Bà chúa ca trù đất Thượng Mỗ

14/06/2017 - 17:38
Cung phi đệ nhị Nguyễn Thị Hồng được nhân dân tôn vinh là bà chúa ca trù, từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Theo thần phả và dân gian truyền lại, vào thế kỷ 17, ở Thượng Mỗ có người con gái tên là Nguyễn Thị Hồng giỏi thơ ca, hay nghề đàn hát, nhất là ca trù. Bà vừa đẹp người, đẹp nết, giỏi cầm ca nên nổi tiếng khắp vùng, được nhân dân ngưỡng mộ.

Vào những năm cuối của thế kỷ 17, vua Lê Chính Hòa trong một lần đi kinh lý các xã thuộc Phủ Hoài Đức, khi đi qua cánh đồng làng Đại Phú, nay thuộc xã Thượng Mỗ, nhà vua bất chợt nghe tiếng hát trong trẻo, có giai điệu hết sức lạ cất lên từ ruộng lúa trĩu bông đang chờ ngày thu hoạch:

“Tay cầm bán nguyệt thênh thang

Hàng trăm ngọn cỏ lai hàng tay ta...”

ca-tru.jpg
 Minh họa biểu diễn ca trù

Tiếng hát của người con gái đầy ẩn ý, mượt mà trong sáng đến nỗi nhà vua không nén nổi lòng mình, sai quân dừng kiệu. Vua Lê Chính Hòa yêu cầu đích thân quan Thượng thư bộ Lễ xuống tận ruộng lúa mời cô thôn nữ đến bên kiệu xem mặt. Được mắt thấy tai nghe một cô thôn nữ đẹp như bông sen nở bên hồ, lại có giọng hát hay như chim hót, khẩu khí ứng đối trôi chảy như một trang kiệt nữ, sánh với bậc kỳ tài…, nhà vua rất yêu thích.

n-m-ging.jpg
 Đền thờ cung phi đệ nhị Nguyễn Thị Hồng ở Đầm Giếng.

Sau 3 ngày kinh lý, về đến Phủ Hoài Đức, vua lệnh cho các quan chuẩn bị lễ vật, mang kiệu về làng Đại Phú đón người con gái đó về làm vợ, sắc phong là Đệ nhị cung phi, phụ trách lễ nhạc cung đình, chuyên dạy hát ca trù phục vụ những cuộc đại lễ. Người con gái ấy chính là bà Nguyễn Thị Hồng, bà chúa của những điệu ca trù vùng quê Thượng Mỗ.

Sống ở nơi đài các nhưng bà phi luôn nhớ tới quê hương bản quán. Khi lâm bệnh, bà ước nguyện được về nơi quê cha đất tổ để sau khi qua đời được hòa trong cảnh gió nội hương đồng. Cảm kích trước công lao và đức hạnh của bà, khi bà mất, nhà vua đã cử hành tang lễ trọng thể và đưa thi hài của bà về cánh đồng làng Thượng Mỗ. Nhân dân thương tiếc lập đền thờ bên Đầm Giếng, gần khu Mả Vương. Lăng mộ, đền thờ còn tồn tại đến ngày nay.

Tại đền Đầm có bức hoành phi ghi 4 chữ “Kim chi ngọc diệp” (tức là Cành vàng lá ngọc) được khắc treo từ thời vua Lê Chính Hòa (1702). Có những câu đối ngợi ca công đức của bà: “Tiếng hát trong như ánh trăng làm rung vòng xuyến của cung phi/Ân trạch lớn như sóng nước phù cho cây cối của làng Mỗ tươi tốt”.

Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của bà vào mồng 3/2 âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức lễ rất trang trọng. Bài văn tế “Đệ nhị cung phi hoàng hậu” được lưu trữ cẩn thận cùng với cuốn ngọc phả ghi công đức của bà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm