9 dấu hiệu cảnh báo bố mẹ nhận biết con bị rối loạn sức khỏe tâm thần

Bài và ảnh: An Khê
06/12/2024 - 22:00
9 dấu hiệu cảnh báo bố mẹ nhận biết con bị rối loạn sức khỏe tâm thần

1 học sinh cùng bố đến thăm khám sức khỏe tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội đều đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt trong trẻ em và thanh thiếu niên. Nhưng phần lớn cha mẹ lại chưa đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Trong khi các dịch vụ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội còn giới hạn và thường tập trung vào những rối loạn tâm thần nặng. Vì vậy, vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc phòng và điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần ở đối tượng này.

Bố mẹ ly hôn, cãi vã có thể khiến trẻ trầm cảm

Sự khác biệt về ngoại hình, bị bạn bè và cộng đồng cô lập, cha mẹ ly hôn hoặc mâu thuẫn, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, áp lực học tập... là những lý do khiến cho trẻ em và thanh thiếu niên gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, ở một số trẻ em, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng do dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội và game trực tuyến.

9 dấu hiệu cảnh báo bố mẹ nhận biết con rối loạn sức khoẻ tâm thần- Ảnh 1.

TS.BS Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng điều trị nghiện chất (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia)

Như trường hợp học sinh N năm nay đang học cấp 2 tại Hà Nội. Từ lúc 3 tuổi, bố mẹ của N. đã ly hôn. N. ở với bố nhưng một thời gian sau, người bố đi bước nữa. Sống chung với mẹ kế, những vướng mắc trong cuộc sống khiến N. bị trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ rồi tự gây thương tích cho chính mình. Mỗi lần làm đau bản thân, N. lại cảm thấy thoải mái, đỡ căng thẳng hơn.

TS.BS. Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng điều trị nghiện chất (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia) - cho biết, hành vi làm đau bản thân xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng nhiều nhất là tầm 15-16 tuổi. Ở lứa tuổi lớn hơn một chút, các em có thể có những hành vi nguy hiểm hơn như tự sát.

Gia đình hỗ trợ điều trị rối loạn sức khoẻ tâm thần hiệu quả

Theo TS.BS.Vũ Thy Cầm - Trưởng Phòng Tâm lý lâm sàng (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia) - để điều trị tốt cho người bệnh có vấn đề về sức khỏe tâm thần thì cần phải có mối quan hệ điều trị giữa người bệnh - gia đình - bác sĩ. Nếu các mối quan hệ này tốt, người bệnh sẽ có tiến triển tốt. Đặc biệt, trong gia đình nên để người bệnh có chế độ nghỉ ngơi sinh hoạt hợp lý. Chế độ ăn tránh chất kích thích, đặc biệt cần luyện tập cơ thể để có sức chịu đứng tốt, kiểm soát được bản thân. Cần giúp người bệnh hạn chế thiết bị điện tử, internet, tăng cường tập luyện thể dục thể thao. Tránh cho người bệnh chán nản, buồn bã, mất ngủ, thức khuya. Đối với trẻ vị thành niên thì hạn chế cho dùng thiết bị điện tử và internet.

9 dấu hiệu cảnh báo bố mẹ nhận biết con rối loạn sức khoẻ tâm thần- Ảnh 2.

TS.BS.Vũ Thy Cầm - Trưởng Phòng Tâm lý lâm sàng (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia)

Bên cạnh các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác, theo tìm hiểu tại một số trung tâm tư vấn sức khỏe tâm thần và tâm lý cho thấy, lượng tham gia tư vấn liên quan đến học hành, thi cử khá nhiều. Đa số là những trẻ bị áp lực tâm lý học tập, rơi vào trạng thái lo lắng, khủng hoảng hoặc buông xuôi. Ngoài việc phụ huynh gây áp lực cho con, có nhiều trường hợp, học sinh tự gây áp lực cho chính mình và có dấu hiệu lo lắng, "cuồng học" trong suốt thời gian dài.

Lời khuyên chung cho phụ huynh là không nên đặt các kỳ vọng cho con, giúp con có thời gian thư giãn, tạo không khí vui vẻ và tạo điều kiện cho con đi chơi cùng gia đình, bạn bè. Trong trường hợp con bị "cuồng học", bố mẹ nên ngồi lại với con và cùng con xác định lại mục tiêu. Cần làm cho con hiểu thành quả tốt nhất của cuộc sống không phải là các trường "top" mà chính là sức khỏe, tinh thần. Ngay bản thân phụ huynh cũng phải cần một chuyên gia tâm lý để biết phương hướng giải quyết các vấn đề cùng con.

9 bất thường ở con bố mẹ không nên bỏ qua

Mỗi chứng rối loạn tâm thần sẽ có biểu hiện đặc trưng không giống nhau. Tuy vậy, 9 triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân rối loạn tâm thần có thể kể đến như: Chán ăn hoặc đột nhiên ăn nhiều bất thường; Suy giảm trí nhớ, khó tập trung; Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều; Cảm thấy bản thân khó hòa nhập với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và dần rút lui khỏi các hoạt động tập thể; Không còn quan tâm đến các hoạt động, dù là hoạt động yêu thích trước đó; Buồn bã, lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng liên tục kéo dài trên 2 tuần; Cảm xúc thay đổi thất thường, dễ xúc động, bộc phát cảm xúc; Có ý định làm tổn hại đến chính mình; Cảm thấy khó thực hiện các hoạt động hoặc công việc hàng ngày, kết quả học tập, hiệu quả làm việc giảm sút không rõ lý do… Bố mẹ cần hết sức quan tâm đến các con, không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu lạ nào để nhanh chóng can thiệp, hỗ trợ con trước khi bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Điều tra Sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2023 cho biết, 21,7% trẻ vị thành niên (10-17 tuổi) có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong đó, rối loạn lo âu là nhiều nhất, chiếm 18,6%, sau đó đến trầm cảm... Nhưng chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con của mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm