Bà bầu thấp thỏm lo âu vì 'dính' sốt xuất huyết

09/09/2019 - 00:00
Đối với thai phụ, việc mắc sốt xuất huyết có thể gây nhiều hệ lụy hơn so với người bình thường, thậm chí đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
Chị Đoàn Thu Hằng – 34 tuổi, Hà Nội mang thai tuần 35 thì bị sốt xuất huyết. Chị Hằng lúc nào cũng thấp thỏm không yên vì sợ sinh non. Trong quá trình điều trị sốt xuất huyết, may mắn chị không bị biến chứng. Theo dõi cắt cơn sốt 1 tuần không có dấu hiệu của xuất huyết nên chị được bác sĩ cho xuất viện ngoại trú theo dõi.
 
Tại Trung tâm Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, có trường hợp một sản phụ mang thai ở tuần thứ 37 nhập viện trong tình trạng bị sốt cao liên tục, đau bụng và tiểu cầu xuống thấp. Bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu để theo dõi đặc biệt. Khi đang điều trị thì bệnh nhân chuyển dạ sinh con. Đội ngũ bác sĩ khoa Truyền nhiễm và khoa Sản, khoa Huyết học đã phối hợp với nhau để giúp sản phụ sinh con an toàn. Bé gái nặng 2,8 kg chào đời rất khoẻ mạnh được chăm sóc sơ sinh, còn người mẹ được đưa về khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị sốt xuất huyết.
sot-xuat-huyet.jpg
TS.BS Đỗ Duy Cường cho biết, diễn biến của sốt xuất huyết ở phụ nữ có thai rất khó kiểm soát, đặc biệt với những người mang thai ở những tháng cuối.
 
Biến chứng nguy hiểm
 
Sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Nguyên nhân là vì khi mang bầu, hệ miễn dịch của mẹ bị suy yếu, tạo cơ hội cho visus có điều kiện phát triển mạnh mẽ, từ đó bà bầu bị sốt xuất huyết nghiêm trọng.
 
Virus truyền từ mẹ sang con: Hơn nữa, virus này còn có thể truyền từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc khi chuyển dạ. Thai phụ có thể cần phải mổ lấy thai nếu chẳng may mắc phải sốt xuất huyết trong thai kỳ. Các biến chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu: Có thể đe dọa đến tính mạng cho cả mẹ lẫn con.
sot-xuat-huyet1.jpg
Nguy cơ sảy thai, sinh non, tử vong: Sốt xuất huyết khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và ba có khả năng làm tăng nguy cơ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu thai phụ bệnh nặng; có thể bị sảy thai vì khi thai phụ bị sốt xuất huyết trong tam cá nguyệt đầu tiên làm tăng nguy cơ bị sảy thai.
 
Biến chứng xuất huyết, tiền sản giật: Mẹ bầu bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong khi sinh, nguy cơ xuất huyết là rất cao. Ngoài ra, mẹ bầu còn có nguy cơ tiền sản giật.
 
Thai phụ phòng tránh sốt xuất huyết
 
Vì thế, TS Cường khuyến cáo, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết cần nhập viện điều trị để được theo dõi chặt chẽ công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận, cũng như tình trạng của thai nhi hàng ngày để xem có dấu hiệu: dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không.
 
Khi có dấu hiệu sốt cao liên tục kèm theo đau đầu, ăn uống không ngon, mất nước, chảy máu chân răng, người run lẩy bẩy, mẹ bầu cần nhanh chóng vào viện cấp cứu.
 
Việc chỉ định thuốc cho bệnh nhân có thai bị sốt xuất huyết một cách cẩn trọng là rất cần thiết, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Việc chỉ định thuốc cần có sự thống nhất của bác sĩ khoa truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa.
 
Tiến sĩ Cường khuyên các thai phụ nên phòng sốt xuất huyết bằng cách ngăn chặn muỗi đốt. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ưa sống ở nơi có người, thường đốt vào ban ngày, đặc biệt là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc hoặc xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các vật dụng khác.
 
Do vậy, thai phụ nên mặc quần áo kín chân tay, nên đi tất chân, cần ngủ trong màn, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi,…Các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt nên được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hàng tuần để diệt lăng quăng. Không để nước đọng ở các nơi như lốp xe hỏng, vỏ dừa, chai lọ, lọ nước trồng thuỷ sinh, bể cá cảnh…
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm