pnvnonline@phunuvietnam.vn
9 điều cha mẹ không nên làm với con
Trong nhiều gia đình hiện nay thường xảy ra tình trạng cha mẹ giúp đỡ con cái quá nhiều. Người lớn không thể sống thay cuộc đời của trẻ và nhiệm vụ của cha mẹ chính là giúp con mình phát triển cũng như tích lũy kinh nghiệm cho chính bản thân chúng. Dưới đây là một số điều mà cha mẹ không nên làm cho con mình.
1. Nói thay con
Khi có ai đó hỏi "Tên con là gì?". Nhiều cha mẹ nhanh nhảu trả lời giúp con ngay. Điều này không chỉ tước đi cơ hội để trẻ học kỹ năng giao tiếp mà còn biến nó trở thành thói quen xấu trong tương lai. Trẻ sẽ nghĩ rằng mình không cần trả lời hay có trách nhiệm phải làm gì, vì đã có cha mẹ làm hộ.
2. Đừng giám sát con cái quá mức
Nhiều bậc cha mẹ cố gắng làm bạn với con và họ không muốn con giữ bất kỳ bí mật nào với mình. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu tại sao các bậc cha mẹ lại muốn điều này. Đó là một điều tốt, nếu như cha mẹ không áp dụng một cách cực đoan.
Việc giám sát một cách quá mức, yêu cầu con cho mình biết mọi chuyện xảy ra là không cần thiết. Điều này khiến trẻ cảm thấy e ngại, thậm chí cho rằng bố mẹ can thiệp quá nhiều vào đời tư. Thay vào đó, hãy chia sẻ, tâm sự, đưa ra lời khuyên một cách tôn trọng, lịch sự.
3. Đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên con
Thay vì bắt ép trẻ phải làm theo bố mẹ mới là tốt, hãy gợi ý một vài cách và để trẻ tự lựa chọn. Cho con quyền lựa chọn giúp trẻ cảm thấy bản thân được tôn trọng và cha mẹ cũng có cơ hội hiểu sở thích và mong muốn của con hơn.
4. Đừng giúp đỡ trẻ quá nhiều
Trẻ 2 và 3 tuổi đã có thể tự mặc và cởi các loại quần áo khác nhau, rửa cốc, cho quần áo bẩn vào máy giặt. Hơn thế nữa, ở lứa tuổi này trẻ rất muốn tự mình làm những việc đó.
Nhiều cha mẹ làm hết mọi việc thay trẻ, thậm chí nghĩ rằng con không thể làm được đâu. Và hậu quả là về sau, bạn sẽ thấy một thiếu niên bừa bộn hoặc không muốn giúp đỡ mẹ mình. Hãy để trẻ tự làm càng nhiều việc càng tốt, dù có sai sót.
5. Đưa ra quyết định thay con
Chúng ta thường cố gắng áp đặt sở thích âm nhạc, đọc sách và phong cách ăn mặc của mình lên con cái. Đó là mục đích tốt nhưng lại làm giảm đi tính cá nhân của trẻ. Và trong nhiều trường hợp, nó dẫn đến sự phản đối và trẻ em làm điều ngược lại hoàn toàn.
6. Kiểm soát tiền tiêu vặt của con
Mỗi đứa trẻ sẽ có tiền tiêu vặt của riêng mình. Điều bạn không nên làm là tra hỏi và cố gắng tìm hiểu xem chúng đã làm gì với số tiền đó một cách cực đoan. Nhiều cha mẹ còn kiểm tra túi, thậm chí là lục lọi đồ đạc của con khi chưa có sự đồng ý. Điều này sẽ giết chết niềm tin của trẻ ngay lập tức.
7. Áp đặt và cho rằng chỉ có điều đó mới tốt cho con
Mẹ muốn con gái chơi violin và sẵn sàng đưa con đi khắp thành phố để đến trường âm nhạc 3 lần một tuần. Và bố muốn con trai mình chơi bóng đá mỗi tối. Cha mẹ thường cố gắng áp đặt sở thích của con mình từ trong tiềm thức nhưng không quan tâm con có thích hay không.
Hãy kiên nhẫn và quan sát con bạn. Chú ý đến sở thích và niềm đam mê của trẻ. Nên hỏi ý kiến và lắng nghe về những điều mà con thực sự mong muốn.
8. Đừng bao bọc, hãy để trẻ đưa ra quyết định
Khi trẻ đã biết nói, trẻ có quyền lựa chọn món quà mình muốn. Và nó không nhất thiết phải là món đồ mà bố mẹ cho là tốt. Cũng như trong cuộc sống, con có thể tự lựa chọn, kèm theo là chấp nhận hậu quả nếu điều đó sai lầm. Từ đó, trẻ sẽ học được kỹ năng đưa ra lựa chọn, quyết định và đối mặt với hậu quả.
9. Kiểm soát cuộc sống riêng tư của con
Điều này đặc biệt đúng đối với cha mẹ của thanh thiếu niên. Trẻ em có bạn bè riêng và những cuộc hẹn hò đầu tiên. Đó là điều bình thường và hoàn toàn tự nhiên. Việc tra hỏi "Anh chàng đó là ai?" sẽ chỉ khiến con bạn khó chịu. Nhiều đứa trẻ sẽ chia sẻ những chuyện riêng tư như vậy với bố mẹ nếu chúng cảm thấy an toàn.
Thay vì tra hỏi con, hãy để chúng có không gian riêng tư. Đừng hỏi quá nhiều câu hỏi nếu bạn thấy trẻ không muốn chia sẻ chi tiết. Và tất nhiên, đừng bao giờ lén lút đọc tin nhắn của con bạn.