Bất bình đẳng giới + biến đổi khí hậu: 2 “điểm nghẽn” thời đại

Nhu Thụy
20/01/2023 - 12:21
Bất bình đẳng giới + biến đổi khí hậu: 2 “điểm nghẽn” thời đại

Những phụ nữ cùng chung lý tưởng bảo vệ môi trường

Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển kinh tế, đặt quyền của phụ nữ và trẻ em gái là trung tâm trong các chính sách về biến đổi khí hậu… là những việc cần làm vì sự phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khoảng cách giới năm 2022, sẽ mất 132 năm để bình đẳng giới trở thành hiện thực và 151 năm để thu hẹp sự tham gia kinh tế và khoảng cách cơ hội về giới. Đại dịch Covid-19 càng khiến vấn đề bất bình đẳng giới đối với phụ nữ trên toàn cầu thêm trầm trọng, đặc biệt là những thách thức về hoạt động chăm sóc sức khỏe. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phụ nữ đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng về sức khỏe, đặc biệt là việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục với nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn lực phù hợp để chi trả cho việc chăm sóc. Bên cạnh đó, tất cả các yếu tố của bất bình đẳng giới, bao gồm khả năng tiếp cận giáo dục hạn chế, hệ thống luật pháp không bảo vệ phụ nữ và bạo lực trên cơ sở giới đều trở nên trầm trọng hơn do đói nghèo. Có hơn 50% số người đang sống chung với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS trên toàn cầu là phụ nữ.

Bất bình đẳng giới + biến đổi khí hậu: Hai “điểm nghẽn” thời đại - Ảnh 1.

Cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục cho trẻ em gái có lợi về nhiều mặt, bao gồm cải thiện kết quả kinh tế và sức khỏe cũng như giảm tỷ lệ tử vong mẹ.

Một phân tích khác của WHO cùng tổ chức "Phụ nữ Y tế Toàn cầu" nhấn mạnh: Khó khăn đang đè nặng lên phụ nữ. Những sự bất bình đẳng giới dai dẳng có thể phá hoại an ninh y tế toàn cầu và cản trở tiến bộ bình đẳng giới ở tất cả các cấp. 1,5 tỷ phụ nữ trên toàn cầu không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế dự phòng và chỉ có khoảng 1/8 phụ nữ trên thế giới được thực hiện tầm soát ung thư.

Để giải quyết cho vấn đề này, các chuyên gia đều nhất trí cần phải ưu tiên cải thiện sức khỏe phụ nữ. Đó là cách để đạt được các mục tiêu liên quan đến ổn định kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, giải quyết các vấn đề xã hội như bạo lực giới cũng rất quan trọng để cải thiện sức khỏe của phụ nữ và trẻ em. Chỉ khi cơ hội bình đẳng dành cho tất cả các thành viên trong xã hội thì các quốc gia mới có thể trở nên mạnh mẽ hơn, giành những thành quả mới và duy trì tiến bộ ngay cả trong những cú sốc và khủng hoảng, chẳng hạn như đại dịch.

Báo cáo "Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới" năm 2022 của Liên hợp quốc (LHQ) nhấn mạnh, phụ nữ ở mọi khu vực trên thế giới luôn rơi vào tình trạng bị mất an ninh lương thực trầm trọng hơn nam giới. So với năm 2018, sự chênh lệch về số phụ nữ và nam giới trong vấn đề mất an ninh lương thực hiện đã tăng 8,4 lần. Theo UN Women, trung bình phụ nữ chiếm tới 43% lực lượng lao động ở các nước đang phát triển, trên 50% ở một số khu vực của châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, phụ nữ ít có khả năng tiếp cận đất đai và nguồn lực sản xuất hơn nam giới.

Bất bình đẳng giới + biến đổi khí hậu: Hai “điểm nghẽn” thời đại - Ảnh 2.

Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển kinh tế, đặt quyền của phụ nữ và trẻ em gái là trung tâm trong các chính sách về biến đổi khí hậu

Tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập tháng 11/2022, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với hiểm nguy nếu các quốc gia không thể đạt được một thỏa thuận có tính lịch sử về biến đổi khí hậu (BĐKH). Bà Michelle Bachelet, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của LHQ, cho biết, phụ nữ và trẻ em gái thường phải gánh chịu những hậu quả khắc nghiệt và bạo lực nhất của BĐKH. Dẫn số liệu từ Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), bà Bachelet cho biết, phụ nữ chiếm 80% trong số những người chịu ảnh hưởng bởi BĐKH. 

Việc dời chỗ ở khiến họ có nguy cơ bị bạo lực cao hơn nhiều, bao gồm cả bạo lực tình dục. Hơn nữa, khi BĐKH ảnh hưởng đến nông nghiệp, những suy thoái kinh tế xã hội tác động đến phụ nữ và trẻ em gái khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa như bạo lực gia đình, kết hôn sớm hoặc ép buộc, buôn bán và ép buộc mại dâm.

Bất bình đẳng giới + biến đổi khí hậu: Hai “điểm nghẽn” thời đại - Ảnh 3.

Hạn hán

Đặc biệt, phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nhiều trước các tác động tiêu cực của BĐKH so với nam giới, phần lớn là do nghèo đói. 70% trong số 1,3 tỷ người sống trong điều kiện nghèo đói là phụ nữ, hầu hết họ phụ thuộc nhiều vào đất đai để sinh tồn. Vấn đề còn tồi tệ hơn khi tình trạng hạn hán ngày càng gia tăng trên toàn cầu khiến việc tiếp cận nước và trồng trọt trở nên khó khăn hơn, phụ nữ buộc phải dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động tự cung tự cấp như lấy nước và trồng trọt. Do đó, họ có ít thời gian hơn để cải thiện tình hình kinh tế thông qua giáo dục hoặc việc làm chính thức.

Để cải thiện kết quả về giới và khí hậu, cần thu hẹp khoảng cách năng suất theo giới trong canh tác và tăng sản lượng chung của nông hộ nhỏ. Ước tính, việc cải thiện năng suất của nữ nông dân sản xuất nhỏ có thể làm giảm lượng khí thải carbon lên đến 2 tỷ tấn vào năm 2050. Mặt khác, cần thông qua việc tiếp cận tốt hơn với giáo dục và kế hoạch hóa gia đình. Cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục cho trẻ em gái có lợi về nhiều mặt, bao gồm cải thiện kết quả kinh tế và sức khỏe cũng như giảm tỷ lệ tử vong mẹ. 

Phụ nữ và trẻ em gái có trình độ học vấn cao hơn, đặc biệt, được tiếp cận tốt hơn với thông tin sức khỏe và sinh sản, cũng có vị thế tốt hơn để đưa ra các quyết định sáng suốt về kế hoạch hóa gia đình. Bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục và trao quyền cho phụ nữ tự quyết định về quy mô gia đình, qua đó có thể làm chậm tốc độ gia tăng dân số, dẫn đến có thể giảm 68,9 tỷ tấn carbon vào năm 2050.

Bà Bachelet kêu gọi phụ nữ phải tham gia đầy đủ vào việc ra quyết định về vấn đề khí hậu. Các chính phủ sẽ phải tăng cường các chính sách và chương trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai và môi trường chịu trách nhiệm về giới.

Nguồn: WHO, UN Women, UNEPFI
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm