pnvnonline@phunuvietnam.vn
An toàn cho môi trường nông thôn từ trồng cam không sử dụng hóa chất
Tiên phong sản xuất cam theo hướng an toàn, không sử dụng hóa chất, gia đình bà Hạnh
Cây cam được trồng tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình từ đầu những năm 1960, do thích nghi với điều kiện sinh thái nên sản phẩm có hương vị đặc trưng khó quên. Năm 2013, Cam Cao Phong được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Trồng cam theo hướng hữu cơ, sinh thái của bà con huyện Cao Phong không chỉ nâng cao chất lượng đặc sản vùng và an toàn thực phẩm, mà còn là cách bảo vệ môi trường hiệu quả nhất.
Gia đình bà Mai Thị Hạnh là một trong những hộ gia đình tiên phong sản xuất cam theo hướng an toàn, không sử dụng hóa chất. Bà Hạnh cho biết, hiện nay, gia đình bà đang trồng khoảng 1.000 gốc cam, bưởi các loại. Bà trồng cam theo tiêu chuẩn an toàn, không sử dụng hóa chất. Mặc dù tốn nhiều công sức nhưng lại làm cho đất màu mỡ, cây ra trái ngon, bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn, phát triển nông nghiệp bền vững.
Để cho ra những trái cam sạch, tất cả công đoạn đều phải làm thủ công, từ tưới cây, nhổ cỏ, tỉa trái hỏng, bắt sâu, ủ phân bón… Nhưng trồng cây theo tiêu chuẩn an toàn sẽ giúp môi trường không bị ô nhiễm, nguồn đất, nguồn nước đều đảm bảo không nhiễm hóa chất. Những người nông dân như bà Hạnh tuy vất vả, nhưng thấy vui và khỏe hơn nhiều.
Chia sẻ về mô hình trồng cam sinh thái của HTX 3T Farm, bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Farm cho biết, trước đây, người dân canh tác cam theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng cam thấp, đầu ra gặp khó khăn, giá cả không ổn định nên thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gia đình, do đó nhu cầu tập hợp các hộ cá thể là tất yếu.
Với quyết tâm nâng tầm sản phẩm cam Cao Phong và tạo ra sự khác biệt với các sản phẩm cam thông thường, HTX đã quyết tâm theo đi theo 3 tiêu chuẩn chính là "tốt đất, tốt giống, tốt từ tâm".
"Nội quy của HTX là tuyệt đối không được sử dụng thuốc diệt cỏ để bảo vệ đất và chống ô nhiễm nguồn nước. HTX đã thực hiện tốt quy trình sản xuất chăm sóc và đã được cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận sản xuất an toàn. 2/3 diện tích trồng cam của các thành viên đang thực hiện tốt việc sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ để chăm bón như sử dụng phân bón trùng quế, phun và tưới dịch trùng quế để tăng sức đề kháng cho cây sau thu hoạch và giúp cho khả năng ra hoa cũng như đậu quả tốt", bà Thủy cho biết.
Ngoài ra, các hộ còn sử dụng ngô, đậu tương, cá tươi ủ với men vi sinh hữu cơ để bón cho cây giúp cho cam có vị ngọt đậm tự nhiên, màu sắc bắt mắt. Sản phẩm cam được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận và được lựa chọn là sản phẩm OCOP.
Để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, HTX 3T Farm không chỉ chú trọng khâu sản xuất chăm bón mà còn liên kết với trường Đại học Bách khoa Hà Nội để ứng dụng công nghệ vào quá trình sau thu hoạch.
Với đặc thù của HTX có sự tham gia của nhiều thành viên là người dân tộc thiểu số, nên HTX thường xuyên tổ chức các buổi họp trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa các hộ để có biện pháp phòng trừ sâu bệnh dịch hại kịp thời.
Cách sản xuất không sử dụng hóa chất của nông dân Cao Phong đã góp phần bảo vệ môi trường sống của bà con tại huyện Cao Phong cũng như tỉnh Hòa Bình. Đến nay, mô hình trồng cam sinh thái không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.