể hoạt động vào những thời điểm khác nhau.
Bằng cách hít thở không khí trong lành và đi dạo dưới ánh nắng mặt trời hoặc đơn giản chỉ là ngồi dưới trời nắng một vài phút mỗi ngày có thể giúp bạn cải thiện nhịp sinh học của mình, từ đó giúp bạn ngủ ngon hơn, dễ ngủ hơn và giảm mệt mỏi cũng như tỉnh táo hơn vào ban ngày.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với ánh sáng ban ngày và ánh nắng mặt trời có thể cải thiện sự tỉnh táo, hiệu suất làm việc và giấc ngủ. Nếu không có thời gian, bạn có thể ngồi dưới nắng chỉ 15 phút hai hoặc ba lần một tuần là đủ để tăng cường vitamin D để cải thiện năng lượng.
9. Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể nếu bạn cai caffein?
Đầu tiên, bạn không cần phải cắt caffein ngay lập tức mà bạn nên giảm lượng tiêu thụ xuống từ từ (khoảng một nửa). Những triệu chứng bạn có thể gặp phải trong thời gian đầu khi cai caffein có thể gặp bao gồm đau đầu, khó chịu, bồn chồn, kém tập trung,...
Nhưng đừng lo lắng, những dấu hiệu này sẽ biến mất trong vòng vài ngày sau khi ngừng dùng caffein. Đảm bảo rằng bạn uống đủ nước và uống thuốc giảm đau không kê đơn nếu bạn bị đau nhức đầu.
Một khi bạn thực hiện các hoạt động lành mạnh hơn để thay thế, những vấn đề do nghiện caffein gây ra cũng sẽ được khắc phục và bạn sẽ thực sự cảm nhận được cách mà cơ thể hoạt động khi không có caffein cũng như thấy được cảm giác khỏe mạnh là như thế nào mỗi ngày.