pnvnonline@phunuvietnam.vn
Án treo là gì, Ngọc Trinh thụ án treo đến bao giờ?
Sáng 2/2, TAND TP.HCM xét xử vụ án gây rối trật tự công cộng và tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức đối với Trần Thị Ngọc Trinh (34 tuổi) và Trần Xuân Đông (36 tuổi).
Ngoài 2 bị cáo, tòa còn triệu tập 7 người có nghĩa vụ liên quan là Nguyễn Thanh Long (tài xế của Trinh), Nguyễn Thị Thúy Kiều (trợ lý của Trinh), Tăng Duy Khánh (người bay flycam), Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Ngọc Kiên, Lê Thị Hồng Nhung, Nguyễn Phong Vũ (người cho Trinh mượn xe) với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án.
Sau quá trình nghị án, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Thị Ngọc Trinh mức án 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo với tội Gây rối trật tự công cộng, thời gian thử thách là 2 năm.
Bị cáo Trần Xuân Đông mức án 1 năm 6 tháng tù cho tội Gây rối trật tự công cộng và Sử dụng tài liệu giả cơ quan, tổ chức.
Án treo là gì?
Theo Luật sư Trần Hoàng Vũ (giám đốc Công ty Luật TNHH AEC), án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù. (Theo Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP).
Ngọc Trinh bị tuyên mức án tù 1 năm, được hưởng án trao, thời gian thử thách là 2 năm.
Trong khoảng thời gian thử thách, Ngọc Trinh được hưởng các quyền lợi sau:
• Nếu Ngọc Trinh có nhiều tiến bộ thì có thể được rút ngắn thời gian thử thách sau khi đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách. Đồng thời, Ngọc Trinh có thể được Toà án quyết định rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư.
• Trường hợp Ngọc Trinh làm công ăn lương, nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức, nơi mình làm việc trước khi phạm tội thì được bố trí công việc phù hợp với yêu cầu, mục đích giám sát, giáo dục và được hưởng chế độ người lao động làm công ăn lương theo công việc mà mình đảm nhiệm
• Ngọc Trinh có thể được Uy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giám sát, giáo dục, giúp đỡ tìm việc làm, ổn định cuộc sống tại địa phương.
• Ngọc Trinh có thể được miễn chấp hành thời gian thử thách còn lại nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo với điều kiện đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; thành thực hối cải, tích cực lao động, học tập; được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương có trách nhiệm giám sát, giáo dục đề nghị bằng văn bản xem xét rút ngắn thời gian thử thách.
Ngọc Trinh phải thực hiện các nghĩa vụ sau:
• Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc;
• Phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục.
• Phải khai báo tạm vắng nếu đi khỏi nơi cư trú 01 ngày;
• Nộp bản tự nhận xét 03 tháng một lần cho người trực tiếp giám sát, giáo dục.
• Trường hợp Ngọc Trinh cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì bị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án được hưởng án treo
• Trường hợp Ngọc Trinh phạm tội mới thì phải chấp hành hình phạt tù của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.
4 tháng tạm giam của Ngọc Trinh có được trừ vào 1 năm tù treo?
Trước đó, Ngọc Trinh đã bị tạm giam 4 tháng. Vậy nên, nhiều thắc mắc rằng thời gian tạm giam đó có được trừ hay quy đổi vào bản án tòa vừa tuyên hay không.
Về vấn đề này, Luật sư Trần Hoàng Vũ cho biết: “Căn cứ Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo thời gian tạm giữ tạm giam không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.Trường hợp trong thời gian thử thách nếu họ phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì khi giải quyết Tòa án trừ thời gian họ đã bị tạm giữ, tạm giam này vào bản án đã cho hưởng án treo hoặc bản án mới.
Như vậy, đối với trường hợp của Ngọc Trinh thì thời gian 4 tháng tạm giữ tạm giam không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt án treo.