Áo dài tân thời ra đời từ bao giờ?

29/07/2017 - 08:10
Theo tài liệu thu thập được thì hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường là người đầu tiên cải tiến chiếc áo dài cho phụ nữ Việt Nam. Còn luật sư Nguyễn Thị Hậu, giáo sư Trịnh Thục Oanh, bác sĩ Lê Đình Quỵ… là những người dẫn đầu phong trào mặc y phục phụ nữ tân thời.
6.jpg
Luật sư Nguyễn Thị Hậu, thiếu nữ đầu tiên mặc áo dài tân thời

Hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường sinh năm 1912 tại Sơn Tây. Năm 17 tuổi, ông trúng tuyển vào trường Cao đẳng Mỹ Thuật Hà Nội và tốt nghiệp vào năm 1934. Ông là người đã đóng góp rất nhiều trong việc sáng chế các kiểu quần áo cho phụ nữ Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Hiến, người con trai của hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường kể về chiếc áo dài của phụ nữ ngày xưa: Màu của nó u tối, chỉ có mầu nâu hay màu đen. Áo lùng thùng, ba bốn tà, quần thì rộng. Sự đổi mới của Việt Nam lúc đó bắt đầu có trong Nam. Ngoài Bắc thì hay mặc mầu nâu, màu đen, trong Nam thì có những lối mặc khác, áo thì màu khác, nhưng thường thường thì màu vẫn không được tươi lắm.

Vào đầu thập niên 1930, chiếc áo dài thuần tuý của Việt Nam có sự thay đổi, phụ nữ bắt đầu mặc áo màu. Năm 1934, hoạ sĩ Cát Tường đã tung ra một loạt các loại mẫu áo dài tân thời trong tập san Đẹp 1934 và báo Phong Hóa thời bấy giờ dưới cái tên “Lemur”.

2.jpg
Lemur Cát Tường

Người họa sĩ trẻ măng này vừa viết bài, vừa vẽ kiểu… Đầu tiên là việc phân tích và trình bày những ưu khuyết điểm của y phục phụ nữ đương thời, sau đó, ông đưa ra những đề nghị đổi mới cho thích hợp với thời tiết, thoải mái khi cử động, rộng rãi cho máu huyết lưu thông và tôn cao vẻ đẹp sang trọng, yêu kiều của người phụ nữ.

Đó là lần đầu tiên trên báo Phong Hóa và đặc san Đẹp do NXB Đời Nay phát hành, Lemur Cát Tường giới thiệu đến độc giả những bộ y phục phụ nữ tân thời mà ông đã tạo kiểu và tạo dáng: có cổ, không cổ, có tay, tay ngắn, không tay, vai bồng, vai xẹp, cổ tay xoè, không xòe, có khuy, không khuy, vạt áo dài, vạt áo ngắn (mini) và sau này năm 1937 tại hiệu may LEMUR còn có áo kiểu vai chéo (đời sau gọi là vai Raglan), áo đi xe đạp và áo cô dâu…

3.jpg
3.Năm 1937, để việc đổi mới y phục tân thời có kết quả tốt đẹp, những người phụ nữ muốn mặc áo dài mới được hài lòng, thấy mình đẹp hơn, duyên dáng hơn, mỹ miều hơn, ông bà Cát Tường khai trương Hiệu May LEMUR, quảng cáo trên báo Ngày nay.

Ông Cát Tường còn cho rằng phần chính và cốt yếu trong bộ y phục: “Nó là cái quần...” cần được “thay đổi lối cắt kiểu may”: “Từ cạp đến đầu gối nên thu hẹp bớt để vừa khít với thân hình, như thế những vẻ đẹp thiên nhiên của từng người mới lộ ra được. Còn từ đầu gối trở xuống đến chân, hai ống quần lại phải may rộng dần ra để khi đi đứng cái dáng điệu của các bạn được tăng thêm vẻ nhẹ nhàng”.

4.jpg

5.jpg

Y phục Lemur đã được những người đẹp yêu mỹ thuật của cả nước, nhất là nữ học sinh lớp lớn đua nhau may mặc.  Sau đó, ông tiếp tục thiết kế nhiều mẫu áo dài cho phụ nữ, nữ sinh và áo ngắn mặc trong nhà. Ngoài chuyện cải tiến áo dài cho phụ nữ và đóng góp vào việc thiết kế các kiểu y phục thích hợp với thân hình, lại làm tăng vẻ đẹp của phái nữ, hoạ sĩ Cát Tường còn cải tiến và mỹ thuật hoá chiếc xích lô đạp thời bấy giờ và được dân chúng ủng hộ nhiệt tình.

Sau nhiều thập kỷ, bóng dáng của chiếc áo dài mà họa sĩ tài ba Cát Tường thiết kế vẫn tiếp tục xuất hiện tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Tà áo dài tha thướt, nhã nhặn, kín đáo và duyên dáng làm tăng thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và là niềm hãnh diện cho người Việt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm