pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ám ảnh chất lượng chung cư giá rẻ - Bài 2: Phá vỡ quy hoạch, quá tải hạ tầng
Nhiều hộ dân chung cư VP5 (bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải để xe máy ngoài sân
Về ở mới giật mình vì... không có chỗ để xe
Năm 2012, thị trường bất động sản thành phố Hà Nội "sốt xình xịch" khi hàng nghìn căn hộ chung cư Đại Thanh (huyện Thanh Trì) mở bán với giá chỉ từ 10 triệu đồng/m2. Thế nhưng, cũng không lâu sau khi bàn giao và đưa vào sử dụng, hàng nghìn cư dân khu chung cư Đại Thanh rơi vào cảnh thiếu nước sạch trầm trọng, giống Khu đô thị Thanh Hà hiện tại.
Thời điểm đó là vào tháng 5- tháng 6/2014, Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng cực điểm. Chung cư mất nước toàn diện khiến hàng nghìn hộ dân điêu đứng. Cao điểm trong giai đoạn này, có khoảng 4.000 hộ/12.000 hộ tại Khu đô thị Đại Thanh sống trong cảnh mỏi mòn chờ nước sinh hoạt gần 1 tháng liền.
Nguyên nhân của sự việc sau đó được xác định do lỗi của chủ đầu tư. Cụ thể, công trình này dù được bàn giao cho khách hàng ngày 10/10/2013 nhưng phải hơn 1 tháng sau (ngày 25/11/2013), chủ đầu tư mới ký hợp đồng cung cấp nước sạch với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco). Sự việc sau đó đã được khắc phục nhưng tình trạng mất nước vẫn kéo dài vào năm sau đó trong những dịp cao điểm.
Không chỉ nỗi lo mất nước, cư dân Khu đô thị Đại Thanh còn ngán ngẩm bởi các căn hộ tại đây chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng đã bị bong tróc, lún nứt, xuống cấp nghiêm trọng. Hầm gửi xe thì luôn kẹt cứng xe, gây rất nhiều khó khăn cho cư dân mỗi buổi sáng lấy xe để đi làm. Chưa kể thi thoảng, xe của họ còn bị chọc thủng lốp, chọc nát yên xe không rõ nguyên do... Phải mất nhiều năm sau, những hạn chế tại khu đô thị này mới từng bước được khắc phục.
Tọa lạc bên mặt đường Nguyễn Xiển, Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) nằm trong tập hợp các chung cư giá rẻ cũng "gây sốt" thị trường bất động sản giai đoạn 2014-2015.
Tuy nhiên, sau khi vận hành, những tòa nhà chọc trời ở đây cũng bộc lộ những bất cập liên quan đến dịch vụ. Công trình với 4 tòa, mỗi tòa cao 45 tầng, mỗi tầng 24 căn hộ (trên 1.000 hộ dân) nhưng mỗi tòa chỉ có một tầng hầm nên đến chỗ để xe máy của cư dân cũng không đủ. Do thiếu chỗ để xe máy nên thời điểm cư dân mới về, Ban quan lý đã lấy sân chung ở phía trước, lợp mái tôn để làm chỗ để xe cho cư dân. Tuy nhiên, "sáng kiến" này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối nên nhà xe đã bị dỡ bỏ.
Ngoài ra, chất lượng tòa nhà này cũng là điều khiến cư dân bức xúc khi nhiều căn hộ xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hộ dân phải mất số tiền lớn để sửa chữa, cải tạo. Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ rất đông dân nhưng nơi đây cũng thiếu khu vui chơi giải trí. Ngoài giờ đi học, trẻ nhỏ thường bị "nhốt" trong nhà.
Tại bán đảo Linh Đàm - nơi một thời là Khu đô thị kiểu mẫu, tòa nhà VP6 cũng để lại không ít tai tiếng. Theo quy hoạch ban đầu, khu đất VP6 là tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp.
Tòa nhà cao 25 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 3 tầng hầm nhưng thực tế đã được "hô biến" thành tòa chung cư 37 tầng, xây tăng số lượng căn hộ từ 138 lên 840 căn, vượt 702 căn và chỉ có 1 tầng hầm.
Chị Nguyễn Thị Liễu, hộ dân sống ở VP6 cho biết, do hầm chỉ chứa được khoảng 700 xe máy, trong khi con số thực tế phải gấp đôi nên cư dân không có chỗ để xe. "Trước đây, tôi và nhiều hộ dân khác phải mất 200-300 triệu đồng tiền chênh mới mua được căn hộ ở VP6. Lúc mua tôi cũng không tính toán hết, đến lúc về ở mới giật mình vì... không có chỗ để xe máy", chị Liễu chia sẻ.
Hầm không đủ cho cư dân để xe nên Ban quản lý chung cư buộc phải trưng dụng khoảng sân phía trước tòa nhà làm bãi để xe. "Gia đình tôi có 2 xe máy nhưng đều không có chỗ gửi ở hầm vì đi sớm về muộn. Hôm nào về sớm, nếu may mắn tìm được chỗ để thì sáng hôm sau cũng khó lòng lấy ra được vì chật như nêm. Đã có lần, tôi phải đưa con đi học bằng xe ôm vì "trót" đưa xe xuống hầm. Kể từ đó, vợ chồng tôi đành để ở bãi đất trống, mặc cho mưa nắng", chị Liễu tâm sự.
Khốn khổ vì bị "nhồi nhét"
Như Báo PNVN đã nhiều lần thông tin về việc "nhồi nhét" cư dân vào tòa chung cư giá rẻ, ở Hà Nội không đâu bằng 12 tòa HH Linh Đàm. Các tòa nhà ở đây đều xây vượt tầng, với gần 10.000 căn hộ và khoảng 30.000 người dân sinh sống, "đẩy" dân số của phường Hoàng Liệt lên 9,2 vạn người.
Đây là một trong những khu vực có mật độ dân cư đông nhất của thành phố Hà Nội (trung bình 9 người/m2). Điều này phá vỡ các chỉ tiêu quy hoạch, gây quá tải về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, trường học, nhà trẻ tại khu vực và những căn hộ ở đây đều không thể có sổ hồng.
Anh Nguyễn Xuân Phong ở tòa nhà HH1C chia sẻ: "HH1C vẫn được đánh giá là một trong những tòa đẹp nhất Linh Đàm vì tầm nhìn hướng hồ Linh Đàm. Tuy nhiên, "ác mộng" ở đây là cảnh tắc thang máy giờ cao điểm, nhất là thời điểm các cháu học sinh đến trường. Có lúc phải chờ năm bảy lượt mới chen được chân vào thang máy để đi làm".
Dù vậy, nỗi khổ của anh Phong cũng chưa thể so bì với các hộ dân các tòa HH4B, HH4C, HH3A, HH3B gần đó. 4 tòa nhà này bị "tra tấn" bởi chợ cóc mọc lên dưới chân các tòa nhà đã nhiều năm. Theo thiết kế, 12 tòa nhà HH chỉ có một chợ với diện tích rất "khiêm tốn" nằm ở tầng 1 HH4A. Chợ này không thể đáp ứng nhu cầu của hàng vạn cư dân.
Có cung ắt có cầu, một chợ cóc đã mọc lên phía sau tòa nhà HH3 và HH4 bất chấp những quy định và nay nghiễm nhiên tồn tại, với hàng trăm gian hàng hoạt động từ sáng đến tối. "Cả con đường phía sau giờ đã bị chiếm dụng, biến thành chợ.
Tại đây, hàng hóa đủ loại, từ vật dụng thiết yếu, rau củ quả, đồ khô đến tất cả các loại thực phẩm tươi sống. Cư dân quanh năm bị "tra tấn" bởi mùi xú uế vì nước thải chảy ra lênh láng từ hàng cá, hàng thịt và khu vực bán gia cầm.
Vào những ngày cuối tuần, chợ càng đông đúc nên những hộ dân ở tầng thấp muốn có phút yên tĩnh để nghỉ ngơi cũng không có. Tầng tôi ở có 20 căn hộ, hiện 14 hộ đã được chủ nhà bán để chuyển đi nơi khác. Gia đình tôi chưa có điều kiện nên vẫn phải sống ở đây", anh Chu Huy Tưởng, cư dân tòa nhà HH3A, chia sẻ.
Hàng quán thi nhau lấn chiếm vỉa hè khiến người dân sinh sống tại khu HH luôn trong tình trạng "ngộp thở". Ôtô, xe máy đỗ la liệt ngay dưới lòng đường, thu phí mỗi nơi một kiểu. Tình trạng "loạn" bãi gửi xe ở hệ thống chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tồn tại dai dẳng nhiều năm nhưng không được giải quyết triệt để.
Không ít lần, chính quyền ra quân dẹp bãi gửi xe trái phép, dẹp quán cóc, chợ cóc… nhưng do "lỗi quy hoạch", mọi thứ lại trở về như cũ và cư dân đành tặc lưỡi "đành chấp nhận".
Bài sau: Khó lòng an cư