80% số ca tử vong ở Việt Nam là do bệnh không lây nhiễm

19/04/2019 - 19:42
“Ước tính có đến 80% số ca tử vong ở Việt Nam là do bệnh không lây nhiễm”, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tại hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về Ghi nhãn dinh dưỡng tổ chức ngày 19/4 tại Hà Nội.

Cũng theo ông Bắc, hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp. Gần 60% số này chưa được phát hiện bệnh và trên 80% chưa được quản lý điều trị. Hơn 3 triệu người bị tiểu đường thì gần 70% chưa phát hiện bệnh. Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Đây đều là những bệnh không lây nhiễm nguy hiểm.

Bệnh không lây nhiễm có nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan đến chế độ ăn uống như thừa cân, béo phì... Nghiên cứu cho thấy, ăn ít rau và trái cây có liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ.

 

Hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp

 

Chế độ ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác... Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay, lượng muối một người dân sử dụng trung bình là 9,4g, cao gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (gần 5g/người/ngày).

Ông Trương Đình Bắc cho rằng, lạm dụng thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, các thực phẩm công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh không lây nhiễm gia tăng. Thực tế, tại Việt Nam hiện mới chỉ có quy định về hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa từ năm 2017, chứ chưa bắt buộc các thức ăn công nghiệp phải ghi nhãn dinh dưỡng.

TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, việc nhiều sản phẩm không ghi nhãn dinh dưỡng khiến người tiêu dùng mất quyền biết mình đang sử dụng thực phẩm chứa những chất gì, hạm lượng các chất trong sản phẩm đó là bao nhiêu. Điều này dễ dẫn đến sử dụng thừa hoặc thiếu những chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt là nếu sử dụng thừa nhiều muối, đường… trong thời gian dài, dễ gây nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm.

 

Các đại biểu ký biên bản ghi nhớ trong hợp tác truyền thông nâng cao kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho người dân cũng như hỗ trợ xây dựng các tiêu chí dinh dưỡng cho một số thực phẩm

 

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần có quy định bắt buộc về ghi nhãn dinh dưỡng để minh bạch về thành phần dinh dưỡng trong đồ ăn công nghiệp, giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm, nhằm xác định các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe khi sử dụng.

“Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giúp người dân biết cách lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng có lợi hơn cho sức khỏe, khuyến khích nhà sản xuất chủ động công bố ghi nhãn dinh dưỡng cho người tiêu dùng dễ nhận biết tổng năng lượng, đạm, béo, tinh bột và muối, đường…”, ông Trương Đình Bắc cho biết.

Tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về Ghi nhãn dinh dưỡng, Cục Y tế Dự phòng và Nestlé Việt Nam đã ký biên bản ghi trong việc hợp tác truyền thông nâng cao kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho người dân cũng như hỗ trợ xây dựng các tiêu chí dinh dưỡng cho một số thực phẩm và đồ uống phổ biến dựa trên nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị dành cho người Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm