pnvnonline@phunuvietnam.vn
Áp lực đồng trang lứa
Ảnh minh họa
Là học sinh lớp chọn nên xung quanh Đặng Quỳnh Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) có nhiều bạn học giỏi. Bạn thì đoạt các giải quốc tế, bạn thì IELTS được 7,5-8, bạn thì có dự án được đánh giá cao… Sống giữa các "siêu nhân" như vậy, Quỳnh Anh gặp không ít áp lực. Các bạn đa số đều có những mục tiêu lớn lao như đạt học bổng đi du học nên Quỳnh Anh cũng đặt mục tiêu đó cho mình. Lúc nào, Quỳnh Anh cũng phải nỗ lực với 150%, thậm chí 200% so với bản thân. Cô không cho phép mình dừng lại. Cô sợ thất bại, sợ kém bạn kém bè, sợ gia đình thất vọng, sợ mọi người cười chê. Ở một khía cạnh nào đó, cô cũng muốn trở thành "con nhà người ta".
Chính vì luôn sống trong áp lực nên Quỳnh Anh không mấy vui vẻ. Tâm thế của em khi đi học là luôn phải ganh đua với người khác để đuổi kịp, thậm chí là phải hơn.
Ngô Thanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là một nạn nhân của áp lực đồng trang lứa. Thời gian gần đây, cô thấy hình ảnh của mình thật xấu xí. Cô phải vật lộn, nỗ lực hơn mỗi ngày, với áp lực phải theo kịp người khác. Cô thường rệu rã vào cuối ngày trong sự dằn vặt, trách cứ, tự ti. Hai tháng vừa qua, cô đã "biến mất" trên mạng xã hội. Cô muốn tập trung vào học tập. Cô đã nỗ lực hết sức. Tuy nhiên, khi nhận được nhận xét của giáo viên hướng dẫn rằng kết quả không có tiến bộ, sự tự tin trong cô sụp đổ. Cô cảm thấy tổn thương vì cảm giác thua kém.
Ngoài việc bị áp lực bởi bạn bè cùng lớp, cùng trường, mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ trong việc khuếch đại áp lực đồng trang lứa. Phần lớn người trẻ hiện nay dành nhiều thời gian trực tuyến. Điều này tạo điều kiện cho họ được liên tục cập nhật về cuộc sống của người khác thông qua mạng xã hội. Song việc nhìn thấy người khác có cuộc sống thú vị hơn mình vô tình khiến cá nhân cảm thấy tự ti, thậm chí là đố kỵ, thôi thúc họ phải bắt kịp những thành tựu ấy.
Là người thoát được khỏi áp lực đồng trang lứa, Ngô Thanh cho biết, bản thân cô đã luôn tôn trọng, vỗ về những xúc cảm, ghi nhận chúng mà không phán xét. Ngoài ra, Ngô Thanh còn sử dụng phương pháp suy nghĩ khuếch tán để chuyển sự chú tâm sang điều khác. Nhờ thế, có những góc nhìn khác và sự sáng tạo được kích hoạt để xử lý vấn đề. Bởi nếu chỉ xoáy sâu vào điểm yếu, lỗi của bản thân, người trong cuộc sẽ càng mắc kẹt trong sự thua kém và so sánh. Người đó cần chuyển sự chú tâm sang thế mạnh, điểm khác biệt, sở thích, mong muốn thực sự của mình… Đặc biệt, theo Ngô Thanh, cần yêu thương và tôn trọng bản thân. Điều đó có nghĩa là không cần phải hoàn hảo để được yêu thương, không phán xét hay ghét bỏ những lỗi lầm của mình.
"Quan trọng hơn, cần biết rằng mình là độc nhất vô nhị. Mình là duy nhất với những nét đẹp và thế mạnh riêng, tự bản thân mình đã trọn vẹn và ý nghĩa với cuộc đời này. Mình không cần phải cố gắng để trở thành một ai khác và theo đuổi con đường giống họ. Hãy tìm cho mình một mục đích riêng và nhắc nhở bản thân về con đường của mình mỗi khi bị lung lay bởi thành công của người khác", Ngô Thanh cho biết.