GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc BV K Trung ương, chia sẻ: Ung thư vú là một trong những căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu trong các loại bệnh ung thư ở phụ nữ. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ chữa khỏi lên tới 99%.
Điều trị ung thư vú cần thời gian và sự kiên trì |
Ung thư vú phát triển qua 5 giai đoạn: 0, I, II, III, IV. Giống như mọi căn bệnh khác, càng phát hiện sớm bao nhiêu, ung thư vú càng có khả năng chữa trị thành công bấy nhiêu. Những trường hợp phẫu thuật và hoá trị liệu cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, dinh dưỡng trong ung thư rất quan trọng, thay đổi tùy theo thời điểm điều trị. Trong trường hợp người bệnh đã kết thúc quá trình điều trị, dinh dưỡng đóng vai trò phục hồi sức khỏe và ngăn ngừa tái phát và phòng ngừa những biến chứng do điều trị mang lại. Nếu người bệnh không có nhiều thời gian, có thể thực hiện một số bước chăm sóc khá đơn giản thực hiện tại nhà được. Trong giai đoạn hồi phục này nên có chế độ ăn cân bằng giữa các chất, ăn nhiều rau và trái cây, đủ chất đạm, ít chất béo động vật. Nên kiểm soát cân nặng không để béo phì vì béo phì sẽ tăng nguy cơ tái phát. Kết hợp ăn uống và vận động thể dục là cách tốt nhất để kiểm soát cân nặng chứ không nên qua kiêng cữ trong ăn uống sẽ làm thiếu chất, cũng không tốt cho sức khỏe.
Người bệnh cần kiểm soát cân nặng không để béo phì, hay suy dinh dưỡng. Hàng ngày, người bệnh nên ăn nhiều rau, trái cây với nhiều màu sắc và cách chế biến khác nhau, trung bình 500g/ ngày. Uống sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa mỗi ngày để đảm bảo nạp đủ 1000mg canxi/ ngày. Bên cạnh đó, việc tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày, cường độ vừa như đi bộ nhanh, đạp xe đạp, chạy bộ, bơi lội, yoga cũng nên áp dụng. Đặc biệt, người bệnh không nên lo lắng, cần giữ tinh thần lạc quan yêu đời. Và đừng nên kiêng khem thái quá những điều chưa có bằng chứng khoa học.
Thịt bò hay các loại thịt đỏ thường bị cho là kiêng ăn nhưng thực chất là chỉ hạn chế ở mức 300g/tuần vì thịt bò cung cấp nhiều chất mà trong các thực phẩm khác ít có.
Sau phẫu thuật và hoá xạ trị người bệnh bắt đầu làm quen với môi trường sống mới với những thói quen mới cần hình thành. GS.TS Nguyễn Bá Đức có lời khuyên, sau phẫu thuật và hoá xạ trị người bệnh tuyệt đối không nên để sang chấn hay cơ hội tổn thương tay bên đoạn nhũ. Vì bên đó bác sĩ đã nạo hạch nách, khả năng nhiễm trùng hay chậm lành vết thương sẽ rất cao nếu để bị tổn thương da. Vận động thể lực rất rất cần thiết cho bệnh nhân ung thư vú sau điều trị. Tuy nhiên khi mang nặng ở tay cùng bên phẫu thuật có thể làm khó chịu. Những môn thể thao ưu tiên chọn lựa như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội, yoga, và thẫm mỹ.