Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến cơ hội học tập của nhiều trẻ em

Kim Ngọc
19/05/2022 - 06:30
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến cơ hội học tập của nhiều trẻ em

Học sinh tránh nóng khi đi học về vào một buổi chiều ở Faridabad, bang Haryana, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Giám đốc giáo dục của UNICEF nhận định, biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng đến cơ hội học tập và giáo dục của trẻ em trên toàn cầu.

Những ngày gần đây, đợt nắng nóng oi bức kể từ tháng 3 ở Ấn Độ đã buộc một số bang ở miền Bắc tại quốc gia này phải thay đổi giờ học, chuyển sang các lớp học trực tuyến và cho học sinh nghỉ hè sớm.

Rất hiếm trường học ở Ấn Độ có điều hòa, trong khi tình trạng mất điện do nhiệt độ tăng cao khiến các lớp học không thể sử dụng quạt máy. Các giáo viên ở Gurgaon, một thành phố gần Delhi, cho biết thậm chí học sinh đã ngất xỉu trong giờ học vì nắng nóng. Cuối tháng 4, chính quyền ở Punjab, một bang phía Bắc Ấn Độ có nhiệt độ lên tới gần 46°C, cho biết cho học sinh học trực tuyến tại nhà trong hai tuần vào giữa tháng 5. Trường cũng bố trí thời gian học sớm hơn để học sinh có thể học từ 7 giờ sáng và trở về nhà vào buổi trưa. Các bang của Chhattisgarthvà Haryana đã công bố kế hoạch tương tự.

Ấn Độ, nơi các nhà chức trách dựa vào các hệ thống giám sát và cảnh báo để ngăn người dân làm việc khi nhiệt độ tăng cao, đã không còn xa lạ gì với cái nóng khắc nghiệt. Trong quá khứ, nhiều tiểu bang đã cho học sinh nghỉ hè sớm hơn. Tuy nhiên, với những đợt nắng nóng gay gắt đến trước vài tuần so với thời gian bắt đầu mùa hè và sau hai năm Covid-19 đóng cửa khiến việc học tập của trẻ em Ấn Độ bị gián đoạn nghiêm trọng, một số giáo viên cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để các trường học có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Gurbachan Singh, một giáo viên dạy toán tại Punjab, nêu ý kiến: "Chính phủ nên ưu tiên tổ chức các lớp học bình thường, cung cấp nguồn điện và cơ sở hạ tầng phù hợp với thời tiết cho các trường học thay vì đóng cửa", Singh nói với Times of India.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến giáo dục

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất nơi các trường học phải đối mặt với thách thức liên quan đến vấn đề thời tiết khắc nghiệt. Robert Jenkins, Giám đốc giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cho biết: "Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng thực sự đến cơ hội học tập của trẻ em trên toàn cầu. Những người trong ngành giáo dục đã nhận thức quá muộn về thách thức này".

Trong một cuộc khảo sát năm 2020 của UNICEF với 25.000 học sinh ở 8 quốc gia Nam Á, 78% cho biết biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến giáo dục: 5% cho biết tác động của khí hậu khiến trường học không an toàn, 19% cho biết quá trình đến trường bị ảnh hưởng và 25% cho biết nắng nóng hoặc lũ lụt khiến các em không thể tập trung học tập hoặc buộc phải bỏ học.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến cơ hội học tập của trẻ em - Ảnh 1.

Học sinh đi bên ngoài trường học trong một ngày hè nóng nực vào cuối tháng 4 ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, nắng nóng không phải là nguyên nhân duy nhất. Năm 2015, một cơn bão ở Philippines đã khiến quốc gia này đóng cửa 803 trường học trong hai tuần. Tại Hoa Kỳ, từ năm 2017 đến năm 2019, cứ 5 học sinh học ở các khu học chính thì có 1 em phải trải qua thảm họa thiên nhiên. Những sự kiện như vậy hiện đang xảy ra "với tần suất ngày càng tăng, trong thời gian dài hơn và trên các phạm vi rộng hơn", Jenkins nói.

Đối với các quốc gia ở tuyến đầu, những ảnh hưởng lâu dài của biến đổi khi hậu rất đáng lo ngại. Một nghiên cứu năm 2019 của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, một tổ chức phi lợi nhuận Hoa Kỳ, cho thấy học sinh ở các quốc gia nóng nực có thành tích kém hơn trong các bài kiểm tra toán chuẩn hóa quốc tế so với học sinh ở các quốc gia có thời tiết mát hơn.

Không dễ để định lượng tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đối với hệ thống giáo dục, từ chi phí sửa chữa cơ sở hạ tầng hư hỏng đến tác động trực tiếp đến sinh kế trong tương lai của học sinh, nhưng Liên hợp quốc ước tính con số này "có khả năng lên đến hàng nghìn tỷ USD".

Nỗ lực giải quyết các đe dọa của biến đổi khí hậu với giáo dục

Theo Jenkins, chính phủ đã không kịp thời giải quyết các mối đe dọa với giáo dục như một phần trong kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước mắt UNICEF đang làm việc với 145.000 trường học ở Ấn Độ, triển khai các chương trình chia sẻ thông tin về cách giữ an toàn khi học tập, đồng thời giúp các bang miền Bắc lập kế hoạch hành động chống nóng, giúp các trường học xác định mức độ rủi ro về nhiệt độ. Ngoài ra, một số thành phố cũng cung cấp sách để các trường học gửi về nhà cho phụ huynh.

Jenkins cho biết để trẻ em có thể tiếp tục học tập, nhiều trường học cần cải thiện cơ sở hạ tầng quy mô lớn, chẳng hạn như tăng cường khả năng tiếp cận nước uống và vệ sinh, những thứ vẫn còn thiếu ở một số vùng nông thôn Ấn Độ. Các trường học mới xây cần được thiết kế phù hợp với khí hậu nếu nằm ở những vùng dễ bị lũ lụt và có kiến trúc đặc trưng theo khí hậu để giảm thiểu rủi ro nắng nóng.

Việc phong tỏa do Covid-19 đã giúp nhiều trường học có kinh nghiệm trong việc tổ chức lớp học online, nhưng ở Punjab, giáo viên kêu gọi chính phủ không dùng các lớp học trực tuyến làm giải pháp lâu dài cho các đợt nắng nóng gia tăng. Số lượng học sinh tham gia các lớp học trực tuyến giảm mạnh do không hiệu quả trong khi khả năng truy cập internet và các thiết bị học trực tuyến rất hạn chế ở những gia đình có thu nhập thấp.

Việc đóng cửa trường học "nên tránh mọi lúc", Jenkins nói. Ông lập luận rằng nó không chỉ góp phần làm làm sâu sắc thêm bất bình đẳng giáo dục mà còn vì trường học còn là một nền tảng quan trọng để chia sẻ thông tin về các biện pháp phòng ngừa an toàn trong thiên tai khí hậu. "Trường học có thể có ảnh hưởng thực sự tích cực trong thời gian đó, bởi vì trẻ em có thể thu hút sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng theo cách tốt nhất để đối phó với biến đổi khí hậu".

Nguồn: Time
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm