Ăn ít đi nhưng vẫn tăng cân, người phụ nữ phát hiện mắc viêm gan nhiễm mỡ

Ngọc Ái
27/03/2023 - 14:25
Ăn ít đi nhưng vẫn tăng cân, người phụ nữ phát hiện mắc viêm gan nhiễm mỡ

Ảnh minh họa

Bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng phổ biến và trẻ hóa nhanh chóng. Một trong những nguyên nhân chính là chế độ ăn uống không lành mạnh.

Theo báo cáo khoa học của nhóm bác sĩ - nhà nghiên cứu đứng đầu là Kiarash Riazi (Đại học Calgary, Canada), tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ trên toàn thế giới là 32,4%. Nhóm nghiên cứu cũng nhận định rằng tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với ước tính trước đây và đang tiếp tục gia tăng ở mức báo động.

Ngoài ra, tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ ở nam giới cao hơn đáng kể so với nữ giới. Nghiên cứu này phân tích số liệu lâm sàng từ năm 2000 - 2021 của nhiều quốc gia và được đăng tải trên Tạp chí y học The Lancet vào năm 2022.

Nghiên cứu 2020 của nhóm nhà khoa học Nhật Bản, đứng đầu là Tiến sĩ Yuichiro Eguchi (Trung tâm Gan, Bệnh viện Đại học Saga, Nhật Bản) cho thấy tỷ lệ gan nhiễm mỡ tại nước này tăng rất nhanh. Vào những năm 1990 chỉ rơi vào 12,9% nhưng hiện nay dao động trong khoảng 26,4 - 34,7%. Đặc biệt, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu khá phổ biến, nam nhiều hơn nữ nhưng ở nữ lại thường gây các biến chứng nặng nề hơn.

Người phụ nữ bất ngờ phát hiện gan nhiễm mỡ vì mê bánh ngọt

Tiến sĩ Tetsuo Ogata là bác sĩ phẫu thuật nhiều năm tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Kokubo Asama (Saku, Nagano, Nhật Bản). Ông chia sẻ, rất nhiều người cho rằng chỉ những người thường xuyên uống bia rượu mới bị gan nhiễm mỡ nhưng thực tế thì không phải. Những thói quen ăn uống không lành mạnh cũng rất nhanh dẫn tới bệnh gan nhiễm mỡ, thậm chí là ung thư gan.

Để lấy dẫn chứng, ông kể về một trường hợp bệnh nhân nữ ngoài 40 tuổi khiến ông ấn tượng nhất trong 3 tháng trở lại đây. Cụ thể, bà Emi (tên nhân vật đã được thay đổi) tìm đến bệnh viện vì tăng cân bất thường. Tiến sĩ Tetsuo giải thích thêm, phụ nữ ở Nhật Bản thường ưa chuộng thân hình mảnh mai và rất chú trọng kiểm soát cân nặng. Đó là lý do bà Emi quyết định ăn ít đi để duy trì vóc dáng khi bước sang tuổi 40 vì nghĩ rằng tuổi trung niên dễ tăng cân hơn.

Thế nhưng, không hiểu sao nửa năm trời bà liên tục tăng đều đặn mỗi tháng 1kg. Chăm chỉ tập thể dục cũng không thể cải thiện nên bà Emi quyết định tìm đến bác sĩ tiêu hóa. Kết quả kiểm tra cho thấy bà bị gan nhiễm mỡ nặng, thậm chí đã bắt đầu bước sang giai đoạn viêm gan nhiễm mỡ.

Tiến sĩ Tetsuo cho biết, tỷ lệ mỡ cơ thể của bệnh nhân là 45,9%, chỉ số gan và đường huyết đều không bình thường. Bệnh nhân trở nên suy sụp và òa khóc rất lâu khi biết tình hình sức khỏe của mình. Bà nói rằng mình không thể chấp nhận được sự thật này bởi mình vốn chẳng bao giờ uống rượu bia, cũng không thức khuya và còn tập thể dục.

Tuy nhiên, điều tra bệnh sử cho thấy nguyên nhân gây bệnh là một món ăn “khoái khẩu” của bệnh nhân. Hóa ra từ thời còn son trẻ bà Emi đã rất mê bánh ngọt. Bà thích bánh ngọt đến mức gần như ngày nào cũng ăn một cái, sau này còn học và thường xuyên tự làm bánh tại nhà.

Dấu hiệu nhận biết và biến chứng nguy hiểm của gan nhiễm mỡ

Theo giải thích của Tiến sĩ Tetsuo, gan có nhiệm vụ chuyển hóa các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể sống, trong đó có đường. Đường phổ biến có 2 loại: glucose và fructose. Glucose chuyển hóa ở mọi tế bào trong cơ thể trong khi fructose có trong chế độ ăn uống, chỉ chuyển hóa ở gan.

Nếu ăn lượng vừa phải fructose chúng sẽ biến thành glycogen sau đó được lưu trữ ở gan. Nhưng ăn quá nhiều fructose sẽ làm gan quá tải, gan sẽ đầy glycogen buộc biến fructose thành chất béo tích tụ ở gan và các bộ phận trong cơ thể gây bệnh gan nhiễm mỡ và hội chứng chuyển hóa. Vì vậy, không chỉ bánh ngọt nói riêng mà các món đồ ăn ngọt, bao gồm cả trái cây có chỉ số đường huyết cao hay nước ngọt có ga… đều có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ nếu tiêu thụ nhiều.

Ông nhấn mạnh thêm rằng, đường nhiên không thể bỏ qua gan nhiễm mỡ do rượu bia. Uống rượu bia làm tăng huy động mỡ từ các mô dự trữ, làm tăng cacbonhidrat và axit glucose photphat do gan bị giảm chức năng, dẫn đến tăng este axit béo, và cuối cùng là tăng tạo triglyceride. Đồng thời, rượu bia làm giảm oxy hóa axit béo ở ngoài gan. Sự suy giảm chức năng gan kết hợp với chế độ dinh dưỡng kém ở người uống rượu sẽ hạn chế quá trình tổng hợp lipoprotein và ức chế sự thải mỡ ở gan, làm tăng nhiễm mỡ ở gan.

Gan nhiễm mỡ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bao gồm viêm gan, xơ gan, ung thư gan và ảnh hưởng tiêu cực tới hệ tim mạch. Bên cạnh đó, gan nhiễm mỡ tiến triển nặng còn có thể làm rối loạn rất nhiều cơ quan khác như gây ung thư đại - trực tràng, bệnh chuyển hóa như loãng xương, bệnh dự trữ glycogen, thiếu hụt vitamin D, loạn dưỡng mỡ… Những biến chứng này kết hợp lại sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đe dọa tính mạng người bệnh.

Ăn ít đi nhưng vẫn tăng cân, người phụ nữ phát hiện mắc viêm gan nhiễm mỡ - Ảnh 2.

Bệnh gan nhiễm mỡ có thể tiến triển thành xơ gan, viêm gan, ung thư gan (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Tetsuo bày tỏ lo ngại khi gan nhiễm mỡ ở những giai đoạn đầu thường khó phát hiện, thường chỉ có các dấu hiệu rõ ràng sau ở giai đoạn tiến triển:

- Tăng cân bất thường, nhất là vùng bụng.

- Chán ăn, ăn ít đi (nhưng vẫn tăng cân)

- Đau hoặc khó chịu ở bụng trên bên phải.

- Có thể có vàng da và vàng mắt, nước tiểu vàng hoặc sậm màu

Cho đến khi có xơ gan có thể xuất hiện thêm các biểu hiện như:

- Cổ trướng bụng, phù nề chân.

- Giãn nở mạch máu dưới da.

- Lá lách to.

- Xuất huyết tiêu hóa.

- Phù chân.

- Đỏ lòng bàn tay.

- Ngứa da.

Vì vậy, ông khuyên mỗi chúng ta nên tránh xa bia rượu, đồ ngọt, các món quá nhiều dầu mỡ.. để xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với gan. Ngoài ra, nên sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ, tập luyện thể dục thể thao đều đặn để giảm nguy cơ mắc bệnh gan. Cũng nên khám sức khỏe, siêu âm gan định kỳ để phát hiện và điều trị sớm gan nhiễm mỡ.

Nguồn: HK01, The Lancet, Asia One
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm