Ấm tình vợ chồng lúc ốm đau, hoạn nạn

17/01/2019 - 07:32
“Lúc còn khỏe, ông ấy làm việc vì mình, giờ lúc ốm đau ông ấy cần mình, mình phải chăm sóc ông ấy vì nghĩa vợ chồng và còn làm gương cho con cháu”, đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Vân, người đang tận tình chăm sóc người chồng bị bệnh xuất huyết não tại Bệnh viện phục hồi chức năng Hà Nội.
Vừa trò chuyện với chúng tôi, vừa thoăn thoắt tay xoa bóp chân cho chồng, bà Vân chia sẻ: “Khi khỏe vợ chồng có nhau, giờ bị bệnh như này thì thương và quý ông ấy nhiều hơn”.
 
img_1391_1600x1067.JPG
Ông Nhượng và bà Vân luôn được những người cùng phòng yêu mến bởi tình yêu hai ông bà dành cho nhau dường như không tuổi
 
 
Nhớ lại chuyện cách đây hai tháng, ông Vũ Văn Nhượng (sinh năm 1940), chồng bà Vân vẫn còn bàng hoàng. Bỗng nhiên ông bị một cơn đau đầu ập đến, ú ớ được một hai câu và không biết gì nữa.
 
Cơn bạo bệnh ập đến không báo trước khiến ông phải nhập viện cấp cứu. Ở bệnh viện Hải Dương 5 ngày, ông được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Căn bệnh nặng khiến cả nhà lo lắng, bà thì khóc hết nước mắt.
 
 
img_1397_1600x1067.JPG
Bà lúc nào cũng dịu dàng, chăm chút cho ông

 

“Ông ấy nằm đó, chẳng biết gì, tôi tưởng rằng tôi đã mất ông ấy rồi. Nhưng ơn trời, ông ấy vẫn còn sống để về với tôi, với con, với cháu. Lúc sống với nhau chưa thấy hết ý nghĩa của việc cần có nhau, khi cảm giác không còn nhau mới thấy nó khủng khiếp làm sao. Vì ông ấy bệnh nên tôi càng thấm thía hơn cái nghĩa vợ chồng”, bà Vân tâm sự.
 
Ông Nhượng trìu mến nhìn người vợ đã ở bên mình suốt mấy chục năm, không kìm được xúc động: “Khi tôi bị bệnh này, được bà ấy chăm sóc cho rất ân cần. Biết vợ rất vất vả vì mình nên bản thân tôi luôn tự nhủ phải cố gắng tập luyện để có thể đi lại được. Việc tập luyện diễn ra bất kỳ lúc nào trong ngày, bà ấy cũng luôn động viên tôi, bà ấy là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày, bởi tôi biết mỗi sự cố gắng của bản thân mình là giúp vợ sớm được về với gia đình, với con cháu chứ không phải ở bệnh viện triền miên nữa”.
 
 
Trong cái không khí buổi chiều giá lạnh của tháng giáp Tết ở bệnh viện, ông bà không quên nhớ lại cái thời ngày xưa, khi ông với bà nảy nở tình yêu. Hồi đó, ông Nhượng đi bộ đội, còn bà Vân là giáo viên, bà kém ông hai tuổi. Ông bà gặp nhau bởi “trời sinh” xứng đôi, theo hình mẫu thời ấy là bộ đội lấy giáo viên. Bao nhiêu năm chiến đấu ở miền Nam, ông vẫn trở về nên duyên với bà. “Được bà ấy yêu thương, sống rất tình cảm, tôi mới lấy bà ấy nếu không đã lấy vợ trong miền Nam rồi”, ông Nhượng tâm sự trong hạnh phúc.
 
img_1409_1600x1067.JPG
Ông bà gặp nhau bởi “trời sinh” xứng đôi, theo hình mẫu thời ấy là bộ đội lấy giáo viên

 

Ông bà lấy nhau năm 1973, sinh được 2 người con. Kinh tế ngày ấy rất khó khăn, ông đi làm được 5.000 đồng tiền lương, còn bà ở nhà dạy học, đóng gạch, chăn nuôi và chăm sóc con rất vất vả. Tuy thế, nhưng vì yêu thương nhau nên ông bà đã vượt qua tất cả những kham khổ ấy, nuôi các con khôn lớn và chia sẻ cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống. Từ ngày lấy nhau, ông bà không bao giờ cãi nhau hay to tiếng, ông bà thừa nhận rất hợp nhau vì ông là người đàn ông chỉn chu, chung thủy, còn bà là người phụ nữ rất tình cảm.
 
Hiện nay, con trai và con dâu ông bà làm giáo viên ở Hải Dương, kiếm thêm thu nhập bằng xưởng gỗ đóng bàn ghế học sinh. Còn người con thứ hai làm kỹ sư thủy điện ở trên Cao Bằng. Cuộc sống của hai vợ chồng già rất giản dị, luôn đong đầy yêu thương.
 
50140902_383134548897845_4578908000550387712_n1.jpg
Ngày nào bà cũng đi bộ ra quán cơm cách bệnh viện hơn một cây số để mua cơm hợp với khẩu vị của ông

 

Thấm thía tình yêu thương mà ông Nhượng, bà Vân đối xử với nhau, những người con của ông bà luôn lấy cha mẹ làm gương. Lúc ông Nhượng bị bệnh, các con ông thay nhau chăm sóc, lúc ông không đi lại được thì có các con dìu ông tập đi. Những lúc như thế, ông luôn thầm cảm ơn bà đã chăm sóc nuôi dưỡng các con để ông có một gia đình đầm ấm, yêu thương.
 
Với tình yêu thương của bà Vân, bệnh tình của ông Nhượng cũng đã thuyên giảm, giờ đây ông có thể tự chống gậy đi trong viện. Chỉ có điều, ngày nào ông cũng phải tập đi lại, xoa bóp chân, tập nâng tay, nâng người để ngồi được, đứng được. Tất cả đều phải nhờ sự trợ giúp của người vợ luôn sẵn sàng ở bên ông.
 
Ông Nhượng cho biết, ngày 3 bữa, bà đi bộ ra quán cơm cách bệnh viện hơn một cây số để mua cơm cho ông vì cơm bệnh viện khô, răng ông thì yếu không ăn được. Những vất vả của bà không có gì sánh được, ngay cả các con dù trẻ khỏe hơn cũng không thể chăm sóc ông như bà. Ông thấm thía câu nói: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Khi tuổi về già thì ông bà vẫn là chỗ dựa của nhau, gắn bó keo sơn.
 
Trước cái Tết sắp cận kề, ông Nhượng mong ước sớm phục hồi sức khỏe để về sum họp bên con cháu. Và mong ước hơn nữa chính là để người vợ của ông được về với mái ấm gia đình, với những bữa cơm bà tự nấu cho ông ăn và những đêm nằm tâm sự cùng ông những câu chuyện về con về cháu.
 
Chia tay ông bà, chúng tôi không khỏi cảm thấy ấm lòng bởi tình yêu thương của những người vợ, người chồng dành cho nhau trong những lúc ốm đau, hoạn nạn. Chúng tôi thầm chúc cho ông Nhượng sớm khỏi bệnh để ông bà được về sum họp với gia đình trong những ngày ấm áp đầu xuân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm