"Áo dài là biểu tượng bản sắc văn hóa Việt, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam!"

Dương Hà
26/06/2020 - 10:16
"Áo dài là biểu tượng bản sắc văn hóa Việt, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam!"
Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa tại Hội thảo khoa học quốc gia "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc" diễn ra ngày 26/6 ở Hà Nội. Theo bà, chia sẻ của các diễn giả sẽ là cứ liệu quan trọng cho quá trình lập hồ sơ áo dài đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa, với giá trị văn hóa, bản sắc của tà áo dài Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam - tổ chức đại diện lợi ích chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức các sự kiện với chủ đề "Áo dài – Di sản Văn hoá Việt Nam" nhằm khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của Áo dài trong đời sống đương đại, khơi dậy khát vọng, niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam.

Hội thảo khoa học "Áo dài Việt Nam; Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc" là một hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – điểm du lịch hàng đầu Việt Nam, nơi lưu giữ, trưng bày các di sản lịch sử văn hóa của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

"Áo dài là biểu tượng bản sắc văn hóa Việt, thể hiện vẻ đẹp tâm hồm của người Việt Nam!" - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: D.H

Nói về áo dài Việt Nam, bà Bùi Thị Hòa cho biết, trang phục áo dài đã đi cùng với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Áo dài không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới, là triều phục, lễ phục tôn nghiêm trong các nghi lễ của triều đình phong kiến; Áo dài là trang phục bình dị trong sinh hoạt đời thường.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử và tiếp biến văn hóa, ngày nay, Áo dài vẫn là trang phục truyền thống trang trọng trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp. Trong các sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế, Áo dài mặc nhiên trở thành "quốc phục" trang trọng, lịch lãm của phụ nữ Việt Nam.

"Ngoài tính triết lý và nghệ thuật, trang phục Áo dài còn là biểu tượng bản sắc văn hóa Việt, thể hiện tâm hồn và vẻ đẹp của con người Việt Nam, không chỉ mang lại cho người Việt Nam mà còn cho cả người nước ngoài nhiều cảm xúc đặc biệt.  Áo dài xứng đáng được tôn vinh là một di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam" – bà Hòa nói.

Nhấn mạnh nỗ lực tôn vinh giá trị áo dài thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa cho biết, trong các kỳ Festival Huế, Lễ hội áo dài là một trong những chương trình chính thức với các bộ sưu tập áo dài mang dáng vẻ từ truyền thống đến hiện đại trên các chất liệu vô cùng phong phú, đa dạng…

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến nay, Lễ hội áo dài được tổ chức định kỳ vào tháng 3 hàng năm với nhiều hoạt động phong phú như Chương trình "Áo dài tặng bạn"  trao tặng 10.000 chiếc áo dài mỗi năm cho hội viên, phụ nữ khó khăn. Chương trình "Đồng diễn áo dài" đã thu hút trên 4.000 hội viên tham gia...

"Áo dài là biểu tượng bản sắc văn hóa Việt, thể hiện vẻ đẹp tâm hồm của người Việt Nam!" - Ảnh 2.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết (thứ năm từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Phụ nữ VN sáng 26/6. Ảnh: D.H

Với riêng Hội LHPNVN, bà Hòa cho hay, ngay trong tuần đầu của tháng 3 vừa qua, các cấp Hội cả nước đã tổ chức các cuộc thi ảnh Áo dài online, hình thành các trang mạng xã hội chia sẻ vẻ đẹp của áo dài Việt Nam, tổ chức đồng diễn áo dài …

Đặc biệt, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với CLB Áo dài phát động một cuộc vận động thiết kế "Tự hào áo dài Việt Nam" và vào ngày 28/6 chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc trình diễn Áo dài với các bộ sưu tập gắn với 21 di sản văn hoá của Việt Nam đã được UNESCO công nhận.

Thông qua hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN mong muốn tôn vinh các giá trị gắn với áo dài, từ đó có được vị thế của một di sản văn hoá phi vật thể  cấp quốc gia.

"Mong muốn của chúng tôi là Hội thảo sẽ cung cấp cứ liệu để nhận diện sự tham gia của cộng đồng, các trung tâm hình thành và lan tỏa tập quán mặc Áo dài, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị Áo dài nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung. Đây là những cứ liệu quan trọng cho quá trình lập hồ sơ áo dài đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đồng thời là các chất liệu để tuyên truyền, quảng bá góp phần nâng cao lòng tự hào, ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc" – Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm