pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ăn mít có nóng không, câu trả lời sẽ khiến nhiều người bất ngờ

Việt Nam có rất nhiều loại mít, từ mít mật, mít dai, mít tố nữ, mít nghệ,... Không chỉ là loại trái cây để ăn mà theo Y học cổ truyền, quả mít cũng là một vị thuốc đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy vậy thì ăn mít có nóng không, ai không nên ăn mít,... không phải ai cũng biết.
1. Ăn mít có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Trước khi tìm hiểu xem ăn mít có nóng không hay ăn mít có nổi mụn không thì cùng điểm qua một số lợi ích sức khỏe khi ăn mít dựa trên các nghiên cứu khoa học. Nhờ thành phần dinh dưỡng dồi dào mà quả mít là loại trái cây đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khi ăn đúng cách.

Ăn mít có tác dụng gì đối với sức khỏe? Ảnh: ST
Theo Healthline, ăn mít có thể đem lại các tác dụng như:
- Giá trị dinh dưỡng ấn tượng: Quả mít chứa hầu hết các loại vitamin và khoáng chất mà cơ thể chúng ta cần hàng ngày kèm theo lượng lớn chất xơ và carbohydrate. Theo USDA, 165 gam mít cung cấp khoảng 155 calo, 40 gam carbohydrate, 3 gam chất xơ, 3 gam protein, 10% RDI vitamin A, 18% RDI vitamin C, 11% RDI riboflavin, 15% RDI magie,14% RDI kali, 15% RDI đồng, 16% RDI mangan,... cùng nhiều chất chống oxy hóa khác như proanthocyanidin và flavonoid, carotenoid gồm all-trans-lutein, all-trans- β -carotene, all-trans-neoxanthin và 9-cis-vio-laxanthin.
- Tăng cường sức khỏe tim mạch: Mít rất giàu một số chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe tim mạch, bao gồm kali. Kali là một khoáng chất thiết yếu được biết đến với tác dụng điều hòa huyết áp bằng cách làm giãn mạch máu và thúc đẩy bài tiết natri qua nước tiểu.
Các nghiên cứu cho thấy những người hấp thụ kali thấp có nhiều khả năng bị huyết áp cao hơn những người hấp thụ đủ kali. Hơn nữa, những người bị huyết áp cao, cứ mỗi 0,6 gam kali trong chế độ ăn uống tăng lên mỗi ngày thì có liên quan đến việc giảm 1 milimét thủy ngân (mmHg) huyết áp tâm thu và giảm 0,52 mmHg huyết áp tâm trương. Một cốc mít thái lát chứa 739 miligam (mg) kali, chiếm 16% Giá trị hàng ngày (DV) của bạn đối với chất dinh dưỡng quan trọng này.
Ngoài kali, mít còn chứa các chất dinh dưỡng tốt cho tim khác, chẳng hạn như magie, một chất dinh dưỡng cũng quan trọng trong việc điều hòa huyết áp cùng với chất xơ giúp hỗ trợ mức cholesterol lành mạnh.

