ASEAN sắp có tiêu chuẩn chung về thực phẩm hữu cơ

12/07/2019 - 21:00
Khu vực tư nhân tại các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang chuẩn bị thống nhất tiêu chuẩn về sản phẩm hữu cơ (organic) nhằm giảm giá thành sản xuất và cải thiện việc quản lý chuỗi cung ứng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ ASEAN Vitoon Panyakul, nhóm này sẽ giới thiệu các tiêu chuẩn hữu cơ tại Hội chợ Biofach Đông Nam Á 2019 và Hội chợ Thiên nhiên Đông Nam Á 2019 diễn ra từ ngày 11-14/7 tại tỉnh Nonthaburi, giáp với Bangkok.

Hiệp hội Hữu cơ ASEAN là một tổ chức đại diện cho sáu quốc gia sản xuất sản phẩm hữu cơ chủ chốt ở Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Campuchia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.

Ông Vitoon nói với truyền thông địa phương rằng các nước sản xuất sản phẩm hữu cơ ở ASEAN vẫn có những tiêu chuẩn khác nhau về cây trồng, vật nuôi, thủy sản và thực phẩm chế biến hữu cơ.

Các tiêu chuẩn hữu cơ đồng nhất trong ASEAN sẽ cải thiện việc quản lý chuỗi cung ứng và giảm chi phí sản xuất của các nước trong khu vực.

 

ttxvnnongsanhuuco.jpg
Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Kiên Giang, phường An Bình, thành phố Rạch Giá. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

 

Tổng diện tích đất canh tác hữu cơ của ASEAN ước tính khoảng 4.800 km2, tức là khoảng 19.200-24.000 m2 mỗi nông dân. Hầu hết các thành viên ASEAN, trừ Malaysia và Singapore, đều là những nước sản xuất sản phẩm hữu cơ để xuất khẩu, chủ yếu là nguyên liệu.

Ông Vitoon cho rằng các nước ASEAN nên cùng nhau giảm bớt các sản phẩm hữu cơ đại trà và sản xuất những sản phẩm hữu cơ có chất lượng tốt hơn.

Thị trường sản phẩm hữu cơ của Thái Lan có giá trị khoảng 3 tỷ baht (97,6 triệu USD), trong đó doanh thu từ xuất khẩu là 2,1 tỷ baht và 900 triệu baht là tiêu dùng nội địa.

Thị trường nông nghiệp hữu cơ thế giới hiện nay có giá trị 104 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm là 20%. Mỹ là thị trường hữu cơ lớn nhất thế giới với giá trị 45,2 tỷ USD, tiếp theo là Đức với giá trị 10,04 tỷ USD.

Ông Vitoon nói rằng việc sản xuất hữu cơ ở ASEAN vẫn phải đối mặt với những thách thức, bao gồm yếu kém trong quản lý chuỗi cung ứng và thiếu quảng bá thống nhất từ đầu đến cuối.

Biến đổi khí hậu do sự ấm lên toàn cầu, hạn hán kéo dài và các chi phí nhân công cao hơn cũng có tác động đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Theo ông Vitoon, hiện nay, người tiêu dùng vẫn hoang mang về các sản phẩm hữu cơ vì có quá nhiều quảng cáo thực phẩm sạch, an toàn khác nhau.

Những tiêu chuẩn hữu cơ đồng nhất trong ASEAN, ở một chừng mực nào đó, sẽ giúp giải quyết sự "bối rối" này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm