Bà Angela Merkel tiến sát nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư
24/09/2017 - 08:09
Ngày 24/9 là thời điểm người Đức bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Liên bang Đức 2017. Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đang hy vọng có nhiệm kỳ thứ tư sau 12 năm liên tiếp lãnh đạo đất nước. Giới quan sát quốc tế nhận định bà Merkel sẽ giành chiến thắng năm nay.
Ngày 24/9 là thời điểm người Đức bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Liên bang Đức 2017, nhằm chọn ra các thành viên của Quốc hội liên bang (Bundestag) thứ 19, qua đó sẽ quyết định ai là lãnh đạo (liên minh) đảng cầm quyền, đồng thời sẽ là tân thủ tướng trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo. Bà Angela Merkel đang được đánh giá nhiều khả năng sẽ có nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư, trong bối cảnh Đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) đang thắng thế.
Dân Đức thường ưa thích sự ổn định và bà Merkel là một minh hoạ thành công của sự ổn định và dễ dự báo về mặt chính sách. Nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn sự ổn định về lãnh đạo và duy trì nguyên trạng cũng hoan nghênh việc bà Merkel nắm giữ chức Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ nữa. Đó là lý do mà bà Merkel luôn giữ được vị thế chính trị vững vàng trong suốt hơn 1 thập kỷ qua.
Cuộc bầu cử quốc hội liên bang Đức ngày 24/9 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng hàng đầu tại châu Âu trong năm 2017. Đức là cường quốc số 1 châu Âu và bà Angela Merkel được đa số xem như là nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu. Các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thặng dư thương mại, tỷ lệ thất nghiệp, phúc lợi xã hội... của nước Đức hiện đều rất ấn tượng, cho thấy nước Đức đang ở vào giai đoạn thịnh vượng và trở thành đầu tàu quan trọng nhất của EU.
Vì thế, nếu bà Merkel thắng và tiếp tục tại vị thì đó là tin tốt lành cho Liên minh châu Âu bởi cuộc tổng tuyển cử tại Đức là sự kiện chính trị then chốt cuối cùng của châu Âu trong thời gian qua, sau vụ Anh rời EU (Brexit) và bầu cử Tổng thống Pháp.
Các cuộc khảo sát trước cuộc bầu cử lần này cho thấy Đảng CDU của bà Merkel đang dẫn trước Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) với khoảng cách khá an toàn từ 12-17 điểm. Tuy nhiên, sự chú ý cũng đặt vào ông Martin Schulz, cựu chủ tịch Nghị viện châu Âu và hiện là lãnh đạo SPD. Người đàn ông nổi tiếng với những phát ngôn mạnh mẽ này đã trở lại chính trường Đức, mang theo một số thách thức đối với chính sách của bà Merkel về người tị nạn, Liên minh châu Âu (EU), kinh tế...
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Thủ tướng Merkel đã có lúc bị sụt giảm uy tín nghiêm trọng, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng di cư mà Đức cũng như EU nói chung phải gánh chịu. Ông Schulz trong khi đó với kinh nghiệm ở Nghị viện châu Âu được xem là làn gió mới, với một số ý tưởng cải cách, mặc dù không cực đoan.
Khảo sát cho thấy CDU và SPD đang dẫn đầu, đồng nghĩa tân thủ tướng Đức hoặc sẽ là bà Merkel, hoặc ông Schulz. Một cuộc đấu tay đôi với lợi thế nghiêng về bà Merkel.
CDU thực chất là liên minh giữa CDU và Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo Bavaria (CSU), nổi bật ở lời hứa về việc làm, giảm thuế, đầu tư cho lĩnh vực công cộng. Trong khi đó, phe trung tả SPD hy vọng sẽ tiếp tục giữ chỗ trong chính phủ bằng việc tạo ra một liên minh lớn (Grand Coalition). Đây là đảng theo khuynh hướng truyền thống của tầng lớp lao động, tuyên bố đầu tư vào giáo dục và hạ tầng, đặc biệt sẽ lấy nguồn tài chính từ việc đánh thuế người giàu.
Sự vượt trội này của bà Merkel và liên minh CDU-CSU lại đang tạo ra một tình huống khó xử: Đó là vì chiến thắng của bà Merkel được nhiều người xem như là đương nhiên nên lượng cử tri đi bỏ phiếu khả năng sẽ thấp hơn so với thông lệ. Con số dự báo sẽ là khoảng 34% cử tri Đức không đi bầu, hoặc lưỡng lự có đi bầu hay không và bầu cho ai. Con số này trong cuộc bầu cử 4 năm trước, tức vào năm 2013 là 29%.
Hiện nay, khoảng 1/3 cử tri Đức chưa quyết định có hy sinh một ngày Chủ nhật để đi bỏ phiếu cho một cuộc bầu cử được xem là biết trước kết quả hay không. Dù khả năng rất thấp nhưng đây có thể là một yếu tố khó lường của cuộc bầu cử bởi cử tri vắng mặt càng đông thì cơ hội cho các đảng cực hữu hay dân tuý càng nhiều hơn bởi những người ủng hộ các đảng này luôn rất tích cực đi bầu.
Đó là lý do mà cả bà Merkel lẫn ông Schulz đều đang kêu gọi cử tri Đức đi bầu đông đảo để ngăn chặn nguy cơ thăng tiến của đảng cực hữu như Tương lai cho nước Đức AfD hay đảng Cánh tả - Die Linke theo đường lối cực tả.