Hóa giải áp lực “con nhà người ta”

Bảo Anh
18/04/2022 - 10:18
Hóa giải áp lực “con nhà người ta”

Trẻ tuổi teen phải đối mặt với nhiều áp lực - Ảnh minh họa

“Chính các bậc phụ huynh cũng bị so sánh với phụ huynh khác, khi con họ kém hơn, và nghĩ rằng do mình kém cỏi nên con cái không thể vươn lên”, diễn giả Kiều Trang nhận định tại tọa đàm “Nghĩ tích cực – Sống tự tin”.


Phụ huynh cũng bị so sánh với phụ huynh khác

Diễn giả Quỳnh Anh giải thích: "Có rất nhiều loại áp lực, trải dài khắp các độ tuổi. Ở tuổi tiểu học thì bị gia đình so sánh với đứa trẻ khác. Và ở tuổi trung học thì còn áp lực về tình cảm, thay đổi tâm sinh lý và ngoại hình".

Hiện tại cụm từ "Áp lực đồng trang lứa" đang rất thịnh hành. Có thể hiểu đây là loại áp lực gây ra từ những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè cùng trường lớp, nhất là việc ganh đua, hơn kém trong học tập và sinh hoạt. Hẳn ai trong tất cả chúng ta đều cũng được nghe qua cụm từ "con nhà người ta".

Chuyên gia tâm lý học đường Đào Quỳnh Anh (đeo kính) và Th.S tâm lý Lại Vũ Kiều Trang tại tọa đàm "Nghĩ tích cực - Sống tự tin"

Chuyên gia tâm lý học đường Đào Quỳnh Anh (đeo kính) và Th.S tâm lý Lại Vũ Kiều Trang tại tọa đàm "Nghĩ tích cực - Sống tự tin"

Diễn giả Kiều Trang cho biết: "Ai trong chúng ta cũng bị so sánh với người khác. Áp lực đồng trang lứa xuất hiện với mọi độ tuổi. Chính các bậc phụ huynh cũng bị so sánh với phụ huynh khác, khi con họ kém hơn, và nghĩ rằng do mình kém cỏi nên con cái không thể vươn lên. Thế nhưng việc con cái giỏi giang không phải là thước đo giá trị của con người. Mỗi người sinh ra đều có một đặc điểm riêng, không thể đánh giá con cá qua khả năng leo cây. Khi gặp chính các áp lực ấy tỏa xuống từ cha mẹ, con trẻ sẽ có biểu hiện phản ứng, chống đối. Các vị phụ huynh thường phán xét con qua những hành vi này và điều này vô tình cô lập đứa trẻ. Một loại áp lực đồng trang lứa đang gây nhiều hậu quả tâm lý nhất là áp lực học đường: có nhiều học sinh nói với tôi rằng bạn ấy không thể hòa nhập nổi, bởi vì điểm kém hơn các bạn".

Nhiều em học sinh THPT quan tâm tọa đàm "Nghĩ tích cực - Sống tự tin"

Nhiều em học sinh THPT quan tâm tọa đàm "Nghĩ tích cực - Sống tự tin"

Lắng nghe con và nghe chính bản thân mình

Diễn giả Lại Vũ Kiều Trang cũng đưa ra phương pháp cho cha mẹ để giải quyết loại áp lực này: "Tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh cần lắng nghe con cái nhiều hơn, kế đến là lắng nghe chính bản thân mình. Lắng nghe mà không phán xét, cũng như tìm hiểu phía sau hành động của mỗi đứa trẻ là biểu hiện tâm lý nào. Nếu chúng ta cảm thấy khó nói chuyện thì viết thư là một hình thức hữu hiệu. Ngoài ra các cha mẹ không chỉ nên quan tâm đến mỗi con mình, mà có thể cần trò chuyện, dành thời gian làm bạn với cả những người bạn của con nữa".

Chuyên gia tâm lý học đường Quỳnh Anh cho rằng mọi học sinh đều có áp lực riêng. Có một điều may mắn là ở thế hệ này, các bạn nhỏ tỏ ra cởi mở hơn, miễn là có người lắng nghe họ: "Trong thực tế, để giải quyết các vấn đề về tinh thần, thì đầu tiên phải xem xét các vấn đề về thể chất. Khi gặp phải áp lực mà không giải toả được, cơ thể của các bạn nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên: từ mất ngủ cho đến khó tập trung, dẫn đến vấn đề càng tồi tệ. Vì vậy chúng tôi luôn tìm cách giải quyết vấn đề này đầu tiên. Sau đó, mặc dù các em đều có khả năng, nhưng kỹ năng quản lý công việc cũng như quản trị mục tiêu còn chưa được hoàn thiện. Nếu biết cách đặt mục tiêu, chia nhỏ chặng đường, thì luôn luôn tâm lý khi học hành của các em sẽ được bình ổn hơn. Từng bước một, nếu phía chúng ta kiên nhẫn lắng nghe và phía các em cũng sẵn lòng chia sẻ, các em sẽ dần nhận thức rõ hơn về vấn đề của bản thân. Và thậm chí, có thể biến các áp lực ấy thành động lực".

Sau mùa dịch Covid-19, rất nhiều em học sinh có biểu hiện ngại tiếp xúc và không muốn đến trường. Đó cũng là băn khoăn của một số phụ huynh tham dự toạ đàm. Diễn giả Lại Vũ Kiều Trang giải đáp: "Các ba mẹ có thể tìm hiểu xem bé có bị ngủ thiếu giấc hay không. Việc uể oải khi phải dậy đi học chính là rào cản rất lớn. Sau cùng, hãy luôn luôn hỏi con về buổi học hôm nay, tất nhiên đừng nên hỏi về điểm số".  

Biến áp lực đồng trang lứa thành động lực

Trước câu hỏi của độc giả "Làm sao để biến áp lực đồng trang lứa thành những điều tích cực trong cuộc sống?", diễn giả Đào Quỳnh Anh giải đáp: "Vốn các loại áp lực đều có mặt tốt. Chỉ khi chúng gặp một yếu tố độc hại thì mới biến thành những sự việc đau lòng. Chúng ta có thể vượt qua áp lực bằng cách trước hết là tìm hiểu các loại áp lực này và nhận ra bản thân mình đang bị. Sau đó, hãy phân tích cơ hội của chúng ta đối với áp lực đó".

Đọc sách là một cách để tăng sức khỏe tinh thần

Đọc sách là một cách để tăng sức khỏe tinh thần

Nghĩ tích cực và sống tự tin, hẳn là ước mơ của tất cả mọi người. Nhưng nỗi tự ti và bóng tối của những áp lực luôn luôn ngăn cản chúng ta. Hẳn phương pháp để vượt qua điều đó là gì? Làm sao để chúng ta "Nghĩ tích cực và sống tự tin"? Diễn giả Lại Vũ Kiều Trang cho biết: "Trong thực tế xã hội, dường như cha mẹ đang có ít thời gian cho con cái, và đặc biệt là cho bản thân mình. Cách giải quyết tốt nhất chính là mỗi cá nhân chúng ta phải tự nỗ lực thôi. Những sự việc gây rúng động gần đây chính là một bài học cảnh tỉnh. Việc làm phong phú thế giới nội tâm, đặc biệt là tạo thói quen đọc sách ngay từ nhỏ cũng là một phương pháp để tăng cường sức khỏe tinh thần".


Không phải chỉ có người lớn mới gặp phải các áp lực, mà dường như ở mọi lứa tuổi đều có thể. Các loại áp lực mà trẻ em ngày nay có thể phải đối mặt? Và có phải áp lực ấy chỉ xuất hiện khi các em đã vào tuổi teen, hay khi còn rất nhỏ tuổi?

Đó là chủ đề của tọa đàm Nghĩ tích cực – Sống tự tin do Đinh Tị Books tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 và 5 năm thành lập Phố Sách Hà Nội. Toạ đàm có sự tham dự của Th.S Tâm lý giáo dục Lại Vũ Kiều Trang, chuyên gia tâm lý học đường Đào Quỳnh Anh.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm