Đào Thị Huệ sinh tại làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu nay thuộc thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên. Thuở nhỏ bà là người con gái làng Đào Đặng xinh đẹp có tiếng, học thông biết rộng, hát hay múa giỏi, tiếng đồn tài hoa, nhan sắc nổi tiếng cả một vùng.
Năm Ả Đào 18 tuổi, nhà Minh mượn cớ phù Trần diệt Hồ, đem quân xâm lược nước ta. Kể từ mùa hè năm 1407, nước ta lại rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Chúng đóng đồn trại về tận các thôn xóm hòng vơ vét của cải, giết hại dân lành khiến dân chúng khắp nơi sống trong cảnh lầm than. Căm thù quân giặc sách nhiễu, tàn sát ức hiếp dân lành, bà bàn với dân làng tìm cách giết giặc.
Nhờ có tài nghệ xuất sắc và nhan sắc hơn người, Đào Nương nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cả quân và tướng giặc Minh. Chúng có phần vị nể và biến quán rượu của nàng thành nơi hội họp, ăn uống, nghỉ ngơi mà không đề phòng bất cứ điều gì. Hằng ngày, quân sĩ giặc Minh thường kéo nhau đến quán rượu của nàng Đào Nương tập trung chè chén thâu đêm suốt sáng. Rượu tiệc no say, chúng lại lăn ra ngủ. Thời đó, nơi đây vốn là vùng lau sậy um tùm, nhiều côn trùng đặc biệt là muỗi. Vì thế, để khỏi lạnh và tránh bị muỗi đốt, giặc Minh đã làm những chiếc túi bằng bao tải gai để được giữ ấm và an toàn trước côn trùng.
Di tích đền thờ Đào Nương tại Hưng Yên. |
Đêm đến, chúng chui vào bao tải ngủ và buộc túi lại để tránh muỗi. Đào Nương nhiều lần được chúng giao cho việc thắt và mở túi. Với công việc này, Ả Đào đã nghĩ ra kế giết giặc. Sau khi thông báo mật kế cho nghĩa quân Lam Sơn, Ả Đào bí mật tìm các bô lão và trai tráng đang ẩn nấp trong vùng bàn kế hoạch giết giặc. Cứ đêm đến khi quân Minh đã ngủ say, dưới sự chỉ huy của Đào Nương, anh em trai tráng đến khiêng từng túi ném xuống sông.
Quân số của giặc ngày càng hao hụt cho tới một hôm, tướng giặc thấy không rõ vì sao mà quân lính trong đồn tự nhiên mất tích một cách khó hiểu. Hắn vội ra lệnh kiểm điểm lại số quân và bắt tất cả quân lính trong đồn đứng xếp hàng vào một thửa ruộng hình vuông, bốn bề có đắp tường cao, gọi là đấu đong quân để biết thiếu đủ ra sao. Tướng giặc giật mình khi thấy quân sĩ hao hụt quá nửa mà không tìm ra nguyên nhân mới cho rằng nơi đây là vùng đất độc, không thích hợp cho việc đóng quân nên quyết định phải dời đồn trú đi nơi khác. Dân làng Đào Đặng được trở lại làm ăn sinh sống bình yên.
Khi nàng Đào Nương mất, dân làng tưởng nhớ công lao to lớn đã lập đền thờ bà. Đất nước thanh bình, vua Lê Thái Tổ phong bà làm Phúc thần kiến quốc, Trinh Liệt Phu nhân và cho sửa lại nhà thờ, cấp ruộng cúng tế hàng năm. Đền thờ Đào Nương đã trở thành di tích lịch sử văn hóa, niềm tự hào của nhân dân Đào Đặng nói riêng và người dân tỉnh Hưng Yên nói chung.
Lễ hội đền Đào Nương. |
Bà Đào Thị Huệ không chỉ là nhân vật lịch sử có công đánh giặc mà còn được suy tôn là một trong những vị tổ của nghệ thuật ca trù nước ta, di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận và xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.