Mít giàu kali tốt cho sức khỏe tim mạch (Ảnh: ST)
- Tốt cho xương: Magie trong mít giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi. Điều này giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa các tình trạng như loãng xương.
- Đặc tính chống oxy hóa: Mít chứa nhiều hợp chất dinh dưỡng có đặc tính chống oxy hóa mạnh có lợi cho sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc một số bệnh, chẳng hạn:
+ Vitamin C: Mít cung cấp hàm lượng cao vitamin C giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm có thể dẫn tới các bệnh mãn tính như bệnh tim và ung thư.
+ Carotenoid và flavonone: Có đặc tính chống viêm giúp hạ đường huyết, kiểm soát huyết áp, giảm cholesterol có lợi đối với nguy cơ mắc tiểu đường type 2 và bệnh tim.
+ Tăng miễn dịch: Nhờ giàu vitamin C và vitamin A, ăn mít được cho là có lợi giúp nâng cao miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng do virus. Ngoài ra, mít cũng chứa vitamin B6. Đây là một loại vitamin nhóm B cần thiết cho quá trình chuyển hóa protein, chức năng miễn dịch, sản xuất chất dẫn truyền thần kinh và điều hòa axit amin homocysteine. Homocysteine có trong cơ thể bạn với một lượng nhỏ. Tuy nhiên, nồng độ homocysteine tăng cao có thể gây hại cho sức khỏe bằng cách thúc đẩy tình trạng viêm và stress oxy hóa, có thể làm tăng nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe, bao gồm suy giảm nhận thức, bệnh tim và trầm cảm. Đây là lý do tại sao việc duy trì mức tối ưu các chất dinh dưỡng điều hòa homocysteine, như folate và B6, lại quan trọng đến vậy.
2. Ăn mít có nóng không? Ăn mít có mọc mụn không?
Nhiều quan niệm cho rằng những loại trái cây vị ngọt như mít thường có tính nóng, ăn vào dễ nổi mụn, bốc hỏa. Sự thật là gì? Dựa trên nhiều giải thích của y học hiện đại, các nhà khoa học cũng cho biết, trái cây không có khái niệm là nóng hay lạnh.
Theo Đông Y, quả mít tính ấm, vị ngọt, không độc; tác dụng chỉ khát, ích khí, giải rượu. Điều này có nghĩa là ăn mít sẽ tăng sinh nhiệt cho cơ thể ở mức trung bình. Tuy nhiên do mít có tính ngọt, chủ yếu là đường fructose và glucose, mít càng ngọt thì nồng độ đường càng cao. Đây là những loại đường tự nhiên dễ bị hấp thụ và có thể làm đường huyết tăng lên, chuyển hóa thành năng lượng. Bởi vậy nếu ăn nhiều rất dễ có cảm giác nóng nực, bức bối trong người.
Vậy tại sao nhiều người bị nổi mụn khi ăn mít? Thực tế thì ăn mít quá nhiều có thể gián tiếp sinh nhọt, nổi mụn do đường huyết tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, nhất là tụ cầu - nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nhọt, chốc lở.

Mỗi ngày ăn mấy múi mít là đủ? Ảnh: ST
Làm sao để ăn mít không bị nóng? Ai không nên ăn mít?
Trước tiên, ăn mít tốt cho sức khỏe nhưng nên ăn vừa đủ, với mít chín chỉ nên ăn khoảng 100 gam mỗi ngày, tương đương khoảng 4 - 5 múi mít cỡ vừa nhưng không nên ăn liên tục trong nhiều ngày. Sau khi ăn mít thì nên uống nhiều nước hoặc các loại nước trà giải nhiệt như râu ngô, bông mã đề, nước đậu đen rang, rau má, canh bí xanh… Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng nóng và duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể.
Đồng thời tránh ăn mít cùng nhiều loại trái cây ngọt khác như nhãn, sầu riêng, vải, mận,... dễ khiến lượng đường trong máu tăng cao hơn nhiều lần. Nếu quan sát thấy sau khi ăn mít xong, cơ thể bị nổi mẩn, khô miệng, trong người bứt rứt, tiểu nóng, táo bón,… có thể là các dấu hiệu cho thấy cơ thể đang "báo động" tích tụ nhiệt. Lúc này bạn tạm ngưng ăn mít và thay thế bằng những món ăn thanh mát, tiêu nhiệt để điều khí, dưỡng huyết.
Người bị gan nhiễm mỡ, béo phì, tiểu đường, người bị suy nhược cơ thể hay sức khỏe yếu, người dễ bị bốc hỏa, người đang bị rôm sảy, mụn nhọt thì cần thận trọng khi ăn mít. Người bị đau dạ dày cũng không nên ăn mít quá nhiều, dễ tăng nặng triệu chứng bệnh.
Nếu đang bị bệnh thận mãn tính hoặc suy thận, bạn nên tránh ăn mít. Lý do là vì mít có nhiều kali. Đối với hầu hết mọi người, đây không phải là vấn đề nhưng nếu chức năng thận không hoạt động tốt, chúng có thể không lọc được hoàn toàn kali khỏi máu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm gọi là tăng kali huyết có thể gây tê liệt hoặc đau tim.
Tóm lại, có thể thấy nguyên nhân khiến bạn ăn mít thấy nóng, nổi mụn nhọt là do hàm lượng đường cao trong mít gây tăng đường máu. Chỉ cần ăn với lượng vừa phải, ăn đúng cách sẽ giúp giảm tình trạng này đồng thời giúp nhận được nhiều lợi ích sức khỏe từ các thành phần dinh dưỡng dồi dào trong mít.