Người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên lái máy bay chiến đấu Rafale

N.A
12/01/2021 - 14:40
Người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên lái máy bay chiến đấu Rafale
Trang Hindustantimes.com mới đây đưa tin, trung úy Shivangi Singh đã trở thành người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên lái máy bay chiến đấu Rafale trong lực lượng không quân Ấn Độ (IAF).

Từ ước mơ chinh phục bầu trời

Shivangi sinh năm 1995 tại quận Muzaffarpur, tỉnh Bihar, Ấn Độ. Ngay từ bé, Shivangi đã có ước mơ trở thành phi công bởi một lần cô được chứng kiến một chính trị gia trực tiếp lái trực thăng đến dự một cuộc vận động bầu cử ở quê hương cô.

Ấn Độ vốn là quốc gia có "truyền thống" trọng nam khinh nữ và không khuyến khích phụ nữ học hành nhiều. Nhưng Shivangi may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Ông Hari Bhushan Singh, bố của cô là hiệu trưởng trường THPT dành cho nữ sinh, ngôi trường do chính ông nội của Shivangi thành lập. Mẹ của Shivangi chỉ làm nội trợ nhưng cũng rất ủng hộ chuyện học hành của con cái.

Sau khi có tấm bằng Cử nhân Công nghệ về Kỹ thuật Cơ khí tại Học viện Công nghệ Sikkim Manipal, Shivangi được giới thiệu vào Hải quân Ấn Độ. Đến tháng 6/2018, cô chính thức vào biên chế Hải quân Ấn Độ.

Shivangi Singh, người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên lái máy bay chiến đấu Rafale  - Ảnh 1.

Shivangi Singh tại Học viện Không quân Ấn Độ. Ảnh: hindustantimes.com

Shivangi tham gia khóa học Định hướng Hải quân tại Học viện Hải quân Ấn Độ. Sau đó, Shivangi tiếp tục học khóa thứ hai tại Học viện Không quân Ấn Độ, nơi cô được đào tạo trên máy bay Pilatus PC 7 MkII. Năm 2019, Shivangi học lái máy bay Dornier tại Phi đội Không quân Hải quân Ấn Độ 550. Shivangi trở thành nữ phi công chiến đấu đầu tiên của Hải quân Ấn Độ vào ngày 2/12/2019 và chuyên lái máy bay trinh sát hàng hải (MR) từ đó đến nay.

Đến kỳ tích trở thành nữ phi công Ấn Độ đầu tiên lái máy bay Rafale

Sự kiện Shivangi trở thành người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên lái máy bay chiến đấu Rafale có thể coi là kỳ tích ở quốc gia Nam Á này. Trước đây, phụ nữ không được tham gia các đơn vị chiến đấu như bộ binh, bộ binh cơ giới, quân đoàn thiết giáp, pháo binh… trong quân đội Ấn Độ. Khi ấy, chỉ một số ít phụ nữ trong ngành y mới được phép tham gia Lực lượng vũ trang. Sau đó, không quân Ấn Độ (IAF) là lực lượng đầu tiên đề xuất kế hoạch cho phép phụ nữ tham gia lái máy bay chiến đấu. Tiếp theo, lần lượt Hải quân và Lục quân bắt đầu bổ nhiệm phụ nữ trở thành sĩ quan của Ủy ban Dịch vụ Ngắn hạn vào năm 1992.

Năm 2016, Ấn Độ ký hợp đồng trị giá gần 7,9 tỷ USD để mua 36 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Tháng 7/2020, Ấn Độ đã nhận trước 5 chiếc Rafale tại căn cứ không quân Ambala, bang Haryana, miền Bắc Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã tổ chức lễ đón cực kỳ trang trọng với vòi rồng và đội danh dự để tiếp nhận bàn giao 5 chiến đấu cơ hiện đại của Pháp này. Dự kiến, Pháp sẽ bàn giao toàn bộ 36 máy bay Rafale cho IAF vào cuối năm 2021.

Shivangi là 1 trong 10 nữ phi công chiến đấu ở Ấn Độ và cô là người xuất sắc nhất. Chính vì vậy, Shivangi được lựa chọn là người phụ nữ đầu tiên lái chiếc máy bay chiến đấu hiện đại do Pháp sản xuất này. Rafale có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, đánh chặn tầm xa, tấn công mặt đất, trên biển và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Shivangi Singh, người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên lái máy bay chiến đấu Rafale  - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất. Ảnh: dassault-aviation.com

Rafale sở hữu hệ thống liên lạc hiện đại nhất, bao gồm radar đa nhiệm RBE2 (loại đầu tiên ở châu Âu với tính năng quét điện tử 2 tầng), tổ hợp trinh sát và bắt bám hồng ngoại IRST, hệ thống nhập lệnh bằng giọng nói, mũ phi công hiện đại có kính ngắm và màn hình, các hệ thống phòng thủ điện tử, và theo dõi bằng laser OSF.

The Aviationist, phương Tây luôn xếp Rafale trên Su-35 của Nga trong các bảng xếp hạng chiến đấu cơ mạnh nhất thế giới, do có tín hiệu radar nhỏ hơn nhiều so với Su-35, cũng như có các tính năng bay tốt hơn.

Nhờ có cánh ngang phía trước, Rafale có thể vào góc tấn lớn cũng như liệng nhanh hơn; tốc độ leo cao của Rafale là 305m/s, cho phép Rafale thực hiện chớp nhoáng vòng ngoặt về bất cứ hướng nào - vượt trội so với Su-35 (280m/s), tạo nên trong sự cơ động và hiệu quả.

Khả năng linh hoạt, đối kháng điện tử mạnh cùng với kho vũ khí hủy diệt được tích hợp, Rafale thực sự là đối thủ đáng sợ cho bất kỳ tiêm kích nào khi phải đối đầu với chiến đấu cơ được Pháp gọi là "phượng hoàng của bầu trời" này.

IAF rất kỳ vọng vào những chiếc Rafale mới mua này trong nhiệm vụ bảo vệ không phận của Ấn Độ. Và với tư cách là người phụ nữ đầu tiên lái máy bay chiến đấu Rafale, Shivangi cũng rất tự hào với gia đình và bạn bè về những gì cô đã làm được trong thời gian qua.

Nguồn: hindustantimes.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm