8 kiến nghị với ngành giáo dục để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học

07/08/2019 - 09:01
Nhiều sinh viên thú nhận thường xuyên sử dụng sản phẩm từ nhựa vì nó tiện lợi chứ không nghĩ tác hại đến môi trường. Anh Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), cho biết, thay đổi thói quen, hành vi giới trẻ trong việc sử dụng sản phẩm từ nhựa là rất quan trọng.

Trước thực trạng rác thải nhựa tràn lan ở các trường học, anh Vũ Minh Lý cho biết, vấn đề rác thải nhựa tại các trường học hiện nay cần phải quan tâm đúng mức, khi bản thân các em mới chính là những người có góc nhìn mới, dễ dàng thay đổi thói quen, hành vi của mình trong việc tiêu thụ, sử dụng những sản phẩm từ nhựa.

 

rac-thai-nhua.jpg
Sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần là thói quen của nhiều người trẻ

 

“Chúng ta dễ dàng bắt gặp những học sinh, sinh viên mua đồ ăn sáng được đựng bằng hộp nhựa xốp dùng 1 lần, gói bằng túi nylon; hay mua đồ uống, trà sữa bằng chai nhựa, cốc nhựa dùng 1 lần, kèm theo là ống hút làm từ nhựa. Hay nhìn rộng hơn là những sản phẩm nhựa, đồ nhựa 1 lần, túi nylon… bán khá nhiều tại căng tin của trường. Thậm chí, rất nhiều trường học vẫn đang sử dụng chai đựng nước từ nhựa trong các buổi họp. Chỉ tính trung bình mỗi ngày, học sinh, sinh viên tại các trường học chỉ sử dụng 1 sản phẩm nhựa dùng 1 lần (bao gồm túi nylon khó phân huỷ; nhựa dùng 1 lần; chai nhựa PET; ống hút; cốc nhựa…) thì lượng rác thải nhựa trong 1 ngày trên cả nước tại các trường học lớn tới mức độ như thế nào?”, anh Vũ Minh Lý trăn trở.

 

rac-thai-nhua-3.jpg
Phải mất tới hàng chục, hàng trăm năm, thậm chí tới hàng nghìn năm, rác thải nhựa mới tự phân hủy

 

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, phải mất tới hàng chục, hàng trăm năm, thậm chí tới hàng nghìn năm, rác thải nhựa mới tự phân huỷ. Nói cách khác, phải trải qua nhiều thế hệ thì 1 mảnh nhựa mới có thể tan biến trong tự nhiên. Chính vì vậy, việc hạn chế rác thải nhựa là vô cùng cần thiết.

 

Giáo viên, cán bộ nhà trường cần nêu gương

Để hạn chế, giảm thiểu tiêu thụ, sử dụng những sản phẩm như túi nylon; đồ nhựa 1 lần tại các trường học, theo anh Vũ Minh Lý, đầu tiên phải thống nhất chủ trương, mục tiêu, kế hoạch triển khai từ Trung ương tới địa phương và tới toàn bộ các trường học.

 

anh-vu-minh-ly.jpg
Anh Vũ Minh Lý tại hội chợ trao đổi và mua bán các sản phẩm tái chế từ nhựa bỏ đi do học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tổ chức

 

Anh Vũ Minh Lý cho biết, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức tới người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong công tác giảm thiểu, hạn chế, thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Kiến nghị với ngành giáo dục về việc giảm thiểu, hạn chế rác thải nhựa trong trường học, anh Vũ Minh Lý đưa ra một số biện pháp:

 

tai-che-4.png
Học sinh, sinh viên cần được nâng cao nhận thức về giảm thiểu, hạn chế rác thải nhựa

 

- Cần phải có sự thống nhất từ các chủ trương; quan tâm và quyết tâm của ban lãnh đạo nhà trường trong việc giảm thiểu, hạn chế và tiến dần tới nói không với việc túi nylon; hộp nhựa xốp dùng 1 lần; ống hút… tại nhà trường.

- Tích cực tuyên truyền, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình học; các tiết học ngoại khoá; không thả bóng bay trong những ngày lễ, kỷ niệm, khải giảng; rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.

 

anh-vu-minh-ly-2.jpg
Anh Vũ Minh Lý và bé Nguyệt Linh - tác giả bức thư kêu gọi không bóng bay trong ngày khai giảng

 

- Các giáo viên và cán bộ nhà trường cần gương mẫu ngay tại các buổi họp, tại các giờ giảng dạy và đời sống thường ngày trong việc giảm thiểu, hạn chế sử dụng túi nylon, đồ nhựa dùng 1 lần.

- Khuyến khích học sinh, sinh viên trong việc bảo vệ môi trường, lan tỏa thông điệp này đến những mối quan hệ xung quanh mình.

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá, cuộc thi tiểu phẩm, văn nghệ, sáng chế từ đồ tái chế, đổi rác lấy quà; dọn rác tại địa phương; tham quan các khu xử lý chất thải; công trình bảo vệ môi trường; địa điểm danh lam thắng cảnh cho học sinh, sinh viên.

 

rac-thai-nhua-2.jpg
Hướng dẫn học sinh việc việc phân loại, thu gom, tái sử dụng và tái chế những chất thải ngay trong nhà trường.

 

- Thực hiện việc phân loại, thu gom, tái sử dụng và tái chế những chất thải ngay trong nhà trường.

- Nhà trường không cấm mà vận động mọi người hưởng ứng "3 Không" - Không ly nhựa, không hộp xốp, không túi nylon.

- Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở đồng thời có động viên, tuyên dương các em học sinh, sinh viên có thành tích tích cực, nổi bật trong việc thực hiện các nội dung, kế hoạch về việc giảm thiểu, hạn chế sử dụng đồ nhựa 1 lần.

"Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới  sẽ phối hợp với các trường học tổ chức những chương trình giáo dục ngoại khóa về bảo vệ môi trường cho các em học sinh, cho học sinh cơ hội trải nghiệm thực tế về với thiên nhiên, tham gia chống rác thải, bảo vệ môi trường; chung tay xây dựng mô hình trường học xanh", anh Lý chia sẻ.

Thời gian vừa qua, nhằm tăng cường hợp tác giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Giáo dục & Đào tạo; đồng thời hưởng ứng Phong trào toàn quốc Chống rác thải nhựa, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã ký kết Chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giữa 2 Bộ trong giai đoạn 2019-2025.

Trong đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ tích cực tham gia, góp ý xây dựng và biên soạn các tài liệu, hỗ trợ đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên trong việc giảm thiểu, hạn chế, thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Tiến hành rà soát, đánh giá, xây dựng các mô hình dựa trên những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp của học sinh, sinh viên và các thầy cô về giảm thiểu, hạn chế sử dụng túi nylon, đồ nhựa dùng 1 lần tại nhà trường.

Thường xuyên tổ chức đa dạng hoá các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, các khoá tập huấn, phối hợp trong công tác giảng dạy, hoạt động ngoại khoá tại các nhà trường.

Khen thưởng và tôn vinh những học sinh, sinh viên tiêu biểu, những người có những đóng góp tích cực, nổi bật trong ngành giáo dục về công tác giảm thiểu, hạn chế túi nylon, đồ nhựa dùng 1 lần, chất thải nhựa trong nhà trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm