Ấn Độ: Nhiều phụ nữ bị buộc phá thai vì gia đình chỉ thích có con trai

Kim Ngọc
30/12/2021 - 08:10
Ấn Độ: Nhiều phụ nữ bị buộc phá thai vì gia đình chỉ thích có con trai

Nhiều gia đình ở Ấn Độ không muốn bỏ ra chi phí của hồi môn và nuôi dạy trẻ em gái.

Vì phụ nữ thường rời nhà cha mẹ ruột sau khi kết hôn nên nhiều gia đình Ấn Độ không muốn bỏ ra chi phí của hồi môn và nuôi dạy trẻ em gái. Điều này khiến phá thai do lựa chọn giới tính trở nên phổ biến.

Khi Laali ở nhà một mình, máu không ngừng chảy ra từ hai chân cô trong 8 giờ đồng hồ. Trong lúc bất tỉnh, người phụ nữ nghĩ rằng mình sẽ ra đi cùng với đứa con này. Khi làm kiểm tra xác định giới tính trước sinh, Laali mang thai một bé gái ở tháng thứ 3. Cô bị ép uống thuốc phá thai mà không hề có sự giám sát của bác sĩ, các biến chứng sau đó khiến Laali nhập viện. Đêm xuất viện, cô khóc đến mất ngủ trong khi sáng hôm sau vẫn phải trở lại với công việc đồng áng.

Phá thai do lựa chọn giới tính

Con gái chưa ra đời của Laali nằm trong số 46 triệu "phụ nữ mất tích" ước tính ở Ấn Độ trong 50 năm, gấp 10 lần số lượng dân số nữ của London. Thành kiến về giới ngày càng sâu sắc, các vụ phá thai chọn lọc giới tính và sát hại phụ nữ tràn lan khiến Ấn Độ chiếm gần một nửa số phụ nữ mất tích trên toàn cầu.

Theo Prem Chowdhry, nhà hoạt động giới kiêm cựu giáo sư tại Đại học Delhi, "hình thức hôn nhân và phong tục truyền thống khiến vị trí phụ nữ trong xã hội Ấn Độ thấp kém hơn". Theo bà, vì phụ nữ thường rời nhà cha mẹ đẻ sau khi kết hôn nên nhiều gia đình ở Ấn Độ không muốn bỏ ra chi phí của hồi môn và nuôi dạy trẻ em gái, điều khiến phá thai lựa chọn giới tính trở nên phổ biến.

Phân biệt giới tính trước khi sinh đã được hình sự hóa vào năm 1994, nhưng vẫn phổ biến. Hoạt động này phát triển mạnh nhờ những tiến bộ về y tế, sau đó lan rộng ra nhiều vùng và có thể dễ dàng tiếp cận tại các phòng khám tư nhân.

Một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ Ấn Độ cho thấy quốc gia này lần đầu tiên có nhiều phụ nữ hơn nam giới. Tuy nhiên, Sabu George, một nhà nghiên cứu và nhà hoạt động tại Delhi, cho biết: "Mục tiêu chính của cuộc khảo sát là xem xét dữ liệu về sức khỏe sinh sản và các chỉ số phúc lợi gia đình chứ không phải về tỷ số giới tính dân số".

Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2021 của Lancet tuyên bố rằng tình hình đã trở nên tồi tệ hơn, với tỷ lệ phụ nữ mất tích tăng từ 3,5 triệu trong giai đoạn 1987–1996 lên 5,5 triệu trong những năm 2007–2016.

Ấn Độ: Phụ nữ bị buộc phá thai vì gia đình muốn có con trai - Ảnh 1.

Một poster ở Delhi khuyến khích các bậc cha mẹ đón nhận việc sinh con gái

Muốn có con trai bằng mọi giá

Làng nơi Laali sống cách Delhi 40 km. Theo các nhà hoạt động xã hội về sức khỏe ở địa phương, ước tính cứ 3 nhà trong làng thì có 1 nhà phá thai do giới tính. "Các gia đình muốn có con trai bằng mọi giá. Nếu tôi chết, chồng tôi sẽ tái hôn với hy vọng người phụ nữ tiếp theo sẽ sinh được con trai", Laali nói.

Năm 2009, Laali được sắp đặt kết hôn với một nông dân, lúc đó cô 19 tuổi. Trong 3 năm tiếp theo, cô sinh 2 con gái. Trong lần mang thai thứ 2, Laali thường bị đưa đến các thầy lang truyền thống để uống thuốc giúp sinh con trai. Khi Laali sinh con gái, không ai trong gia đình đến bệnh viện chăm sóc cô và đứa trẻ. Khi trở về nhà, mẹ chồng không nhìn mặt cháu, từ chối chăm sóc Laali vì cô không sinh được con trai.

Mỗi tối, khi ăn cơm cùng gia đình, cô luôn bị chửi bới; việc người trong làng sinh con trai luôn là cơn ác mộng đối với cô. Những điều này khiến Laali phải tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý và sử dụng thuốc. Sau hai lần phá thai và một lần phẫu thuật, các bác sĩ đều khuyên cô không nên mang thai.

Ấn Độ: Phụ nữ bị buộc phá thai vì gia đình muốn có con trai - Ảnh 2.

Nhiều gia đình ở Ấn Độ muốn có con trai bằng mọi cách

Hồi tháng 8, một phụ nữ 40 tuổi từ một gia đình thượng lưu giàu có ở Mumbai cho biết bị buộc phải phá thai 8 lần để thỏa mãn mong muốn có con trai của gia đình. Năm ngoái, ở Karnataka, miền nam Ấn Độ, một phụ nữ 28 tuổi đã chết sau những biến chứng trong lần thứ ba bị ép buộc phá thai.

Bhavna Joshi, 39 tuổi, đến từ Chittorgarh ở Rajasthan, đã mang thai 8 lần trong 11 năm kết hôn, cô cảm thấy vô cùng đau đớn khi nói về điều này. Trong quá khứ, Joshi đã được đưa đến vô số thầy lang để tìm cách sinh con trai, trải qua ba lần phá thai và mất đi hai đứa con. Mọi chuyện chỉ dừng lại cho đến khi cô sinh được con trai, hiện đã 5 tuổi.

Trong hai thập kỷ qua, xu hướng phá thai lựa chọn giới tính đã thay đổi. Nghiên cứu của Lancet cho thấy khi Ấn Độ ngày càng có nhiều gia đình hạt nhân, việc phá thai ở lần mang thai thứ ba trở nên phổ biến hơn nếu sau hai lần mang thai vẫn chưa có con trai. Đó là trường hợp của Meenakshi, 36 tuổi. Sau khi có hai con gái, Meenakshi được chồng đưa đi kiểm tra giới tính bào thai ở lần mang thai thứ 3. Cô đang mang thai 7 tháng và không được biết về kết quả kiểm tra. "Chồng và mẹ chồng tôi trông rất vui nên tôi nghĩ rằng tôi mang thai bé trai. Nếu không, họ đã giết nó trước khi được sinh ra", người phụ nữ nói.

Xã hội gia trưởng sâu sắc

Trong xã hội gia trưởng sâu sắc của Ấn Độ, quyền sinh sản và tình dục của phụ nữ vẫn là một điều rất xa vời. Những người phụ nữ như Meenakshi đang đấu tranh để được chấp nhận trong gia đình. Cha mẹ của Meenakshi nuôi nấng cô với mong muốn con gái được tự do sau khi kết hôn, nhưng mọi thứ lại trở nên tệ hại. Với Laali, quấy rối là điều cô luôn gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Mẹ của Laali từng 2 lần phá thai khi mang thai bé gái trong khi em gái cô cũng phá thai ít nhất 3 lần.

Cả Laali và Meenakshi đều bị cô lập trong xã hội, không được hỗ trợ về mặt tinh thần. Nói về trải nghiệm đã qua, hai người phụ nữ không thể cầm được nước mắt, các con gái giờ đã ở tuổi vị thành niên chỉ có thể an ủi mẹ bằng những cái ôm. Laali và Meenakshi vô cùng lo lắng về việc không thể bảo vệ con gái khỏi những tổn thương tương tự.

Con gái lớn của Meenakshi nhảy cẫng lên sung sướng khi nhìn thấy một chiếc máy bay lướt qua đầu, cô bé muốn trở thành phi công. "Mẹ ơi, mọi chuyện sẽ tốt hơn, và một ngày nào đó chúng ta sẽ bay cùng nhau, trên chiếc máy bay mà con sẽ lái", con gái Meenakshi nói khi thấy mẹ khóc.

Nguồn: The Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm