pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ân tình bát nước chè xanh
Ảnh minh họa
Tôi lớn lên đã thấy ông bà, bố mẹ, những cô chú hàng xóm mỗi ngày "nghiện" cái thứ nước uống đậm vị, gần gũi ấy. Trẻ con có thể chẳng quen vị chan chát đậm đà nên nước chè được pha loãng nhẹ vừa độ. Còn người lớn có đam mê riêng. Chè phải đậm, phải chát hay như tiếng quê tôi thường gọi "chè chát".
Chè xanh phải được nấu từ nước mưa trong lành, mát lạnh, hứng từ mái ngói đổ xuống, cất dành trong lu. Hay phải được nấu từ nước giếng trong veo ngọt dịu. Việc om một nồi nước chè đơn giản mà cũng cầu kỳ, đúng từng bước mới có được thứ nước xanh trong, thơm thoảng.
Chè được mẹ tự tay cắt trong vườn. Những lá chè xanh đậm, bẻ ngắn rồi rửa sạch, vò nhẹ cho vào ấm. Nước đun sôi già, tráng qua lớp lá chè, trút bỏ rồi mới châm nước vào ấm. Có trải qua đủ đầy công đoạn, nước chè mới có màu đẹp óng, thêm thời gian om chè thêm ngấm, thêm đậm màu nhưng vẫn giữ được sắc trong.
Người dân quê tôi có thói quen uống nước chè pha thêm mật mía. Vị chan chát hòa lẫn vị ngọt của mật tạo nên hương vị hài hòa, đậm sâu tận cùng nỗi nhớ. Trẻ con chúng tôi cũng học theo người lớn uống nước chè xanh pha mật.
Và nỗi nhớ thành hình đi theo dấu chân tụi nhỏ ngày ra thị thành. Thảng khi bắt gặp ở chợ bó chè xanh được bày bán, lòng lại bâng khuâng nhớ ấm nước chè xanh quê xứ miền Trung.
Chè xanh không đơn thuần chỉ là thức uống. Ấm nước chè xanh ủ trong giỏ có bọc vải giữ cho nước ấm lâu. Chè ủ đầy thơm thảo sẻ chia hàng xóm làng giềng. Ấm chè pha, chẳng mấy chốc, bố gọi hàng xóm tụ lại cùng nhau thưởng thức.
Câu chuyện bên ấm nước râm ran. Có khi thêm đĩa lạc rang, lạc luộc hay đĩa kẹo lạc, cu đơ, thế là vẹn tròn câu chuyện đầm ấm tình nghĩa xóm giềng.
Vườn chè nhà tôi xanh tốt. Mẹ thường cắt sẻ san cho hàng xóm và gửi về quê cho họ hàng. Bát nước chè xanh gói tròn vị chát ban đầu, chầm chậm cảm nhận vị ngọt đậm sâu, rồi ngọt ngào của hương mật mía. Nước chè quê tôi cũng như nghĩa tình giữa người với người sắt son, bền chặt.
Nước chè xanh đi qua ngày hạ, xóa tan cơn khát, xua đi nắng nực khó chịu. Nước chè xanh đi qua ngày mùa đông giá lạnh, bên bếp lửa ấm sực, làn hơi phảng phất bay lên mang theo cảm giác dịu dàng. Đôi tay áp nhẹ tận hưởng hơi ấm. Tôi nhận thấy bố mẹ, ông bà, những người lớn thong thả, chậm rãi nhấp từng ngụm nước, khe khẽ tận hưởng vị thơm, vị ngọt.
Hẳn là dấu son thời gian trên tuổi tác, trải nghiệm tháng năm khắc nên sự bình tĩnh, thong dong ngẫm chuyện đời trong từng hành động như thưởng một bát nước chè. Sự tĩnh tại nào dễ dàng mà có được, âu cũng là kết tinh của đời người qua năm tháng.
Không như tụi nhỏ chúng tôi vội vàng uống thật nhanh phủ lấp cơn khát mà chẳng kịp cảm nhận dư vị thật sự đọng lại của bát nước chè, của hương đồng gió núi, của mưa nắng đất trời đã thấm trên từng cánh lá.
Thời gian đi qua, chúng tôi lớn lên mỗi ngày, giờ đây chẳng còn là những đứa trẻ hồn nhiên vô tư lự sau dâu bể. Tôi đã biết cho mình chậm lại giữa dòng đời hối hả như tìm về ký ức bên ấm chè năm xưa.
Cuộc sống hiện đại, tiện nghi. Quanh ta có bao nhiêu loại trà tiện lợi, pha phút chốc có cốc trà uống. Nhưng lòng tôi luôn nhớ nước chè xanh quê mình. Nước chè xanh của những sớm mai bố cùng hàng xóm uống trước khi đi làm.
Nước chè xanh của đêm hè trăng thanh, gió lộng, người lớn chuyện trò, trẻ con tung tăng chạy nhảy. Nước chè xanh của ngày thư nhàn hay những khi gia đình tề tựu có công chuyện.
Dù xa dù gần, dù chuyện lớn chuyện nhỏ, dù sinh hoạt đời thường hay trang trọng, nước chè xanh vẫn luôn góp mặt như người thân quen. Bát nước chè xanh dạy tôi về ân tình gắn bó, nhớ quay về nơi quê nhà tha thiết thương yêu.