Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức Hội nghị “Việt Nam và APEC: 20 năm qua và chặng đường sắp tới”. Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chặng đường 20 năm tham gia APEC của Việt Nam (11/1998 -11/2018), diễn ra đúng 1 năm sau Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định quyết định tham gia APEC năm 1998 có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập của Việt Nam.
Hai thập kỷ tham gia APEC cũng là 2 thập kỷ Việt Nam đạt những thành tựu to lớn trên con đường phát triển và hội nhập. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, là mắt xích quan trọng của nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực. Nhiều thành viên APEC đã trở thành những đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư của Việt Nam. Tham gia APEC cũng tạo nền tảng để Việt Nam tham gia các sân chơi rộng lớn, có mức độ cam kết cao hơn như WTO, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đều nhấn mạnh, qua 2 lần đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC vào năm 2006 và 2017, những dấn ấn của Việt Nam đã được ghi nhận trên bước đường phát triển của Diễn đàn.. Đó là cam kết chung tại Hội nghị Cấp cao Đà Nẵng về thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, mở và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, góp phần quan trọng giữ vững đà hợp tác và liên kết, duy trì giá trị cốt lõi của APEC, xây dựng Tầm nhìn cho APEC sau năm 2020.
Các nhà lãnh đạo APEC khuyến khích các nền kinh tế và khu vực tư nhân thực hiện các sáng kiến thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong kinh tế, cải thiện khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với vốn, tài sản, thị trường, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các ngành có tăng trưởng cao và có lương cao và nâng cao vai trò lãnh đạo, tinh thần kinh doanh, kỹ năng và năng lực làm việc của phụ nữ.
Các nền kinh tế cũng tuyên bố ủng hộ phụ nữ khởi nghiệp thông qua việc mở rộng mạng lưới các doanh nhân nữ. Đối thoại Chính sách Cao cấp về Phát triển Nguồn nhân lực trong Kỷ nguyên Số đã tập trung vào tăng cường nguồn nhân lực chất lượng và giáo dục, các kỹ năng cần thiết trong thời đại công nghệ số, việc làm bền vững, mạng lưới an sinh xã hội và nâng cao năng lực đặc biệt cho phụ nữ, chú trọng đào tạo các ngành STEM (khoa học, công nghệ, chế tạo và quản trị).
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, đại diện Việt Nam tại Nhóm Tầm nhìn APEC, cho rằng 10 - 15 năm tới là giai đoạn chuyển đổi then chốt. Chương trình nghị sự APEC sau 2020 cần góp phần xây dựng một khu vực tự cường, gắn kết, bao trùm và sáng tạo. APEC cần đóng vai trò toàn cầu vì một Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Theo đó, các thành viên APEC cần tận dụng cơ hội to lớn của kỷ nguyên số, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái, người khuyết tật, nâng cao năng lực và tiếp cận công nghệ số, thích nghi với thay đổi và ứng phó với rủi ro.
APEC cần thúc đẩy bao trùm về giới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nữ, tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ, lập mạng lưới doanh nhân nữ APEC. APEC cũng cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo để họ có cơ hội tham gia vào những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.