Ân hận vì chỉ biết báo đáp mẹ bằng vật chất

21/03/2018 - 20:10
Tôi chưa dành thời gian cảm nhận điều mong đợi thiết tha của mẹ chỉ đơn giản là những cuộc thăm viếng, những lời tâm tình. Bỗng dưng, tôi tha thiết được trở về quê, được ngả đầu vào lòng mẹ.
Máy bay lỡ chuyến. Cuộc gặp gỡ với đối tác quan trọng có nguy cơ bị muộn. Tôi ngồi ở phòng chờ mà ruột gan như lửa đốt. Trái ngược với tâm trạng sốt sắng của tôi là sự thong dong của hai cụ bà ở ghế đối diện. Qua câu chuyện văng vẳng bên tai, tôi biết họ mới quen trong lúc chờ người nhà làm thủ tục bay.

Hai cụ, một là mẹ doanh nhân thành đạt, một là đấng sinh thành lãnh đạo tỉnh. Người ngoài nhìn vào với ánh mắt ngưỡng mộ nhưng bản thân những bà mẹ ấy lại có nỗi khổ riêng.
anh123.jpg
Ông bà hạnh phúc sum vầy bên con cháu. Ảnh minh họa: Internet

- Chúng nó bận tối ngày, việc chăm sóc, giáo dục con cái còn phó thác hết cho gia sư và người giúp việc, thời gian đâu mà để ý đến bà mẹ già lẩm cẩm này. Nguyện vọng của tôi là sống ở quê cho gần tổ tiên, xóm giềng nhưng đứa nào cũng gạt phắt đi. Phần vì sợ dân làng dị nghị không phụng dưỡng mẹ, phần vì ngại về quê nên ép tôi phải lên đây.

- Tôi cũng như bà, lòng lúc nào cũng da diết nhớ ngôi nhà, mảnh vườn gần một đời gắn bó. Ở đây mâm cao cỗ đầy mà cứ thèm những món bình dân dưới quê, bà ạ. Thật lòng, tôi bí bách như thể tù giam lỏng. Mỗi lần về quê thấy khỏe khoắn hơn hẳn.

Con cái bận rộn đi làm từ sáng sớm đến khuya mới trở về, sao thấy được nỗi cô đơn của mẹ. Đấy, kêu buồn, kêu chán quá thì chúng nó đặt cho tour du lịch, thuê luôn cả hướng dẫn viên phục vụ mọi nhu cầu.

Khóe mắt hai bà cụ đều ngân ngấn nước. Vẻ rầu rĩ của họ trông tội nghiệp, đối lập hoàn toàn với những bộ quần áo sang trọng cùng những trang sức đắt tiền đeo trên người. Tôi chột dạ nghĩ về mẹ mình.

Nhà có hai anh em. Anh trai làm công nhân ở quê, cuộc sống chỉ đủ ăn đủ tiêu, tôi chủ động cáng đáng, lo toan cho mẹ. Khi tôi chi tiền tỉ xây ngôi nhà hai tầng khang trang trên nền đất cũ, sắm sửa những tiện nghi hiện đại, cả làng, cả xã trầm trồ tán dương tôi là đứa con hiếu thảo.

Tôi thuê người hàng ngày đến nấu cơm, giặt giũ quần áo, dọn vườn dù mẹ khăng khăng bảo còn khỏe, thích tự chăm sóc mình, hơn nữa còn có gia đình anh trai ở kế bên. Đều đặn hàng tháng, tôi đặt mua ở siêu thị những đồ dùng phục vụ sinh hoạt và thực phẩm bổ dưỡng rồi sai lái xe chở về quê biếu mẹ.

Tôi mở tài khoản ngân hàng, dặn anh trai nếu mẹ thích đi chơi hoặc mua sắm thứ gì, cứ chiều theo ý mẹ. Anh tỏ ra hờ hững: “Cô bày vẽ làm gì cho tốn kém. Mẹ sống mộc mạc quen rồi. Chỉ cần thi thoảng cô bớt chút thời gian đưa cháu về thăm mẹ, thường xuyên gọi điện trò chuyện còn ý nghĩa hơn mọi món quà. Lần nào nhà có công có việc cô cũng về chớp nhoáng rồi đi ngay, mẹ cứ rơm rớm nước mắt, lặng lẽ nhìn theo”.

Tôi đã từng ức chế trước những lời giáo huấn của anh trai. Thậm chí tôi còn gay gắt phản ứng lại. Những dự án kinh doanh, những bản hợp đồng, những chuyến công tác trong và ngoài nước, những bữa tiệc gặp gỡ đối tác... đã trở thành guồng quay khiến nhiều lúc tôi còn không có thời gian nghỉ ngơi, nói gì đến quê với quán.

Thời buổi này, kiếm được đồng tiền đâu có dễ dàng. Nhưng xem ra anh trai tôi không chịu hiểu. Lễ tết, giỗ chạp... anh đều gọi điện hối thúc tôi về. Anh bảo, chẳng  gì có thể níu giữ được thời gian nên phải trân quý những khoảnh khắc sum họp gia đình.

Tôi không đồng tình với quan điểm đó. Thời đại nào rồi mà còn mang nặng tư tưởng quẩn quanh bên lũy tre làng. Thà rằng định cư ở nước ngoài nhưng thường xuyên gửi tiền để cha mẹ yên tâm dưỡng già còn hơn là cứ ru rú bên cạnh nhưng chẳng đỡ đần được gì, thậm chí còn trở thành gánh nặng. Tôi còn xẵng giọng bảo mẹ có kêu ca gì đâu mà anh cứ vẽ chuyện.

Thử hỏi khi đau ốm vào bệnh viện mà thiếu tiền có chữa trị được không? Khi muốn đi thăm thú nơi này nơi kia mà điều kiện kinh tế hạn hẹp liệu có thỏa ước nguyện? Vậy nên, hiếu thảo đâu thể bằng lời nói suông.

Tôi từng nghĩ mình đúng nhưng vô tình nghe được tâm tư của những bậc tiền bối, tôi bỗng giật mình thảng thốt. Chưa bao giờ tôi nhìn sâu vào mắt mẹ và tự hỏi lòng rằng, mẹ mong chờ gì ở tôi. Sự báo đáp bằng vật chất của tôi liệu có mang lại niềm vui cho mẹ?

Những lần tôi về quê chớp nhoáng, những buổi lễ tết, giỗ chạp tôi vắng mặt có làm mẹ buồn? Bao câu hỏi chợt ùa về. Ở tuổi tôi, đôi khi sự kiêu hãnh thể hiện bằng nấc thang thăng tiến, khối tài sản kếch sù và cả những mối quan hệ hào nhoáng.

Tôi chưa dành thời gian cảm nhận điều mong đợi thiết tha của mẹ chỉ đơn giản là những cuộc thăm viếng, những lời tâm tình. Bỗng dưng, tôi tha thiết được trở về quê, được ngả đầu vào lòng mẹ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm