pnvnonline@phunuvietnam.vn
An Giang: Hội LHPN huyện An Phú tích cực xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh
Diện mạo NTM ở An Phú ngày một khởi sắc. Ảnh: TL
Hội LHPN huyện An Phú, tỉnh An Giang, có 14 cơ sở Hội với trên 26.000 hội viên. Góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao và đô thị văn minh, Hội LHPN các cấp trong huyện đã chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể tập trung vận động hội viên phụ nữ phát huy nội lực cùng cả hệ thống chính trị xây dựng NTM. Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp hội viên phụ nữ và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; vận động phụ nữ tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của trên nhiều lĩnh vực, thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng NTM do Hội đảm nhận.
Trong năm 2022, Hội LHPN huyện đã thực hiện công trình tuyến đường hoa tại ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng với chiều dài 900m. Hội LHPN các xã, thị trấn đã thành lập mới 04 mô hình và duy trì 14 mô hình bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn thực hiện các công trình, phần việc như: thắp sáng lộ giao thông nông thôn, đoạn đường văn minh, làm cột cờ thẳng tắp, trồng 2,7km cây xanh và hoa các loại...
Ngoài việc hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày môi trường thế giới, các cơ sở Hội trong huyện đã phối hợp với các ban, đơn vị, đoàn thể khác tổ chức được 07 cuộc tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh môi trường cho hội viên, phụ nữ; xử lý 10,26 tấn rác, khơi thông 2.300m cống rãnh, vệ sinh 27,2 km khu vực công cộng, đường giao thông; trồng và chăm sóc 10.645 cây xanh và hoa các loại; cấp phát 1.246 kg túi nilon dễ phân hủy cho hội viên phụ nữ dùng trong sinh hoạt gia đình.
Nói về nhiệm vụ của các cấp Hội LHPN An Phú trong công cuộc xây dựng NTM, Chủ tịch Hội LHPN huyện An Phú Nguyễn Thị Kim Uyên cho biết, nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của phụ nữ tham gia xây dựng NTM, NTM nâng cao, thời gian qua, các cấp hội trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia xây dựng NTM, NTM nâng cao và đô thị văn minh. Việc thực hiện xây dựng NTM được lồng ghép với các phong trào do Hội phát động như: tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, vận động xã hội; thực hiện bình đẳng giới; "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; gia đình "5 không, 3 sạch"; Hỗ trợ phụ nữ phát triển, hội nhập và vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam,…
"Để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trong đó có các phần việc của Hội LHPN các cấp, Hội LHPN các xã, thị trấn trong huyện An Phú xác định rõ nội dung ưu tiên cần tập trung thực hiện đó là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia các phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", hỗ trợ hội viên vay vốn lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất…", bà Kim Uyên nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay, các cơ sở Hội trên toàn huyện An Phú đang quản lý 97 tổ với 4.776 hộ vay, tổng dư nợ trên 118 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2023, các cơ sở Hội đã thành lập mới và duy trì 23 tổ hùn vốn xoay vòng; 08 chi tổ hội tiết kiệm với tổng số vốn trên 1,6 tỷ đồng. Từ các hoạt động, các cơ sở Hội đã giúp 22 hộ thoát nghèo bền vững, 19 hộ khởi nghiệp thành công…
Với những hành động cụ thể, việc làm thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn huyện An Phú đã tạo nên những chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao.
Chủ tịch Hội LHPN huyện An Phú Nguyễn Thị Kim Uyên cho biết, trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục chỉ đạo 100% các chi Hội tham gia xây dựng NTM, NTM nâng cao bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Hội LHPN huyện chú trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền xây dựng NTM, phát hiện, bồi dưỡng các cá nhân, tập thể có thành tích cao trong xây NTM để khen thưởng, biểu dương,… qua đó, phát huy vai trò của phụ nữ trong phong trào, lan tỏa ý nghĩa chương trình, huy động cả cộng đồng cùng chung tay hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí NTM, NTM nâng cao theo lộ trình.
Có thể nói, nhờ sự chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó có đông đảo lực lượng hội viên phụ nữ, diện mạo nông thôn huyện An Phú ngày càng khởi sắc. Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tư cải tạo, nâng cấp các trường học đảm bảo điều kiện giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ cơ sở được phát huy… Được biết, phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn huyện An Phú có 16 ấp của 5 xã được công nhận đạt chuẩn ấp NTM, đạt tỷ lệ 70%.
* Thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương