Hàn Quốc: Ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống độc thân

Kim Ngọc
29/12/2021 - 23:11
Hàn Quốc: Ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống độc thân

Ảnh minh họa

Ngày càng nhiều người Hàn Quốc lựa chọn cuộc sống độc thân. Họ cảm thấy muộn phiền bởi các chuẩn mực xã hội tập trung vào những người đã kết hôn.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc đang lựa chọn độc thân, quyết định tránh xa 3 cột mốc quan trọng của cuộc đời là hẹn hò, kết hôn và có con vì nhiều lý do, chẳng hạn không thể tìm được công việc tử tế trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài và giá nhà đất tăng chóng mặt.

Theo đó, Hàn Quốc đang phải vật lộn với tình trạng tỷ lệ sinh giảm liên tục. Năm ngoái, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Hàn Quốc - số con trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong cả cuộc đời đạt mức thấp kỷ lục là 0,84. Con số này thấp hơn nhiều so với mức thay thế là 2,1 để giữ cho dân số Hàn Quốc ổn định ở mức 51 triệu. Cơ quan thống kê cho biết ngoài xu hướng cơ bản là trì hoãn kết hôn, đại dịch COVID-19 cũng có thể ảnh hưởng đến dữ liệu hôn nhân.

Bất bình vì chuẩn mực xã hội tập trung vào những người đã kết hôn

Trên thực tế, nhiều người Hàn Quốc lựa chọn cuộc sống độc thân đang cảm thấy muộn phiền bởi các chuẩn mực xã hội tập trung vào những người đã kết hôn. Người độc thân sẽ phải tặng quà cho bạn bè đã kết hôn trong nhiều sự kiện hoặc ngày kỉ niệm cho dù họ không có bất kỳ cơ hội nào để được nhận lại điều tương tự.

Hankook Ilbo gần đây đưa tin về những người có ý định sống độc thân suốt đời, và lấy ví dụ về trường hợp của Kim, một nhân viên văn phòng 30 tuổi có nhóm bạn trung học, hầu hết đều đã kết hôn hoặc đang có ý định kết hôn. Khi một trong những người bạn đã kết hôn của Kim mang thai, bạn bè thường gợi ý tổ chức một "bữa tiệc tiết lộ giới tính", chi phí khoảng 300.000 won (khoảng 5,8 triệu đồng).

Buổi tiệc thường do công ty tổ chức sự kiện chuẩn bị, kèm theo bánh kem, bóng bay và các đồ trang trí khác để công bố giới tính em bé. Trước đó, Kim cho biết cô đã chi 200.000 won (khoảng 3,8 triệu đồng) cho bữa tiệc "bridal shower" (tiệc nhỏ cho cô dâu trước khi kết hôn) và 100.000 won (khoảng 1,8 triệu đồng) làm quà cưới cho người bạn.

Ngoài ra, Kim cũng nêu ra vô số sự kiện của bạn bè đã lập gai đình mà cô phải tham dự, chẳng hạn như tiệc tân gia, đầy tháng và thôi nôi của em bé. "Là một người độc thân, tôi không có bất kỳ sự kiện nào để được bạn bè chúc mừng và tặng quà lại tương tự", Kim nói.

Không chỉ có phụ nữ, tờ báo cũng nêu trường hợp một người đàn ông độc thân quyết định ngừng tham dự các lễ cưới. Người đàn ông cho biết có thời gian, anh đã tự hỏi tại sao bàn thân phải chi tiền và bỏ thời gian trong khi anh sẽ không bao giờ được nhận lại chúng.

Hàn Quốc: Người độc thân bất bình vì chuẩn mực xã hội tập trung vào hôn nhân - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc đang lựa chọn tránh xa 3 cột mốc quan trọng của cuộc đời là hẹn hò, kết hôn và sinh con

Độc thân là một lựa chọn

Than phiền ở những người lựa chọn chưa kết hôn ngày càng nhiều vì các chuẩn mực xã hội của Hàn Quốc vẫn coi hôn nhân là điều "bắt buộc" trong khi các số liệu thống kê cho thấy hôn nhân đã trở thành lựa chọn cá nhân đối với nhiều người.

Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, chỉ 16,8% người Hàn Quốc cho rằng hôn nhân là "bắt buộc", trong khi 41,4% xem đó là lựa chọn. Một cuộc khảo sát khác của các cổng thông tin việc làm Job Korea và Albamon cho thấy cứ 4 người trong độ tuổi 20 đến 30 thì có một người dự định không lập gia đình.

Theo điều tra dân số năm 2020 của Hàn Quốc, 2,82 triệu người ở độ tuổi 30 độc thân vào năm ngoái, tăng 2,68 triệu người so với 5 năm trước đó. Số liệu cho thấy tỷ lệ người chưa kết hôn ở độ tuổi 30 đạt 42,5% vào năm ngoái, tăng 6,2 điểm phần trăm so với 36,3% vào năm 2015. Tỷ lệ độc thân trên giới tính cho thấy 50,8% nam giới ở độ tuổi 30 vẫn chưa kết hôn, trong khi phụ nữ chiếm 33,6%.

Về lý do độc thân, nếu nam giới cho rằng giá nhà ở tăng cao và chi phí nuôi dạy con cái là những rào cản đối với hôn nhân, thì với phụ nữ, ngoài lý do muốn tập trung phát triển cho bản thân, vấn đề căng thẳng khi có các mối quan hệ gia đình mới hay phải tham gia các sự kiện gia đình là những điều khiến họ lựa chọn tránh xa hôn nhân.

Hankook Ilbo cũng chỉ ra việc đối xử bất công với những cặp đôi sống thử hoặc sống chung trước khi kết hôn. Theo một cuộc khảo sát của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, hơn một nửa số người sống chung với bạn đời mà không kết hôn cho biết không được hưởng phúc lợi công ty và phúc lợi thuế mà nhà nước hỗ trợ cho gia đình.

Nguồn: The Korea Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm