Trẻ em Ấn Độ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng

N.A
07/02/2021 - 06:00
Trẻ em Ấn Độ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng
Trẻ em Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại quốc gia Nam Á này vẫn có những diễn biến phức tạp.

Mới đây, kết quả khảo sát của tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc gia của Ấn Độ (NFHS) đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về mặt trái của quá trình tăng trưởng kinh tế ở quốc gia có hơn 1,35 tỷ dân này. Đằng sau sự lấp lánh của thị trường chứng khoán chạm đến tầm cao mới, là thực tế ảm đạm về tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em đang bùng phát ở Ấn Độ.

Tỷ lệ thấp còi của trẻ em Ấn Độ còn cao hơn ở châu Phi

Theo thống kê của ở NFHS, tại Ấn Độ, hiện có tới 37,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Con số này cao hơn 16% so với mức trung bình của châu Á (22%). Tình trạng trẻ em bị bỏ đói cũng rất nghiêm trọng với 20,8% trẻ em dưới 5 tuổi Ấn Độ bị thiếu ăn, cao hơn nhiều so với mức trung bình của châu Á (9%).

Báo cáo Dinh dưỡng Toàn cầu năm 2020 cũng đã chỉ ra rằng, 68% trẻ em dưới 5 tuổi tử vong ở Ấn Độ là do suy dinh dưỡng. Và theo thống kê mới nhất của NFHS, hơn 35% trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi và hơn 20% bị bỏ đói ở 18 trong số 22 tiểu bang theo dữ liệu được công bố. Con số đó lên tới 47 triệu trẻ em, nhiều hơn so với bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Theo quy luật thông thường, các quốc gia nào tăng trưởng về kinh tế, cải thiện về thu nhập thì tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, gầy còm sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, Ấn Độ lại là một trường hợp ngoại lệ khi mà tỷ lệ thấp còi của trẻ em nơi đây tương đương với các quốc gia nghèo nhất châu Phi. Thậm chí, tại nhiều bang của Ấn Độ, tình hình còn tồi tệ hơn so với các nước nghèo ở vùng cận Sahara của châu Phi.

Trẻ em Ấn Độ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng - Ảnh 1.

Tỷ lệ thấp còi của trẻ em Ấn Độ còn cao hơn ở châu Phi. Ảnh: Reuters

Ví dụ, các khu vực Bihar, Manipur, Tây Bengal có thu nhập bình quân đầu người tương tự như các quốc gia châu Phi, vùng cận Sahara như: Liberia, Tanzania, Zimbabwe trong khi tỷ lệ trẻ em thấp còi trung bình ở Bihar là 43%, Assam (35%), Tây Bengal (34%), cao hơn 10-12% so với Liberia (33%), Tanzania (32%) và Zimbabwe (3%).

Tình hình còn tồi tệ hơn khi chúng ta đề cập đến các bang có thu nhập khá như Goa, Maharashtra, Gujarat, Andhra Pradesh, Telangana, Karnataka với mức thu nhập bình quân đầu người tương tự như Peru, Ai Cập và Maroc. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em thấp còi trung bình ở Goa là 26%, Maharashtra (35%), Gujarat (39%), Telangana (33%), Karnataka (35%), cao hơn gần 10-15% so với Peru (12%), Ai Cập (22%) và Maroc (15%).

Trình độ hiểu biết của người mẹ quyết định tình trạng dinh dưỡng của trẻ em

Theo phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em thấp còi có thể do các yếu tố y tế và kinh tế xã hội. Các yếu tố y tế bao gồm di truyền (chiều cao của bố mẹ), khả năng tiếp cận dinh dưỡng và sức khỏe của mẹ (thiếu máu, BMI)…, còn có các yếu tố kinh tế gồm: chuyện thu nhập, tình trạng nghèo đói, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe…. Đặc biệt, trình độ học vấn của người mẹ, sự tham gia lực lượng lao động và các yếu tố xã hội, giai cấp, chủng tộc, địa vị và nơi ở của phụ nữ... luôn ảnh hưởng lớn đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ em.

Cụ thể, trình độ học vấn của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trung học trở lên, cùng với sự tham gia của lực lượng lao động nữ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ thấp còi của trẻ em. Trình độ hiểu biết của người mẹ chính là yếu tố quan trọng quyết định tình trạng dinh dưỡng của các con em của họ. Các bà mẹ biết chữ phải nhận thức được sức khỏe, dinh dưỡng và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Tình trạng trẻ em Ấn Độ thấp còi này còn phản ánh một thực tế tiêu cực là đa số phụ nữ Ấn Độ phải một mình gánh vác trách nhiệm nặng nề chăm sóc con cái mà không có sự hỗ trợ của người chồng.

Trẻ em Ấn Độ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng - Ảnh 2.

Trình độ hiểu biết của người mẹ quyết định tình trạng dinh dưỡng của trẻ em. Ảnh: AFP

Không những thế, sức khỏe của người mẹ, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cũng là vấn đề cần được quan tâm. Ấn Độ là một trong những quốc gia dễ bị thiếu máu nhất trên thế giới. Trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi lao động đặc biệt dễ bị tổn thương.

Một số nghiên cứu đã khám phá mối liên hệ chặt chẽ giữa thấp còi và sự hiện diện của bệnh thiếu máu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ví dụ, phụ nữ có chỉ số BMI thấp có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cao hơn và con của những bà mẹ bị thiếu máu có nguy cơ bị thấp còi hơn. Hệ lụy, một cái vòng luẩn quẩn thiếu máu và trẻ thấp còi - thấp còi của những bà mẹ thiếu máu càng có nguy cơ cao bị thiếu máu.

Khảo sát của NFHS cũng đã chỉ ra rằng, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị thiếu máu chiếm 59% ở Andhra Pradesh, 40% ở Goa, 63% ở Gujarat, 48% ở Karnataka, 55% ở Maharashtra và 58 phần trăm ở Telangana. Chỉ có giải quyết được những vấn đề này ở phụ nữ một cách rốt ráo, tình trạng trẻ em Ấn Độ bị còi cọc mới có thể được cải thiện trong tương lai.

Nguồn: indianexpress.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm