Ảo thuật gia Trần Nguyên: Nhờ ảo thuật thay lời cảm ơn mẹ

26/07/2018 - 17:14
Cuộc trò chuyện của tôi với ảo thuật gia Trần Nguyên thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi anh nghẹn lời, rồi quay đi lau nước mắt. Có vóc dáng như… hộ pháp nhưng chàng trai này lại cực kỳ mềm yếu khi nhắc đến người mẹ của mình.
Kể chuyện đời mình trên sân khấu ảo thuật
Mới đây anh đã khiến khán giả truyền hình phải nghẹn ngào khi đưa hình ảnh người mẹ của mình vào tiết mục dự thi ở vòng bán kết gameshow “Ảo thuật siêu phàm”. Điều gì đã khiến anh làm như vậy?
 
Khi lọt vào vòng bán kết “Ảo thuật siêu phàm” phát sóng trên kênh VTV3, tôi được ban tổ chức giao chủ đề Ảo thuật và những giấc mơ. Ngay khi nhận được chủ đề này, tôi muốn chia sẻ với khán giả câu chuyện về cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn của hai mẹ con tôi trên sân khấu. Đó là chuyện về ước mơ đeo đuổi bộ môn ảo thuật của tôi, sự ủng hộ và hy sinh lớn lao của mẹ cùng tình cảm thiêng liêng về tình mẫu tử được thể hiện qua những trò ảo thuật.
 
Anh có thể tiết lộ cụ thể hơn về những vất vả mà mẹ con anh đã trải qua?
 
Năm 3 tuổi, tôi cùng mẹ rời quê lên thành phố Cần Thơ và từ đó đến nay, gần 20 năm rồi, mẹ con tôi phải thuê nhà ở trọ. Mẹ tôi làm thợ may, tiền kiếm được chỉ đủ trang trải cơm nước hàng ngày chứ không có dư để làm việc lớn hơn. Thấy mẹ quanh năm suốt tháng tất bật kiếm từng đồng lẻ hết lo tiền ăn, tiền nhà, tiền học... cho mình, tôi thương mẹ lắm nhưng không biết phải làm sao. Học hết lớp 9, tôi quyết định nghỉ học, đi kiếm tiền phụ giúp mẹ. Tôi làm đủ nghề, miễn sao có tiền, từ sửa xe đến rửa xe, bưng bê ở quán ăn, quán cà phê...
 
Gia cảnh khó khăn, sao anh lại theo ảo thuật - loại hình nghệ thuật vốn được coi là dành cho “giới nhà giàu”?
 
Cách đây khoảng 5 năm, tình cờ tôi xem một clip ảo thuật trên mạng và bị loại hình nghệ thuật này “hớp hồn”. Tôi cứ tự mò học ảo thuật, bắt đầu từ những tiết mục đơn giản với đồng xu, lá bài... Sau một thời gian diễn đường phố, tôi thấy nếu mình cứ diễn chơi vì đam mê như vậy thì không phụ giúp được mẹ và nghĩ tới chuyện diễn sân khấu kiếm tiền.
 
Nhưng để diễn sân khấu cần phải đầu tư đạo cụ khá đắt. Mẹ đã chạy đi vay tiền để tôi mua đồ làm ảo thuật, để tôi được thỏa sức với nghề. Mẹ lúc nào cũng thương tôi, chiều tôi nên tôi không khi nào muốn xa mẹ.
Một tiết mục ảo thuật của Trần Nguyên lấy cảm hứng từ người mẹ

 

Đó có phải là lý do khiến dù đã gia nhập CLB Ảo thuật TPHCM, anh vẫn ở Cần Thơ để được gần mẹ?
 
Tôi đi đâu cũng chỉ muốn về nhà với mẹ. Mỗi lần đi diễn cách nhà cả mấy trăm cây số, tôi vẫn chạy xe về. Có lần diễn ở Long An (cách Cần Thơ khoảng 120 km) xong là 9 giờ tối, tôi leo lên chiếc xe máy cà tàng để về, nhưng đi giữa đường thì xe hỏng, lại đúng lúc trời đổ mưa. Mưa to quá, tôi cũng nghĩ chuyện vào nhà nghỉ nhưng tính lại, tiền phòng rồi tiền ăn sáng mất cả mấy trăm ngàn, thôi đành cố dắt bộ về. Mà mẹ lại ở nhà một mình nữa... Hôm đó 2 giờ sáng tôi về tới nhà, thấy mẹ vẫn đang thức đợi con...
 
Ảo thuật là đam mê của con, là hy vọng của mẹ
Cuộc sống của mẹ con anh có đỡ hơn không từ khi anh theo con đường ảo thuật chuyên nghiệp?
 
Thu nhập từ việc may vá của mẹ tôi bấp bênh, có tháng chỉ được 2-3 triệu. Tiền kiếm được từ diễn ảo thuật của tôi cũng không đều, có khi 5 triệu, khi 8 triệu, có khi chỉ 2 triệu. Cứ trời nắng là tôi vui, vì có sô, có tiền lo cho mẹ. Mưa xuống cái là rầu thúi ruột. Chuyện mẹ con tôi nhịn đói không phải là hiếm.
 
Sao anh không tính chuyện kiếm nghề khác có thu nhập tốt hơn?
 
Tôi không dứt được ảo thuật. Ngọn lửa với nghề trong lòng tôi lớn lắm, tôi không từ bỏ được. Khi diễn xong, nhìn ánh mắt của khán giả, tôi thấy hạnh phúc lắm. Ảo thuật là đam mê của tôi, và cũng là niềm hy vọng lớn nhất của mẹ ở tôi.
 
Mẹ đón nhận tin anh lọt vào vòng bán kết “Ảo thuật siêu phàm” như thế nào?
“Ảo thuật siêu phàm” là sân chơi lớn nhất từ trước tới nay trên truyền hình dành cho giới ảo thuật, có sự tham gia của nhiều tên tuổi trong nghề, vì thế mà việc lọt vào vòng trong là điều quá mong đợi của tôi. Khi biết tin được lựa chọn đi tiếp, tôi lập tức gọi điện về báo cho mẹ. Nhận được tin, mẹ tôi bật khóc vì sung sướng rồi thao thức nguyên đêm không ngủ được. Trời chưa chuyển sáng, bà đã bắt xe lên Sài Gòn để lấy vải về may quần áo, ráng kiếm ít tiền để lo thêm cho con trai.
 
Anh nghĩ sao khi có người nói rằng Trần Nguyên cố tình đưa hoàn cảnh của mình để lấy nước mắt khán giả truyền hình?
Khi kể chuyện đời thực của mình trên sân khấu ảo thuật, tôi chỉ muốn tái hiện cuộc sống của hai mẹ con bằng chính môn nghệ thuật mà tôi đam mê và tôi biết mẹ sẽ vui khi xem nó. Tôi không quan tâm đến những lời nhận xét bên ngoài. Tôi không giành được tấm vé vào vòng Chung kết, nhưng điều đó không quan trọng. Mẹ tôi hạnh phúc mới là điều tuyệt vời nhất. Tôi muốn nói lời cảm ơn mẹ bằng tiết mục của mình.
 
 

Ảo thuật gia Trần Nguyên sinh năm 1994 ở Cần Thơ, hiện là thành viên của CLB Ảo thuật TPHCM và vừa được kết nạp vào Hiệp hội Ảo thuật Quốc tế IMS. Anh từng giành giải Đồng Liên hoan Ảo thuật TPHCM năm 2016.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm