9X với tham vọng biến trà đậu đen xanh lòng thành 'trà quốc dân'

17/08/2019 - 13:51
Ba mẹ phải cầm sổ đỏ vay vốn để cô mở xưởng rang nguyên liệu, bản thân cô đi vay mượn khắp nơi để dự án tiếp tục, hàng xóm dè bỉu… đó là những khó khăn mà cô gái 9x Nguyễn Thị Hoài - Giám đốc Công ty TNHH Mộc Thanh Trà Việt Nam (quận 3, TPHCM ) - gặp phải khi khởi nghiệp.

Đi tìm đam mê

Chị Hoài vốn học về ngành quản lý nhà hàng - khách sạn và từng có một công việc thu nhập tốt ở một  khách sạn của một tập đoàn lớn ở Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tuy nhiên, niềm đam mê kinh doanh luôn được nung nấu trong chị.

a7.jpg
Chị Nguyễn Thị Hoài người sáng lập ra "Mộc Thanh Trà Việt Nam" 

 “Lúc mới ra trường, mình có công việc lương rất cao và ba mẹ rất nở mày nở mặt với hàng xóm. Mình may mắn là được công ty đào tạo để lên quản lý, nên mọi thứ mình đều học qua từ pha chế đến giấy tờ. Lúc đó, mình còn tranh thủ kinh doanh thêm nước nha đam. Mình tự tay lựa nha đam, nấu và mang đi bán. Ở khách sạn mình làm có nhiều nhân viên nữ, họ muốn uống một loại nước vừa đẹp da vừa bù nước. Mình hay tranh thủ nửa tiếng trên xe buýt chở nhân viên đến công ty để bán hàng. Mình cảm thấy việc bán nha đam rất là vui, vui hơn cả việc nhận lương hằng tháng. Mặc dù mỗi ngày kiếm được số tiền chỉ hơn 200 ngàn đồng”, chị Hoài kể lại.

Sau nhiều thời gian nghiên cứu, chị đã quyết tâm khởi nghiệp với một thức trà đậu đen xanh lòng. Chị Hoài cho biết, có người quen giới thiệu về một loại trà từ đậu đen xanh lòng đến từ Nhật Bản, loại trà đó rất đặc biệt, rất tinh tế và thuộc dòng cao cấp. Mùi vị khác hẳn so với cách rang đậu đen mà cửa hàng nhỏ lẻ hay bán trên mạng. Vậy nên chị đã nghĩ tại sao người Nhật làm được mà sao mình không thử làm.

Bên cạnh đó, chị nhận thấy Việt Nam đang có nguồn nguyên liệu khá lớn về loại cây đậu đen xanh lòng, dược tính của hạt này cao và nhiều dinh dưỡng. Tại sao nông sản Việt cứ xuất thô qua Trung Quốc làm thuốc. Vậy nên, chị quyết tâm khởi nghiệp với đậu đen xanh lòng.

“Mình muốn biến đậu đen xanh lòng thành một thức trà của Việt Nam, thật đặc biệt lại mang tính truyền thống. Nguyên liệu được chọn từ đất Việt Nam mình đang trồng chứ không phải tìm giống gì thật lạ ở nước ngoài. Còn trà từ đậu đen xanh lòng tương lai trở thành một thức trà “quốc dân” hay không phụ thuộc và cố gắng của mình”, chị Hoài chia sẻ.

a5.jpg
Vùng trồng nguyên liệu 

Điểm đặc biệt của Mộc Thanh Trà Việt Nam là "quy chuẩn hóa kỹ thuật rang" và "chuẩn nguyên liệu giống đậu". Công dụng chủ yếu trị chứng mất ngủ và giúp làm mát gan. Các nguyên liệu chính là đậu đen xanh lòng, cỏ ngọt và hà thủ ô… mùi vị tinh tế không lẫn được với các loại trà khác. Sản phẩm hướng đến dòng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

a3.jpg
Mộc Thanh Trà Việt Nam hiện được nhiều khách hàng ưa chuộng

Hiện nay, Xưởng chế biến được đặt tại khu đất nhà gia đình Hoài ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Xưởng sử dụng máy rang đậu bằng khí, sử dụng sức gió, sức nóng đảo đậu đến chín. Sau khi rang xong thì cho sao vàng hạ thổ.

Chị Hoài chia sẻ thêm: “Sao vàng hạ thổ là cách pha dược liệu mà ngày xưa các quan làm cho vua chúa uống và được truyền ra dân gian. Mỗi lần nói về quy trình này mình lại buồn cười, vì nhiều khách hàng cứ hỏi “mỗi lần cô rang xong là cô đổ xuống đất à”. Thực ra, xưởng đã đầu tư bộ chum từ gốm Bát Tràng rất đắt tiền để thực hiện quy trình này. Ngày xưa nền nhà là đất sét chứ bây giờ là xi măng rồi làm sao phát huy được tính năng và đảm bảo vệ sinh”.

 "Đặt cược"

Cũng giống như bao dự án khác, câu chuyện về tài chính luôn là vấn đề khó khăn của nhiều bạn trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, cách nghĩ và cách làm để xoay chuyển tình thế khó khăn của cô gái trẻ Nguyễn Thị Hoài đã khiến nhiều người nể phục.

Năm 2018, chị bắt đầu triển khai dự án khởi nghiệp. Để có được nguồn vốn mua đậu, mua bao bì tạm thời, tiền công rang gia công sản phẩm thử nghiệm… chị nhận làm quản lý cho một quán cà phê tại TPHCM và làm thêm cho một cửa hàng trà với vai trò là nhân viên phục vụ theo ca. Cứ 6h30 làm phục vụ quán trà đến 2 giờ chiều thì về lại quán cà phê để đào tạo nhân viên. Thời gian đầu khởi nghiệp của chị Hoài phải bỏ ra nhiều chi phí cho việc tìm người rang gia công phù hợp. Cứ mỗi lần rang thử nghiệm chị lại tốn tiền công, tiền vận chuyển…

a1.jpg
Chị Hoài và các đồng nghiệp

Tháng 8/2018, chị mạnh dạn đăng ký cuộc thi Startup Wheel. Để có nguồn hàng bán tại cuộc thi chị đã vay chủ quán cà phê 100 triệu đồng với cam kết sau 45 ngày trả 120 triệu đồng. “Lúc đó, mình cá cược vận mệnh một lần. Mình cần tiền in áo đồng phục, chuẩn bị số lượng sản phẩm lớn để bán tại ngày hội. Mình dự trù bán 50 kg nhưng trong cuộc thi mình đã bán được gần 150 kg. May mắn là mình đã thu hồi vốn và trả được số nợ trong lần cá cược trên”, chị Hoài kể.

Sau cuộc thi số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng. Xưởng gia công đang phối hợp không nhận thêm hàng. Nên chị về quê nhờ ba mẹ cầm cố sổ đỏ của gia đình để vay và nhiều nguồn vay khác để mua máy mở xưởng sản xuất tại mặt bằng gia đình.

a2.jpg
Chị Hoài hướng dẫn cách pha trà cho nhân viên

“Mẹ mình làm nghề bán rau muống bào, bắp chuối bào ngoài chợ. Công việc rất vất vả phải thức đến 3 - 4 giờ sáng. Nên mình muốn chuyển đổi công việc cho gia đình. Hàng xóm dè bỉu ba mình tại sao lại nghe lời con nít khi mình mở Mộc Thanh Trà. Họ nói tự nhiên cả nhà bỏ nghề cũ rồi mai mốt lấy gì mà sống. May mắn là ba mẹ rất vững niềm tin vào con cái. Vậy nên  mình cố gắng chứng minh được những gì đã hứa với gia đình”, chị Hoài bộc bạch.

Hiện nay, dự án của chị đã đi vào hoạt động ổn định, mở nhiều đại lý và lợi nhuận ước tính hơn 200 triệu đồng/tháng. Vừa qua, dự án của chị đoạt giải 3 cuộc thi khởi nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ý nghĩa hơn, chị trích thẳng lợi nhuận từ mỗi gói trà để đóng góp vào các chương trình thiện nguyện. Hiện tại, Mộc Thanh Trà Việt Nam đang phối hợp với công ty du lịch thiện nguyện Color Việt Nam xây dựng chương trình sinh kế bền vững cho ngôi làng 8 “không” tại xã Đắk R’măng (Đắk G'long, Đắk Nông).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm