pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ấn Độ: Các giải pháp về khí hậu sẽ không thành công nếu loại bỏ nữ nông dân
Thành viên nhóm tự lực làng Chevaturu, Ấn Độ
Nỗ lực thay đổi chuẩn mực giới
Là người đứng đầu một nhóm tự lực ở bang Andhra Pradesh, Devi chưa từng tham gia một cuộc biểu tình về khí hậu hay vận động hành lang cho các nhà lãnh đạo thế giới. Thay vào đó, cô tập trung hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong vùng trong bối cảnh thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn.
Người phụ nữ 34 tuổi này tư vấn cho các nữ nông dân cách trộn phân bón và trồng xen canh trên ruộng của họ, đồng thời cảnh báo về tác hại của phân bón hóa học đối với đất và sức khỏe của chính họ.
Dù nền nông nghiệp Ấn Độ phụ thuộc chủ yếu vào phụ nữ, cũng là lực lượng lao động chính, thế nhưng nữ giới lại không được công nhận là nông dân - danh tính gắn liền với quyền sở hữu đất đai mà hầu hết phụ nữ nông thôn Ấn Độ đều không có.
"Những người nông dân (đàn ông) không lắng nghe chúng tôi khi chúng tôi bắt đầu dự án này, vì họ cho rằng chúng tôi không biết gì cả", Devi tâm sự.
Devi cùng những cộng sự của mình đang nỗ lực từng ngày để thay đổi các chuẩn mực về giới tại đây. Cô đã phát động phong trào thúc đẩy trồng trọt và truyền dạy các phương pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và cắt giảm khí thải nông nghiệp.
Trong vòng 5 năm, các thành viên trong nhóm của Devi đã thành thạo việc hướng dẫn người dân cách làm phân bón hữu cơ từ chất thải động vật và thực hành canh tác tự nhiên, tránh sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón tổng hợp. Họ đã thuyết phục được 312 trong số 786 nông dân trong làng áp dụng các phương pháp canh tác tự nhiên trên các trang trại trồng bông, lúa và xoài.
"Yêu cầu đàn ông trong vùng tiếp thu những kiến thức mới là điều không thể. Họ chỉ quan tâm đến kiếm tiền. Ngược lại, phụ nữ kiên nhẫn hơn. Nhờ họ, tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm công việc này", Devi nói.
Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, hơn 75% lao động nữ ở nông thôn Ấn Độ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng chỉ 12% trong số họ sở hữu đất đai. Hầu hết phụ nữ làm việc ở trang trại hoặc lao động không công trên các cánh đồng của gia đình. Việc họ không có tư cách là nông dân đồng nghĩa với việc họ không thể tiếp cận được sự hỗ trợ của chính phủ, bao gồm các khoản vay trợ cấp, thẻ tín dụng đặc biệt và hỗ trợ tiền mặt.
Tuy nhiên, phụ nữ lại đóng vai trò then chốt trong việc mở rộng các kỹ thuật nông nghiệp mới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Ví dụ như trồng các loại cây có khả năng chống chọi tốt hơn với các đợt nắng nóng, mưa lớn và hạn hán.
Dẫn đường cho giải pháp
Nông nghiệp là ngành sử dụng lao động lớn nhất ở Ấn Độ nhưng việc trồng trọt ngày càng khó khăn hơn khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, gây ra nợ nần, di cư và khiến nhiều nông dân tự tử. Để ứng phó, các dự án canh tác tự nhiên đã bén rễ ở nước này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quy mô và thành công của chúng phụ thuộc vào việc những người nông dân nghèo được bảo vệ như thế nào. Các nhóm phụ nữ, với mạng lưới rộng khắp, đang đóng vai trò then chốt trong việc thuyết phục những người nông dân thực hành canh tác bền vững. Dữ liệu của chính phủ Ấn Độ cho thấy, trong số 12 triệu nhóm tự lực phục vụ 140 triệu hộ gia đình, 88% số nhóm có các thành viên là phụ nữ.
Thành viên của các nhóm tự lực là nguồn lực quý giá trong việc tiếp cận nông nghiệp thân thiện với môi trường vì họ thường là những người làm việc trong doanh nghiệp, nói ngôn ngữ của dân làng và hiểu những thách thức của nông dân.
Nhà vận động vì quyền nông dân Kavitha Kuruganti, thuộc Liên minh Nông nghiệp Toàn diện và Bền vững, cho biết: "Các giải pháp về khí hậu sẽ không đầy đủ và không thành công nếu loại bỏ các nữ nông dân. Và phụ nữ đang tìm cơ hội đảm nhận vai trò lãnh đạo".