Ấn Độ: Trung bình mỗi ngày có 61 phụ nữ nội trợ tự tử

Kim Ngọc
18/12/2021 - 14:30
Ấn Độ: Trung bình mỗi ngày có 61 phụ nữ nội trợ tự tử

Ảnh: Getty Image

Một trong những nguyên nhân chính khiến phụ nữ nội trợ Ấn Độ tự tử là bạo lực gia đình và công việc nội trợ vất vả. Họ không tìm được người cùng san sẻ nỗi lòng, bế tắc và tuyệt vọng, dẫn đến tự tử.

Theo dữ liệu được công bố gần đây từ Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia (NCRB) của chính phủ, có 22.372 phụ nữ nội trợ tự sát vào năm 2020 - tức trung bình mỗi ngày có 61 phụ nữ tự tử hoặc cứ mỗi 25 phút có một người tự kết liễu đời mình. Phụ nữ nội trợ chiếm 14,6% trong tổng số 153.052 vụ tự tử được ghi nhận ở Ấn Độ trong năm 2020 và hơn 50% trường hợp phụ nữ tự tử trên toàn thế giới.

Kể từ năm 1997, khi NCRB bắt đầu tổng hợp dữ liệu về số lượng người tự tử dựa theo nghề nghiệp, kết quả cho thấy hơn 20.000 phụ nữ nội trợ đã tự sát mỗi năm. Năm 2009, con số này tăng lên đến 25.092.

Các báo cáo cho rằng, nguyên nhân tự tử đến từ "các vấn đề gia đình" hoặc "các vấn đề liên quan đến hôn nhân". Nhưng điều gì thực sự khiến hàng nghìn phụ nữ phải lấy đi mạng sống của mình? Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, một lý do chính là bạo lực gia đình tràn lan. Trong một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ, 30% phụ nữ cho biết họ đã phải đối mặt với bạo lực gia đình từ chồng, trong khi công việc nội trợ vất vả hàng ngày khiến hôn nhân và cuộc sống gia đình trở nên ngột ngạt.

Cảm giác bế tắc, hành động bộc phát

Theo Tiến sĩ Usha Verma Srivastava, nhà tâm lý học lâm sàng ở thành phố Varanasi, miền Bắc Ấn Độ, phụ nữ cũng là những người kiên cường, nhưng sức chịu đựng của họ có giới hạn. "Hầu hết nữ giới đều kết hôn ngay khi bước sang tuổi 18 - độ tuổi hợp pháp để kết hôn. Họ trở thành người vợ, người con dâu và dành toàn bộ thời gian ở nhà để nấu nướng, dọn dẹp hay làm công việc nhà. Những giới hạn này đè nặng lên đôi vai của các cô gái, khiến họ có rất ít tự do cá nhân và hiếm khi có thu nhập cho riêng mình. Học vấn và ước mơ không thể theo đuổi, những tham vọng cũng dần vụt tắt, cảm giác bế tắc và tuyệt vọng dần xâm lấn và trở thành cực hình đối với họ".

Ấn Độ: Trung bình mỗi ngày có 61 phụ nữ nội trợ tự tử - Ảnh 1.

Việc nhà ở Ấn Độ thường là trách nhiệm của phụ nữ

Với phụ nữ lớn tuổi, có nhiều nguyên nhân tự tử khác nhau. Nhiều phụ nữ phải đối mặt với hội chứng "chiếc tổ trống" (hội chứng chỉ tình trạng buồn bã và đơn độc khi cha mẹ chia tay những đứa con trưởng thành để đi học xa hoặc lập nghiệp) hay một số gặp các triệu chứng tiền mãn kinh có thể gây trầm cảm và quấy khóc, tiến sĩ Usha Verma Srivastava cho biết. Tuy nhiên, theo tiến sĩ, việc phụ nữ tự tử có thể ngăn chặn được nếu cố gắng ngăn cản trước khi họ tự tử một vài giây.

Ngoài ra, bác sĩ tâm thần Soumitra Pathare giải thích nhiều vụ tự tử ở Ấn Độ là do bộc phát nhất thời. Người đàn ông về đến nhà, đánh đập phụ nữ, và họ lựa chọn tự tử. Ông cho biết, một nghiên cứu độc lập cho thấy 1/3 phụ nữ Ấn Độ tự kết liễu đời mình có tiền sử bị bạo lực gia đình, nhưng bạo lực gia đình thậm chí không được đề cập trong dữ liệu của NCRB như một nguyên nhân.

Không thể giãi bày cảm xúc

Chaitali Sinha, nhà tâm lý học phụ trách một ứng dụng chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Bangalore, cho biết "rất nhiều phụ nữ sống trong tình trạng bạo lực gia đình vẫn giữ được tỉnh táo nhờ những hỗ trợ không chính thức". Sinha từng có thời 3 năm làm việc trong một bệnh viện tâm thần của chính phủ ở Mumbai, tư vấn cho những người sống sót sau khi cố gắng tự tử. Theo Sinha, phụ nữ nội trợ ít lập các nhóm hỗ trợ nhau. "Họ không có cách nào khác để giãi bày lòng mình, và đôi khi sự tỉnh táo chỉ phụ thuộc vào cuộc trò chuyện mà họ có thể thổ lộ với ai đó", cô nói.

Ấn Độ: Trung bình mỗi ngày có 61 phụ nữ nội trợ tự tử - Ảnh 2.

Phụ nữ nội trợ có ít không gian để giãi bày cảm xúc, đặc biệt là trong đại dịch

Sinha cũng lưu ý, đại dịch và những lần phong tỏa đã khiến tình hình của phụ nữ nội trợ trở nên tồi tệ hơn. Phụ nữ nội trợ đã từng có không gian an toàn khi đàn ông đi làm, nhưng đại dịch đã cướp đi nó. Với những người sống trong bạo lực gia đình, đại dịch khiến họ thường xuyên bị mắc kẹt với những kẻ bạo hành. Chưa kể, đại dịch còn hạn chế khả năng di chuyển và làm những việc giúp mang lại niềm vui hoặc an ủi của phụ nữ. Vì vậy, tức giận, tổn thương cùng buồn bực tích tụ theo thời gian khiến họ lựa chọn phương sách cuối cùng là tự tử để giải thoát.

Vấn nạn tự tử ở Ấn Độ

Ấn Độ là quốc gia có số vụ tự tử cao nhất trên thế giới: nam giới Ấn Độ chiếm 25% số vụ tự tử toàn cầu, trong khi phụ nữ chiếm 36% ở nhóm đối tượng từ 15 đến 39 tuổi. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Pathare, người đã nghiên cứu về rối loạn tâm thần và phòng chống tự tử, con số chính thức của Ấn Độ là thấp hơn thực tế và không phản ánh được quy mô thực sự của vấn đề. Các vụ tự tử ở Ấn Độ được báo cáo thấp hơn với tỷ lệ từ 30% đến 100%.

Ông cho biết tự tử vẫn chưa được nói đến một cách công khai, nó gắn liền với xấu hổ và kỳ thị nên nhiều gia đình cố gắng che giấu. Các vùng nông thôn Ấn Độ không bắt buộc khám nghiệm tử thi, những gia đình giàu có thường dựa vào cảnh sát đại phương để biến các vụ tự tử thành chết do đột tử.

Vào thời điểm Ấn Độ đang phát triển một chiến lược quốc gia phòng chống tự tử, tiến sĩ Pathare cho biết, ưu tiên hàng đầu phải là vấn đề khắc phục chất lượng dữ liệu. "Con số thống kê số lượng người có ý định tự tử ở Ấn Độ rất thấp. Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, con số này thường gấp 4 đến 20 lần số vụ tự tử thực sự. Vì vậy, nếu Ấn Độ ghi nhận 150.000 vụ tự tử vào năm ngoái, thì số người có ý định tự tử sẽ là từ 600.000 đến 6 triệu".

Theo Pathare, mục tiêu của Liên Hợp Quốc là giảm 1/3 số vụ tự tử trên toàn cầu vào năm 2030, nhưng trong năm qua, con số này đã tăng 10% so với năm trước đó.

Nguồn: BBC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm