pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ấn Độ: Thảm họa từ "cơn bão" Covid-19
Không phải từ lễ hội Kumbh Mela truyền thống, lửa phát ra từ lò hỏa thiêu thi thể các nạn nhân qua đời vì Covid-19
Nhìn đâu cũng thấy tử thi
Shivi Shah là một cư dân sống ở Lucknow (Ấn Độ). Khi em trai cô dương tính với virus corona hồi tuần trước, Shah quyết định đưa cha mẹ tới ở nhà mình để tránh kịch bản xấu nhất. Nhưng tất cả đã quá muộn, cho cả cha và mẹ Shah. Chỉ sau 3 ngày, cha cô bắt đầu mất thị lực. 45 phút sau cuộc gọi khẩn cấp, một xe cấp cứu đến nhà riêng của Shah nhưng chiếc xe không được trang bị thiết bị y tế đủ để điều trị cho cha cô. Ông đã chết trên đường tới bệnh viện.
Không thể tìm được nơi để mai táng thi thể người cha, Shah tiếp tục đón tin dữ về mẹ. Mẹ cô qua đời chỉ sau đó vài giờ ngay trong giấc ngủ. Lúc này, cả Shah và con trai đều đã bị sốt, họ đang chờ kết quả xét nghiệm Covid-19.
"Không ai trong chúng tôi từng chứng kiến thảm cảnh và chết chóc như những gì đang xảy ra. Tình hình hiện nay tồi tệ khi có quá nhiều người chết ngay trên phố, chết tại nhà riêng trước khi được bác sĩ thăm khám hoặc nhận được kết quả xét nghiệm", Seema Shukla, y tá tại Viện Y khoa Sanjay Gandhi ở Lucknow, cho biết.
Ông Vimal Kapoor, người vừa mất mẹ do Covid-19, miêu tả tình hình trong thành phố Varanasi cũng hết sức nguy cấp. "Tôi thấy rất nhiều người chết dần trên xe cứu thương. Các bệnh viện buộc phải quay lưng với bệnh nhân vì không còn giường trống. Nhà thuốc không còn để bán, máy thở oxy thì thiếu hụt. Nhìn đâu cũng thấy xe cứu thương và thi thể", ông Kapoor chia sẻ.
Các cơ sở y tế trên khắp Ấn Độ quá tải vì số ca bệnh tăng chóng mặt, nhiều người chết ngay trên phố, trên xe cứu thương, khi còn chưa kịp được đưa tới bệnh viện. Các bệnh nhân tử vong trong cơn tuyệt vọng của người thân bởi họ không thể tìm được giường bệnh trống. Tại các cơ sở hỏa táng, lò thiêu luôn đỏ lửa suốt 24 giờ nhưng vô số thi thể người đã qua đời vẫn phải xếp hàng chờ.
Tại bang Gujarat, phía Tây Ấn Độ, những giàn hỏa thiêu liên tục đỏ lửa, đến mức những bộ phận kim loại bắt đầu nóng chảy. "Chúng tôi phải chạy đua với thời gian, làm việc với 100% công suất để kịp hỏa thiêu các thi thể", Kamlesh Sailor, Chủ tịch tổ chức điều hành cơ sở hỏa táng ở thành phố Surat, bang Gujarat, nói.
Nguyên nhân "thất thủ"
Các quan chức cảnh báo một loại biến chủng mới nhiều khả năng là nguyên nhân của làn sóng dịch bệnh chưa từng có hiện nay, biến chủng B.1.617 lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ hồi tháng 3. Các nhà khoa học đang nghiên cứu thêm về biến chủng này, nghi ngờ nó có khả năng lây lan mạnh hơn và kháng vaccine.
Ấn Độ đang trong đợt bùng phát Covid-19 thứ hai và cũng là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Tình hình đại dịch tại Ấn Độ lúc này được Guardian ví như "địa ngục Covid-19". Còn Thủ tướng Narendra Modi ví làn sóng lây nhiễm thứ 2 đánh vào Ấn Độ như "cơn bão", số ca nhiễm tăng mạnh ngoài kiểm soát, các bệnh viện không còn đủ giường, vật tư y tế thiếu thốn.
Tổng cộng trên 16,2 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 186.900 trường hợp thiệt mạng. Ngày 22/4, Ấn Độ phá kỷ lục thế giới về số ca nhiễm mới trong một ngày với 312.732 ca dương tính với virus. Tỷ lệ nhiễm bệnh tăng từ 3% vào tháng trước nay đã lên đến 16%. Cùng ngày, Ấn Độ cũng ghi nhận hơn 2.100 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số người chết do đại dịch của nước này lên trên 185.000 ca. Số người chết tăng cao trong bối cảnh các bệnh viện của Ấn Độ đã quá tải, cạn kiệt thuốc men và oxy y tế.
Bà Vineeta Bal, chuyên gia từ Viện Miễn dịch học quốc gia Ấn Độ, cho biết nguyên nhân của khủng hoảng hiện nay thậm chí có gốc rễ sâu xa hơn nhiều. Sự sụp đổ của hệ thống y tế là hậu quả của nhiều năm chính quyền bỏ quên cơ sở hạ tầng y tế công cộng. Tốc độ tiêm chủng đang chậm lại do hết vaccine và cả hệ thống y tế bị vỡ trận.
Tình trạng thiếu thốn được ghi nhận khắp Ấn Độ. Người dân không thể tìm được giường bệnh. Nhiều gia đình tuyệt vọng phải lên mạng xã hội cầu cứu. Trang thiết bị y tế cũng thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là oxy.
Đầu tháng 2, Ấn Độ dường như có thể kiểm soát được dịch bệnh. Lúc này, số ca nhiễm mỗi ngày chỉ hơn 10.000 - mức tăng được cho là thấp so với quốc gia 1,3 tỷ dân. Tới đầu tháng 3, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ tuyên bố nước này đã bước vào "giai đoạn cuối" của đại dịch. Các nhà quan sát cho rằng ngôn từ mang màu sắc chiến thắng như vậy khiến người dân lơ là các biện pháp phòng dịch, như giãn cách xã hội hoặc đeo khẩu trang.
Ngay cả Thủ tướng Narendra Modi và đảng Bharatiya Janata cầm quyền bị cáo buộc đặt lợi ích chính trị lên trên sức khỏe cộng đồng. Chính quyền đã tổ chức một loạt cuộc mít tinh quy mô lớn, cũng như cho phép tổ chức lễ hội Kumbh Mela với hàng triệu người tham dự ngay giữa làn sóng dịch bệnh thứ hai. Kumbh Mela là một nghi lễ tôn giáo quan trọng của đạo Hindu và là một trong những cuộc hành hương lớn nhất thế giới bắt đầu từ ngày 1/4 và sẽ kết thúc vào cuối tháng.