APEC 2017 khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế

09/12/2016 - 19:29
Bước vào kỷ nguyên số, APEC cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Các đại biểu chủ trì cuộc Họp báo quốc tế về năm APEC Việt Nam 2017 tối 9/12
Đó là lời khẳng định của Tiến sĩ Alan Bollard - Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế - tại cuộc Họp báo quốc tế về năm APEC Việt Nam 2017 tối 9/12 tại Hà Nội. Ông Alan nhấn mạnh đến tiềm năng dồi dào của phụ nữ trong việc đóng góp vào nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và khẳng định bình đẳng giới có vai trò quan trọng đối với sự phát triển hiện nay, trong cộng đồng 21 nền kinh tế khu vực nói chung và từng nước thành viên APEC nói riêng.
Tiến sĩ Alan Bollard - Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế
Theo ông Alan, một trong những đặc điểm của phát triển nền kinh tế hiện đại là sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ trong kinh doanh và các ngành công nghiệp sáng tạo, một xu thế đang diễn ra ở hầu như tất cả các nền kinh tế APEC. Phụ nữ hiện chiếm trên 50% dân số, tham gia ngày càng đông đảo vào lực lượng lao động xã hội. Doanh nghiệp MSMEs do phụ nữ làm chủ chiếm 97% doanh nghiệp và chiếm 50-80% việc làm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp 20-50% GDP trong các nền kinh tế APEC.

Bước vào kỷ nguyên số, APEC cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp MSMEs tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. APEC cam kết hành động mạnh mẽ hơn để thực hiện sáng kiến Thuận lợi hóa kinh doanh, kể cả cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Các nữ doanh nghiệp APEC ngày càng năng động (Ảnh: APEC)
Là khu vực có số lượng người sử dụng Internet lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, châu Á - Thái Bình Dương có nhiều tiềm năng hợp tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật số và quốc tế hóa doanh nghiệp MSMEs. Qua Internet, nữ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, kết nối, cung cấp các dịch vụ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu dễ dàng hơn. Từ đó, phụ nữ góp sức vào việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, tăng cường khả năng thích ứng trước những biến động và cú sốc về kinh tế, tài chính cũng như trước thiên tai và dịch bệnh.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017
Ngoài ra, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, nhấn mạnh rằng trong Hội nghị đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế tại thành phố Huế tháng 9/2017 tới, các nền kinh tế APEC nhận thấy rõ rằng cần nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp MSMEs, nhất là các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Đại biểu các nước sẽ bàn đến những biện pháp cụ thể hỗ trợ phụ nữ trong kỷ nguyên số, những vấn đề cấp bách liên quan đến sự tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm