pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ấn Độ: Nắng nóng kỷ lục, phụ nữ vật lộn tìm nước
Nhiều phụ nữ ở Ấn Độ thường phải mất hàng giờ mỗi ngày để đi lấy nước
Tăng gánh nặng cho phụ nữ
Đây được đánh giá là đợt nắng nóng kỷ lục ở Ấn Độ trong vòng hơn 120 năm qua. Nó đã khiến đất trồng nứt nẻ, nước cạn đến lộ ra cả đáy sông. Nắng nóng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước ở xứ sở Sông Hằng.
Những ngày gần đây, hình ảnh một phụ nữ chênh vênh giữa thành giếng nước lớn lan truyền trên mạng xã hội, trở thành tâm điểm chú ý. Bất chấp nguy hiểm khi không có bất kỳ dụng cụ đảm bảo an toàn nào, người phụ nữ ấy, cùng một số người dân khác tại làng Ghusiya, bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, trèo xuống một giếng nước sâu để vét những váng nước cuối cùng còn sót lại phía đáy giếng. Người dân ở làng Ghusiya đã buộc phải bất chấp nguy hiểm như vậy để có nước sinh hoạt vì các ao và giếng nước thông thường đều khô cạn. Nói về rủi ro của việc trèo xuống giếng lấy nước, người dân nơi đây thừa nhận đã có vài người rơi xuống giếng. "Chúng tôi phải xuống giếng để lấy nước. Có 3 giếng ở đây, tất cả đã gần như khô cạn. Không một máy bơm nào có nước", một người phụ nữ cho biết.
Ở Madhya Pradesh, tình trạng thiếu nước là một vấn đề lặp đi lặp lại vào mỗi mùa hè. Chính quyền bang đã hứa cung cấp nước máy cho mọi ngôi làng vào năm 2024. Hiện tại, hàng triệu người vẫn không thể tiếp cận được nước uống. Tại làng Ghusiya, dân làng tức giận cho biết họ sẽ tẩy chay các cuộc bầu cử địa phương trong năm nay cho đến khi có nguồn cung cấp nước thích hợp.
Cuộc khủng hoảng nước đang tạo thêm gánh nặng cho phụ nữ Ấn Độ và ngày càng khiến họ dễ bị tổn thương. Đặc biệt, ở những khu vực xa xôi hẻo lánh, phụ nữ sống trên các ngọn đồi phải mất hàng giờ đi bộ lên - xuống đồi để lấy nước. Cô Munni Adhivasi - một phụ nữ dân tộc thiểu số phải đi bộ rất xa để có thể mang nước về nhà. Cô phải vác trên mình 30 lít nước cần thiết mỗi ngày cho gia đình và đàn gia súc. Munni chia sẻ, đợt nắng nóng này thật sự đang thách thức giới hạn sống sót của con người. Munni lo sợ rằng chính bản thân cô cũng có thể qua đời vì nắng nóng. Munni nằm trong nhóm phụ nữ và trẻ em từ 4 ngôi làng trong khu vực hàng ngày phải đi lấy nước ở một hồ chứa bên cạnh mỏ đá, nơi chồng của họ làm việc. "Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là tôi sẽ phải thực hiện bao nhiêu chuyến đi để mang lượng nước cần thiết để uống và nấu ăn cho 4 đứa trẻ và 3 con dê. Việc phải vật lộn đi lấy nước hằng ngày dưới thời tiết khắc nghiệt như thế này thực sự quá tồi tệ nhất đối với chúng tôi", Munni tâm sự.
Lấy nước hằng ngày cho gia đình ở Ấn Độ đã được coi là công việc của phụ nữ từ bao đời nay. Ở một số vùng, phụ nữ ngay cả trong thời đại ngày nay cũng phải đi bộ vài cây số để lấy nước. Tại bang miền Tây Ấn Độ Gujarat, do nguồn nước ngày càng khô hạn, những người phụ nữ phải đi bộ ngày càng xa để lấy nước. Thức dậy từ khi mặt trời chưa ló rạng, những người phụ nữ này lặn lội qua quãng đường xa để mang về những bình nước có thể dùng để ăn uống. Nước họ lấy chủ yếu từ các mạch nước ngầm nhưng không phải khe nước nào cũng sạch hoàn toàn.
Hạn hán giống như "liều thuốc độc thầm lặng"
Theo Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ chỉ có 4% lượng nước ngọt toàn cầu dù chiếm 18% dân số thế giới, khiến quốc gia này nằm trong số những quốc gia căng thẳng về nước nhất trên Trái đất. Gần 2/3 trong số 700 quận của nước này đang bị đe dọa do nước ngầm giảm. Ấn Độ được dự báo đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước nghiêm trọng vào năm 2050, với 30 thành phố được cho là sẽ nằm trong các khu vực có nguy cơ cao. Trong khi đó, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết Ấn Độ nằm trong số các quốc gia được dự báo bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ấn Độ thường trải qua đợt nắng nóng trong những tháng mùa hè - tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, năm nay, nhiệt độ bắt đầu tăng ngay từ tháng 3 và tháng 4. Ngay ở bang Punjab, miền Bắc nước này, nơi được mệnh danh là "vựa bánh mì của Ấn Độ", đợt nắng nóng không chỉ khiến hàng triệu nông dân căng thẳng mà còn làm giảm sản lượng lúa mì - nguồn thu nhập chính để họ nuôi gia đình.
Khoảng 70% hộ gia đình Ấn Độ phụ thuộc vào nông nghiệp để kiếm sống nhưng họ đang phải vật lộn với sản lượng thấp hơn do hạn hán thường xuyên và lượng mưa thấp hơn. Tác động của biến đổi khí hậu ở Ấn Độ có thể làm tăng thêm khoảng 50 triệu người nghèo so với dự báo vào năm 2040 do lương giảm, giá lương thực tăng và tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Theo các chuyên gia, hạn hán giống như một "liều thuốc độc thầm lặng" ở Ấn Độ khi ngày càng nhiều người di cư để tồn tại và có nguy cơ bị buôn bán. "Giống như một chất độc thầm lặng lan truyền khắp các cộng đồng, chúng sẽ không được chú ý và không bị kiểm soát, cho phép những kẻ buôn người lợi dụng những người bị đẩy đến hoàn toàn tuyệt vọng", Ritu Bharadwaj - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) - cho biết.
Người dân Ấn Độ đã thúc giục các quan chức lập kế hoạch hành động để cải thiện nhiệt độ và đang nỗ lực để tăng nguồn cung cấp nước sạch lên hơn 50 lít/ngày cho mỗi người dân ở vùng nông thôn vào năm 2024. Để đạt được điều này, họ đặt mục tiêu xây dựng nhà máy khử mặn ở các khu vực ven biển, tận dụng nguồn tài nguyên hiện có và tăng cường mực nước ngầm - vốn đã giảm 61% trong 1 thập kỷ, kể từ năm 2007.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ (NCW), phụ nữ vẫn đi bộ tới 2,5km để đến nguồn nước uống được ở các vùng nông thôn. Nghiên cứu của NCW ước tính mỗi năm có khoảng 150 triệu phụ nữ ở Ấn Độ phải đi bộ để lấy nước và phí tổn cho việc này tương đương với 10 tỷ rupee (khoảng 128,7 triệu USD) mỗi năm. Nghiên cứu của NCW cũng cho thấy một phụ nữ nông thôn đi bộ hơn 14.000km/năm chỉ để lấy nước. Phụ nữ ở nông thôn trung bình dành 3-4 giờ/ngày để lấy nước sinh hoạt cho gia đình.
Tại một số đô thị, tình hình cũng không khả quan. Dù không phải đi bộ quãng đường dài, song phụ nữ cũng phải đứng xếp hàng hàng giờ để lấy nước từ các vòi nước ven đường hoặc xe bồn chở nước. Thời gian quan trọng này có thể được sử dụng cho các hoạt động kinh tế hoặc học hành.